Gặp nhau trên mạng xã hội, cô bạn đang sống ở Thành phố Vancouver (Canada) hỏi: “Sắp Tết rồi phải không? Mình đang nhớ Tết ghê gớm. Thèm cái cảm giác được đi chợ quê, được đi tảo mộ, được chuẩn bị bó mùi già, được quây quần bên nồi bánh chưng và không khí đoàn viên ngày 30 Tết…”
Ảnh minh họa.
1. Chỉ mấy dòng trao đổi qua Inbox, tôi biết bạn đang nhớ quê hương thật sự. Bạn bảo, đã 5 Tết rồi bạn chưa trở về Việt Nam. 5 năm nuôi con nhỏ bên xứ người ấy với biết bao sự bận rộn của người mẹ trẻ nhưng mỗi dịp cuối năm bạn lại xốn xang nhớ về cái Tết cổ truyền Việt Nam. Khi đó, các cuộc chuyện trò, những dòng chia sẻ, rồi hình ảnh, video clip của người thân, bạn bè đưa lên mạng xã hội tựa như sợi dây giúp bạn có cảm giác gần gụi với quê hương, với những điều thân thuộc, để làm vơi bớt nỗi nhớ quê nhà…
Tôi cũng biết, còn hàng triệu đồng bào đang sống xa quê. Số người chưa thể thu xếp về quê ăn Tết cũng không phải ít. Và mỗi người sống xa Tổ quốc đều có cách riêng để duy trì, tiếp nối những nghi thức Tết Việt, trao truyền cho con cái qua những món ăn truyền thống của Tết Việt, qua tục mừng tuổi đầu xuân… Nhưng tận sâu thẳm trong lòng, ai nấy vẫn thấy thiêu thiếu một điều gì đó. Thì ra đó chính là cái hương vị ngày xuân, cái không khí đón Tết truyền thống mà ở mỗi vùng miền lại có những điều khác biệt làm nên bản sắc, giá trị của văn hóa Việt…
Tin nhắn của bạn cũng nhắc tôi nhớ quá về những phiên chợ quê xứ Đoài ngày Tết. Thuở ấy quê nghèo, đám trẻ chúng tôi đợi Tết đến cồn cào, từ cả tháng trước Tết. Đầu tháng Chạp, chợ quê bắt đầu nhộn nhịp, nhưng có lẽ từ khoảng 20 tháng Chạp cho đến chiều chợ phiên ngày 27 Tết là thời điểm chợ quê nhộn nhịp, sặc sỡ sắc màu nhất. Và cũng có nhiều thứ để nhớ từ phiên chợ quê ấy. Nhớ từ hàng cau trầu với những bà bán hàng miệng đỏ như son, hàm răng đen lấp lánh. Nhớ cả những dãy hàng bán chuối xanh, quất chín, rồi trái trứng gà vàng ươm để bày la liệt trên những tấm nilon đợi các bà các mẹ mua về bày mâm ngũ quả ngày Tết. Rồi khu vực bán tranh Tết cũng đọng lại trong tôi nhiều ký ức về chợ phiên xưa. Những bức tranh Đông Hồ gợi ra cả một thế giới những sắc màu, những câu chuyện dân gian xưa cũ. Đặc biệt, dãy hàng bán lá dong, bán ống giang để làm lạt gói bánh chưng luôn tấp nập.
Bánh chưng là loại bánh không thể thiếu trong cái Tết cổ truyền của người Việt. Vì thế ở đâu cũng chuẩn bị rất chu đáo. Với người dân xứ Đoài, nhà nào khi Tết đến dù giàu hay nghèo đều gói bánh chưng. Quãng 27, 28 Tết, đi dọc những con đường làng từ Hữu Bằng sang Chàng Sơn… đều bắt gặp những nồi bánh chưng đang tỏa hơi nghi ngút. Cạnh đó, mấy cụ già bế cháu nhỏ ngồi quây quần trông nồi bánh, mùi bánh chưng, mùi ngô, khoai nướng quyện vào nhau thơm ngào ngạt… Xưa, để đun được nồi bánh, người dân xứ Đoài thường tích trữ gộc tre để đun cho đượm lửa. Bên cạnh gói bánh chưng vuông, nhiều gia đình vẫn gói bánh chưng dài (nhiều nơi gọi là bánh chưng đòn). Những cái bánh dài, to như những cây giò, giàng bằng lạt giang được treo ở góc nhà là hình ảnh khiến người ta thấy thương mến vô cùng.
Nhưng độc đáo nhất có lẽ phải kể đến tục làm bánh Tết của người dân làng Canh Nậu, Dị Nậu. Đến Tết, dù nhà giàu hay nhà nghèo, dù rảnh rang hay bận rộn, nhà nào cũng làm từ 10 đến 15 loại bánh: Bánh chưng, bánh gio, bánh gai, bánh nếp, bánh đúc, bánh tẻ, bánh gấc... Nhiều gia đình cẩn thận đã chuẩn bị nguyên liệu làm bánh Tết từ vài ba tháng trước. Đến ngày ông Công, ông Táo thì chính thức làm để cúng kiếng. Với quan niệm mỗi thứ bánh mang một ý nghĩa khác nhau, ví như bánh chưng thể hiện cho sự sung túc, bánh gio giúp tiêu hóa tốt trong ngày Tết, bánh gai bồi bổ cho phụ nữ..., vì thế, bất cứ ai có dịp về làng Canh Nậu, Dị Nậu ăn Tết đều cảm thấy vô cùng thú vị.
Thông qua phong tục làm bánh Tết người dân đã lưu dấu một nếp sống đẹp, đồng thời trao truyền cho con cháu những giá trị bất biến của văn hóa xứ Đoài…
Hoa giấy Thanh Tiên (Thừa Thiên - Huế).
2.Hương vị Tết của người dân Long An cũng không thể thiếu chuyện quanh chiếc bánh tét. Tôi nhớ đến hương vị bánh tét Long An cũng là nhờ một lần theo chân một người bạn trong ký túc xá thời học Đại học về miền Tây ăn Tết sớm.
Bánh tét Long An có nét tương đồng của bánh chưng ở miền Bắc về nguyên liệu, cách nấu, chỉ khác về hình dáng và sử dụng lá chuối để gói thay vì lá dong. Nguyên liệu để gói bánh tét ngày Tết gồm gạo nếp, đậu xanh tách vỏ, thịt heo và một số gia vị tương tự như để làm bánh chưng. Cũng là bánh tét làm từ nếp cái, thịt mỡ, đỗ xanh nhưng mỗi nơi bánh tét lại có một sự khác biệt nhất định. Đặc biệt ở hai tỉnh Vĩnh Long, Cần Thơ, người dân nơi đây rất khéo tay khi làm ra bánh tét bốn màu công phu trong cách làm nên thường chỉ dùng đãi khách trong các dịp lễ tết vui vẻ. Bánh tét bốn màu được làm trông rất đẹp mắt nhờ bí quyết nhuộm màu gạo và cách gói khéo tay. Màu xanh lá cây của bồ ngót, màu đỏ của trái gấc, màu vàng của đậu xanh, màu trắng là của nếp. Bên cạnh bánh tét nhân mặn, có nơi còn làm bánh tét nhân ngọt bằng đậu xanh trộn đường, dừa nạo hoặc chuối sứ. Bánh tét nhân ngọt thường dùng cho người ăn chay hay những gia đình không đủ điều kiện mua thịt mỡ. Cá biệt có bánh tét thập cẩm với nhân gồm trứng muối, tôm khô, lạp xưởng, thịt giò, hột sen, nấm đông cô, đậu xanh.
Bây giờ, bạn cũng xa quê. Hương vị chiếc bánh tét ngày Tết ấy hẳn cũng khiến bạn nao lòng nhớ về những ngày tháng cũ, nhớ về quê hương.
Nếu bánh chưng, bánh tét ghim trong nỗi nhớ của những người con xứ Đoài hay miền Tây sông nước thì với nhiều người con xứ Huế, việc chuẩn bị mâm cỗ Tết lại khiến họ nhớ vô cùng. Người Huế vốn cầu kỳ, kỹ tính, nên việc chuẩn bị mâm cỗ ngày Tết lại càng cầu kỳ và thể hiện sự tinh tế “đến độ”. Mâm cỗ chia ra món mặn như thịt dầm mắm, nem chả tré, thịt đông, thịt kho tàu, cuốn ram, thịt hon, thịt phay (thịt luộc) - tôm chua... Rồi thêm các món đồ mộc như măng khô xào tôm thịt, mít trộn, giá xào nham...; món nước như giò hầm măng khô, miến. Chưa kể mâm cỗ không thể thiếu các món bánh tráng, rau sống cuốn. Ngoài ra còn có các món trộn như thịt gà trộn rau răm, vả trộn, măng trộn, mít trộn được dọn ra như món khai vị… Chính điều ấy, với những người con xứ Huế xa nhà, mâm cỗ Tết bao giờ cũng khiến họ nhớ quá về Tết quê hương, Tết xứ Thần kinh. Bên cạnh món ăn, nhiều người cũng nhớ sắc màu của hoa giấy Thanh Tiên. Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, những chông hoa giấy Thanh Tiên rực rỡ sắc màu được người dân mang đi bán dạo ở nhiều chợ quê mang đến cho ta một hương vị Tết rất đặc trưng, khó lẫn.
Nghề làm hoa giấy Thanh Tiên xuất phát từ tín ngưỡng dân gian. Tục xưa, hoa giấy được trang trí trang trọng ở những nơi như: Trang Ông, Trang Bà, Am cảnh, Ông Táo. Người Huế mỗi năm thay hoa một lần vào dịp Tết Nguyên đán, hoa mới được thay thế, hoa cũ hạ xuống “Duống” và đốt đi gọi là “Tẩu”. Cứ như thế, hoa giấy Thanh Tiên từ bao đời nay đã trở thành một nét văn hóa tín ngưỡng của người dân xứ Huế…