Điều lệ trường Tiểu học và trường Trung học mới được Bộ Giáo dục ban hành (hiệu lực trong tháng 10 và 11), có những nội dung khác biệt mang tính đột phá, nhằm hướng tới sự trưởng thành toàn diện của học sinh. Điều này đang được kỳ vọng giúp các cơ sở giáo dục tiếp tục đổi mới hiệu quả, ngày càng tiệm cận hơn với giáo dục ở các nước phát triển.
Không đánh giá rập khuôn kiểu “đồng phục”
Tiến trình đánh giá học sinh mới được ban hành theo quan điểm hiện đại ở các nước có nền giáo dục mơ ước. Dạy học có sự thay đổi đáng kể khi giáo viên áp dụng quy chế đánh giá mới. Học sinh được hướng dẫn tự học, sau đó theo từng giai đoạn các em được giáo viên hỗ trợ, tư vấn để cố đạt mục tiêu của bài học.
Chính sự đi sát này, giáo viên hiểu được học sinh, biết được các em nắm bài đến đâu và từ đó động viên khuyến khích và tiến hành đánh giá có giá trị tạm thời bằng nhận xét cho học sinh. Và cách làm này, giáo viên giúp học sinh điều chỉnh kịp thời quá trình học, qua đó thành tích học tập được xác lập một cách thực chất và vững chắc.
Những ai giáo dục học sinh đều có quyền được tham gia đánh giá mà không riêng giáo viên trực tiếp dạy. Đánh giá trên lớp và còn ngoài lớp, đánh giá qua sản phẩm và qua hồ sơ học sịnh. Học tập để phát triển năng lực bản thân mỗi em là để trở thành chính mình, nên không thể so sánh học sinh này với học sinh khác. Mỗi em sẽ đạt được một mức độ nhân cách riêng và khác nhau. Mặt khác mỗi em đều có khả năng bẩm sinh và điều kiện học tập rất khác nhau, nên đánh giá không thể đồng loạt theo kiểu “đồng phục”.
Tất cả các môn học đều được đánh giá bằng nhận xét, so với trước kia chỉ một số môn. Số đầu điểm kiểm tra một tiết đã giảm, thể hiện cách làm coi nhẹ đánh giá bằng điểm số mà ưu tiên đánh giá bằng nhận xét, tức đánh giá bằng định tính mà ít chú trọng định lượng. Ngoài danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến, còn có thêm danh hiệu học sinh đạt thành tích nổi bật hoặc có tiến bộ vượt bậc trong học tập và rèn luyện.
Với quy định định này, học sinh được trao danh hiệu không nhất thiết chỉ là thành tích học tập như theo cách truyền thống. Sự đổi mới đánh giá học sinh, cần người giáo viên có tâm và có năng lực đánh giá theo quan điểm mới. Đây thực sự là thách thức không nhỏ cho hoạt động quản lý cũng như khả năng đang có của giáo viên.
Đề cao sự tôn trọng người học
Theo tinh thần các điều lệ mới, giáo viên được tự chủ trong chuyên môn. Theo đó sẽ chấm dứt sự áp đặt chuyên môn, phương pháp dạy học cụ thể một cách chủ quan từ cấp trên với giáo viên và các trường, từ đó cởi trói, khuyến khích giáo viên sáng tạo trong hoạt động nghề nghiệp của mình.
Một điểm đáng lưu ý tại Thông tư 28 của Bộ GDĐT (ban hành kèm theo Điều lệ Trường tiểu học) là giáo viên không được phê bình học sinh trước lớp, trước trường. Điều này, khác với trước đây, học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập và rèn luyện thì tùy theo mức độ vi phạm, giáo viên có thể nhắc nhở, phê bình hoặc thông báo với gia đình.
Cùng với đó, Điều 31 của Điều lệ Trường THCS, trường THPT có nhiều cấp học quy định các thành viên trong trường không “Xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể của học sinh và đồng nghiệp”. Điều này có nghĩa là không còn các hình thức xử lý kỷ luât học sinh, như: Phê bình trước lớp, trước trường; Cảnh cáo ghi học bạ; Buộc thôi học có thời hạn…Tất cả những thay đổi này, thể hiện sự chuyển đổi trong nhận thức một cách vượt bậc của các biện pháp giáo dục tích cực học sinh ở các trường phổ thông.
Cảnh cáo ghi học bạ hay xử lý kỷ luật công khai trước sự chứng kiến của học sinh là biện pháp giáo dục tiêu cực, sỉ nhục và ghi dấu ấn, điểm đen trong học bạ và nó sẽ còn theo mãi suốt cuộc đời của học sinh. Học sinh cần được tôn trọng như Luật Giáo dục đã quy định. Đây là một sự thay đổi, bước tiến bộ đáng kể, mang đậm tính nhân văn trong giáo dục của chúng ta.
Phương pháp kỷ luật tích cực sẽ đem lại kết quả tích cực, cảm xúc hạnh phúc cho học sinh và toàn trường. Giáo dục đang hướng tới Trường học hạnh phúc là trường học đầy tình thương, đề cao sự tôn trọng, mang lại sự bình đẳng, bình an cho mỗi thày cô và tất cả học sinh trong trường.
Tuy vậy, dự luận xã hội không khỏi băn khoăn về những thách thức đang đặt ra với ngành giáo dục: có mang lại hiệu quả hay không. Điều này còn tùy thuộc trình độ quản lý giáo dục cấp cơ sở, năng lực sư phạm và sự chuyên tâm của giáo viên.
Xã hội, nhất là cha mẹ học sinh có chung tay hay đứng ngoài cuộc, phó mặc cho các nhà trường? Bộ GDĐT có nhận được sự đồng lòng nhất trí cao của các địa phương để đưa Điều lệ nhà trường vào cuộc sống với những tham vọng và khác biệt có tính đột phá…