Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và mạng xã hội đã làm thay đổi sâu sắc thói quen tiếp cận thông tin của độc giả.
Ngày nay, độc giả thường tiếp cận tin tức thông qua các nền tảng trung gian như Facebook, Twitter, YouTube và TikTok hơn là trực tiếp từ các trang web của cơ quan báo chí. Ðiều này đặt ra thách thức lớn cho các cơ quan báo chí trong việc giữ chân độc giả hay lôi kéo họ trở về với nền tảng chính.
Chuyển đổi số báo chí thế nào để giữ chân bạn đọc, thu hút và phát triển doanh thu quảng cáo là vấn đề đặt ra đối với mỗi cơ quan báo chí, đặc biệt là báo điện tử. Trong bối cảnh hiện nay, bạn đọc đang có xu hướng tìm đến các nền tảng số và báo chí bắt buộc phải chuyển đổi theo.
Ông Lê Quốc Minh - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam từng nêu, việc sử dụng mạng xã hội là phần không thể tách rời trong việc làm báo nhưng cần có những giải pháp của cơ quan chức năng, ý thức của người dùng và hành động của người làm báo để có những nền tảng lành mạnh.
Báo chí cần tập trung tạo ra các nội dung độc quyền mà người đọc không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác. Ví dụ, những tờ báo như The New York Times hay The Washington Post nổi tiếng với các bài điều tra sâu sắc, những thông tin chi tiết và phân tích mà độc giả không thể có được từ các nguồn thông tin ngắn gọn trên mạng xã hội.
“Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt với mạng xã hội, báo chí cách mạng cần nâng cao chất lượng nội dung, đổi mới hình thức thể hiện và tăng cường sự tương tác với độc giả. Chỉ có như vậy, chúng ta mới giữ được độc giả và phát triển bền vững”.
BỘ TRƯỞNG BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG NGUYỄN MẠNH HÙNG
Trong kỷ nguyên tin nhanh, việc cập nhật tin tức kịp thời và chính xác là yếu tố quan trọng để giữ chân độc giả. Các cơ quan báo chí cần đảm bảo rằng họ là nguồn cung cấp thông tin đáng tin cậy nhất.
Giao diện thân thiện và tiện lợi là một lợi thế. Một trang web báo điện tử cần có giao diện thân thiện với người dùng, tốc độ tải trang nhanh. Việc tích hợp các tính năng như đọc tin offline, lưu bài viết để đọc sau và giao diện thân thiện với thiết bị di động là cần thiết. Không chỉ vậy, việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để gợi ý các bài viết dựa trên sở thích và hành vi đọc của từng cá nhân. Điều này giúp tăng cường trải nghiệm của người đọc và giữ họ lâu hơn trên nền tảng.
Các cơ quan báo chí có thể tạo ra các diễn đàn, nhóm Facebook hoặc tổ chức các buổi thảo luận trực tuyến để tương tác với độc giả, lắng nghe ý kiến và xây dựng mối quan hệ gần gũi với họ. Đây là chiến lược tạo dựng cộng đồng độc giả trung thành. Việc phản hồi nhanh chóng và chuyên nghiệp đối với các bình luận, thắc mắc của độc giả trên trang web hoặc mạng xã hội sẽ tạo dựng niềm tin và sự hài lòng, thể hiện sự chuyên nghiệp, thân thiện của tòa soạn.
Bên cạnh đó, cơ quan báo chí có thể tận dụng mạng xã hội để quảng bá nội dung. Cụ thể, sử dụng các đoạn trích ngắn, video hoặc inforgraphic để thu hút sự chú ý của người dùng trên mạng xã hội và dẫn họ về trang gốc để đọc toàn bộ bài viết. Tổ chức các buổi livestream với nhà báo, chuyên gia để thảo luận về các chủ đề nóng, tạo ra sự tương tác trực tiếp với độc giả và khuyến khích họ truy cập trang báo để đọc thêm.
Việc đẩy mạnh chiến lược tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO) và quảng cáo trực tuyến cũng là một bước đi quan trọng trong việc giữ chân độc giả. Theo đó cơ quan báo chí cần đảm bảo rằng các bài viết được tối ưu hóa để xuất hiện ở vị trí cao trên các công cụ tìm kiếm như Google. Điều này giúp tăng khả năng tiếp cận của độc giả từ các tìm kiếm liên quan đến tin tức. Tòa báo cũng cần sử dụng quảng cáo trực tuyến trên Google Ads, Facebook Ads để thu hút người đọc mới. Quảng cáo cần được nhắm mục tiêu chính xác để đạt hiệu quả tối đa.
Trên thế giới, The New York Times đã thành công trong việc chuyển đổi sang nền tảng số bằng cách cung cấp các nội dung độc quyền, sử dụng AI để cá nhân hóa trải nghiệm người đọc và tạo ra các ứng dụng di động thân thiện. Theo Giám đốc điều hành Mark Thompson, "cách duy nhất để thành công là cung cấp những nội dung mà không ai khác có thể cung cấp”.
BBC News đã tận dụng YouTube và các mạng xã hội khác để đăng tải các video ngắn, hấp dẫn, thu hút người xem trở về trang chính để đọc các bài viết chi tiết hơn.
Tại Việt Nam, VnExpress đã xây dựng một cộng đồng độc giả trên Facebook, tổ chức các buổi tọa đàm trực tuyến và sử dụng các đoạn trích hấp dẫn để dẫn độc giả về trang chính. Ông Phạm Hiếu - Tổng biên tập VnExpress nói, "chúng tôi luôn tìm cách để thông tin của mình đến với độc giả một cách nhanh nhất và tiện lợi nhất”.
Tại Diễn đàn Báo chí toàn quốc được tổ chức tháng 3/2024, nhấn mạnh đến yêu cầu đổi mới báo chí trong bối cảnh hiện nay, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, công nghệ số ảnh hưởng mạnh mẽ đối với lĩnh vực báo chí, truyền thông, tạo ra sự thay đổi căn bản. Báo chí muốn phát triển cần không gian mới, cần lực lượng, nguồn lực, yếu tố sản xuất mới, động lực mới. Không gian mới là không gian số. Lực lượng sản xuất mới là công nghệ số. Nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số. Yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số. Động lực mới là đổi mới sáng tạo số. Bởi vậy, đầu tư vào công nghệ số, nhân lực số, dữ liệu số và đổi mới sáng tạo số sẽ là đầu tư vì tương lai của báo chí.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, những khó khăn và những vấn đề của báo chí gần đây không làm giảm đi vai trò của báo chí, mà nói lên báo chí cần phải đổi mới, không thay đổi sẽ bị thay thế. Công nghệ số, Internet và truyền thông xã hội là những cú huých mạnh mẽ để đổi mới báo chí. Sự đổi mới này sẽ làm tăng vai trò và sự đóng góp của báo chí cách mạng vào sự nghiệp xây dựng Việt Nam hùng cường và thịnh vượng. Báo chí muốn đổi mới phải giữ vững những giá trị cốt lõi, sứ mệnh ban đầu của báo chí cách mạng nhưng công cụ để thực hiện sự sáng tạo chủ yếu là công nghệ số. "Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt với mạng xã hội, báo chí cách mạng cần nâng cao chất lượng nội dung, đổi mới hình thức thể hiện và tăng cường sự tương tác với độc giả. Chỉ có như vậy, chúng ta mới giữ được độc giả và phát triển bền vững”.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho rằng, báo chí “rất cần độc giả đến với chúng ta một cách trực tiếp”. Điều quan trọng là báo chí có sự tương tác thường xuyên với độc giả và biến họ trở thành độc giả trung thành. “Nếu (báo chí) bị lệ thuộc vào mạng xã hội thì những độc giả này chỉ là độc giả lướt qua và việc này không góp phần vào sự lớn mạnh, bền vững của các tờ báo”, Chủ tịch Hội Nhà báo nêu.
Trong bối cảnh thói quen độc giả thay đổi mạnh mẽ, các cơ quan báo chí cần linh hoạt và sáng tạo trong việc thu hút và giữ chân độc giả. Việc tạo ra nội dung chất lượng, tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, xây dựng cộng đồng độc giả trung thành và tận dụng tối đa các nền tảng mạng xã hội sẽ giúp các cơ quan báo chí không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên số. Như các lãnh đạo ngành truyền thông và báo chí đã chỉ ra, báo chí cần phải đổi mới liên tục và kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả.