Tại Hội nghị tổng kết công tác phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam diễn ra ngày 17/2, các đại biểu tham dự đã cùng thảo luận để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp giữa hai bên đối với hoạt động giám sát và công tác xây dựng pháp luật; hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri và nhân dân.
Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, sự phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam rất chặt chẽ, có trọng tâm, trọng điểm, luôn hướng về nhân dân, lắng nghe dân để được lòng dân. Vì vậy, trong thời gian tới, hai bên cần nâng cao hơn nữa việc “hướng về dân” thông qua việc truyền tải thông tin về những vấn đề về kinh tế - xã hội, các dự thảo luật, ….tới nhân dân trong những dịp về với dân, để người dân tham gia đóng góp ý kiến.
“Cần mở rộng đối tượng để lắng nghe ý kiến, hướng đến giáo viên, y, bác sĩ, bởi nhiều người công tác trong những ngành này còn gặp khó khăn trong cuộc sống. Bên cạnh việc thăm hỏi, động viên, trao quà cũng nên quan tâm, lồng ghép thêm nhiều chủ đề nhằm truyền cảm hứng hơn để giáo viên, y, bác sĩ cảm thấy yêu nghề và gắn bó với nghề hơn”, bà Nguyễn Thị Doan chia sẻ.
Trong công tác xây dựng pháp luật, bà Nguyễn Thị Doan cho rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất trân trọng ý kiến phản biện, xây dựng pháp luật của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, có sự nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng. Do đó, hai bên nên tổ chức thêm một số hội thảo của nhân dân và nên đa dạng các hình thức tiếp cận để lắng nghe sâu hơn ý kiến của người dân; đồng thời hai bên cần có giải pháp để mở rộng đối tượng tiếp xúc cử tri, hướng về dân, lắng nghe dân, tiếp thu có chọn lọc ý kiến của dân, từ đó hoạt động phối hợp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam ngày càng được nâng cao về chất lượng.
“Đảng đang hướng mạnh đến xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng, củng cố, phát triển niềm tin của nhân dân. Đất nước ngày càng phát triển, nhân dân luôn tin yêu vào Đảng. Do đó, chúng ta cần phải làm thế nào thể đáp lại niềm tin của nhân dân”, bà Nguyễn Thị Doan bày tỏ.
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, phần lớn những dự thảo quyết sách liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, đến cuộc sống của nhân dân, đến an sinh xã hội; các giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội đều mời đại diện Đoàn Chủ tịch tham gia giám sát và cho ý kiến, từ đó tạo được sự đồng thuận cao trong nhận định tình hình và trình trước Quốc hội.
“Quốc hội tiếp tục đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động nhằm đảm bảo, thực hiện chức năng Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước”, ông Nguyễn Túc nói.
Gửi kiến nghị tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Nguyễn Túc cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội và Hội đồng nhân dân bầu ra hoặc phê chuẩn nên lấy ý kiến của đại biểu nhân dân ở khu dân cư nơi người đó sinh sống thường xuyên nhằm khắc phục hạn chế, khuyết điểm trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nêu: “Cơ chế giám sát quyền lực chưa hoàn thiện, vai trò giám sát của nhân dân chưa được phát huy mạnh mẽ”.
“Việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong những năm qua với quyết tâm cao và những biện pháp mạnh đã góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động này theo hướng đấu tranh nhưng phải đoàn kết hơn”, ông Nguyễn Túc kiến nghị.
Ông Đỗ Duy Thường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho biết, Luật MTTQ Việt Nam được ban hành năm 2015, qua thực hiện đến nay đã được 8 năm, tuy nhiên không có cơ chế hướng dẫn thực hiện, cơ chế bảo đảm thực thi pháp luật của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Do đó, ông Đỗ Duy Thường kiến nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho chủ trương để kiến nghị Quốc hội cho sửa đổi, bổ sung Luật MTTQ Việt Nam năm 2015.
Theo ông Đỗ Duy Thường, để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát và phản biện xã hội theo tinh thần chỉ thị 18-CT/TƯ ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, cần nâng cao quyền và trách nhiệm của Đoàn Chủ tịch và các Ủy viên Đoàn Chủ tịch trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Trong đó, cần tổ chức hội nghị Đoàn Chủ tịch góp ý, phản biện vào các dự thảo Luật, Pháp lệnh theo kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhất là đối với những dự án Luật, Pháp lệnh liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, liên quan đến quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam.