Ðể gia tăng tương tác với công chúng thế hệ Z, báo chí cần chuyển mình, thích nghi với xu hướng tiếp cận và các trải nghiệm mới.
Tiến sĩ (TS) Trần Bá Dung - Trưởng khoa Marketing - Truyền thông (Trường Đại học Hoa Sen) dẫn các nghiên cứu gần đây cho biết, người trẻ nay đọc thông tin báo chí chủ yếu trên thiết bị di động. Đây là điều những người làm báo phải suy ngẫm để có những sản phẩm báo chí phát hành trên nền tảng di động, đặc biệt là điện thoại. Nếu không có phiên bản mobile, báo chí sẽ không đến được với các bạn trẻ.
Theo TS Trần Bá Dung, các bạn trẻ hiện nay có xu hướng không đọc tin chính trị mà tập trung vào các loại thông tin mang tính giải trí, các thông tin dịch vụ như mua sắm, du lịch, ăn uống, nghe nhạc, xem phim…
Nếu báo chí không nắm được thị hiếu của bạn đọc gen Z (những người sinh từ năm 1997 đến 2012), không thể đáp ứng nhu cầu của họ. Muốn sản xuất các tác phẩm báo chí phục vụ nhóm đối tượng này, hình thức và nội dung cần “bớt cứng”, phải thuyết phục hơn, gắn với thực tiễn, “không nói lấy được, nói như trong sách giáo khoa”.
Thông tin trên báo chí phải bằng người thật, việc thật, bằng câu chuyện, bằng những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn, qua đó lồng ghép lý luận chính trị cho bạn trẻ. Hình thức thể hiện cần ngắn gọn, sinh động, nếu bài báo “chỉ toàn chữ” thì bạn đọc sẽ nhanh chóng bỏ qua.
Muốn sản xuất các tác phẩm báo chí phục vụ gen Z, hình thức và nội dung cần “bớt cứng”, phải thuyết phục hơn, gắn với thực tiễn, “không nói lấy được, nói như trong sách giáo khoa”.
TS TRẦN BÁ DUNG
TS Lại Thị Hải Bình - Trưởng khoa Truyền thông đa phương tiện (Học viện Phụ nữ Việt Nam) cho rằng, công chúng thế hệ Z thường tiếp nhận tin tức báo chí trên thiết bị di động trong thời gian ngắn và không có thời điểm cố định. Đây được coi là nền tảng lý tưởng để cung cấp thông tin ngắn gọn mọi nơi mọi lúc.
Theo bà Bình, hiện nay, việc tiếp nhận tin tức có chiều sâu đang có xu hướng ngày càng giảm sút. Thay vào đó là thói quen sử dụng những sản phẩm truyền thông thiên về thỏa mãn giác quan. Thế hệ Z thích tiếp cận sản phẩm truyền thông nhanh hơn, nhiều hơn, ngắn hơn, trực tiếp hơn và cũng ít phải tư duy hơn. Thế hệ Z có quan tâm đến tin tức nhưng chủ yếu xoay quanh các chủ đề mà họ hứng thú như tin tức về an toàn thực phẩm, giao thông, người nổi tiếng…
Để gia tăng tương tác với công chúng thế hệ Z, theo bà Bình, các cơ quan báo chí phải chuyển mình và thích nghi với xu hướng tiếp cận và trải nghiệm mới. Ngoài việc đưa thông tin qua các kênh truyền thống, các cơ quan truyền thông cần tiếp cận công chúng bằng nhiều cách thức phổ biến và hiệu quả khác như qua mạng xã hội. Hình thức chuyển tải nội dung cũng cần thay đổi, từ các tin bài dài, nhiều chữ sang dạng sản phẩm đồ họa tương tác, video ngắn, các tác phẩm báo chí đa phương tiện.
Bên cạnh đó, phải tính toán toàn bộ phương thức sản xuất tin tức, từ khâu kỹ thuật xử lý bài viết đến ảnh, đồ họa tương tác, video... Thế hệ Z có khoảng chú ý rất ngắn, các tin tức, thông tin quá dài nhiều khả năng bị “lướt” qua. Vì vậy tin tức cần ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, dễ chia sẻ, độc đáo, bám sát xu hướng.
Theo TS Nguyễn Nga Huyền - giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, hiện nay, gen Z là nhóm đối tượng tiêu biểu tiêu thụ những tin tức nhanh. Với sự cạnh tranh của mạng xã hội, nếu báo chí truyền thống không thay đổi thì khó thu hút nhóm độc giả này.
Gen Z sở hữu năng lực về công nghệ, nắm bắt xu hướng. Việc đưa đội ngũ gen Z vào toà soạn để nắm bắt tâm lý, nhu cầu của chính gen Z là một hướng đi hợp lý. Muốn hiểu nhóm độc giả gen Z, cần tôn trọng ý kiến của nhóm này trong toà soạn.
Họ hiểu được thế hệ của họ nên sẽ có những đề xuất, cách làm phù hợp, đón đầu nhu cầu của nhóm độc giả cùng thế hệ. Để làm điều đó, người đứng đầu của bộ máy lãnh đạo ở mỗi toà soạn cần có tư duy cởi mở, cái nhìn chiến lược và mạnh dạn thay đổi.
TS Nguyễn Đồng Anh - Phó trưởng khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại (Học viện Ngoại giao), nền tảng tư duy của các nhà báo trẻ có sự tương đồng với nhóm công chúng hiện đại. Họ có cùng ngôn ngữ, lối suy nghĩ, có khả năng tạo ra các sản phẩm phù hợp và được đón nhận bởi nhóm công chúng gen Z. Đây là nguồn động lực phát triển cho các cơ quan báo chí của Việt Nam trong thời gian tới.
Để làm được điều đó, đội ngũ nhà báo gen Z cần trau dồi những phẩm chất, kỹ năng làm báo hiện đại. Ngoài những kỹ năng truyền thống như quan sát, phát hiện vấn đề, kiểm chứng thông tin, phỏng vấn, chụp ảnh… cần có thêm những kỹ năng mới trong bối cảnh hiện nay, ví dụ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm tiết kiệm thời gian trong việc sáng tạo sản phẩm báo chí, các kỹ năng liên quan nội dung số. Cần học cách tư duy đa phương tiện để đóng gói, truyền tải nội dung hấp dẫn, thu hút.
Theo TS Nguyễn Đồng Anh, nội dung trên báo chí truyền thống đều có tính chính thống, thể hiện góc nhìn và quan điểm của hệ thống chính trị, bằng bất kỳ cách làm hay tần suất nào đều phải truyền tải những thông điệp, nội dung đó tới công chúng. Trong khi đó, các bạn trẻ hiện nay có xu hướng không đọc tin tức chính trị mà tập trung vào các loại thông tin mang tính giải trí.
TS Nguyễn Đồng Anh cho rằng, để phục vụ tốt nhóm công chúng mục tiêu này, các cơ quan báo chí chính thống cần đổi mới, sáng tạo, xây dựng những nội dung mang thông điệp gần gũi với cuộc sống, không xa vời mối quan tâm của gen Z. Cần có sự tương tác giữa sản phẩm báo chí và công chúng thông qua cách thể hiện sáng tạo, linh hoạt, đa nền tảng và đa màn hình. Cần hài hoà giữa phục vụ những mục tiêu thể hiện chức năng thông tin của báo chí cùng với doanh thu có thể xuất phát từ tương tác của công chúng đối với tờ báo.
Xu hướng có thể phổ biến trong tương lai là công nghệ AI. Ở mức độ đơn giản, AI có thể đảm nhiệm được nhiều công việc trong thời gian tới. Sử dụng, lồng ghép công nghệ này vào các sản phẩm báo chí hiện đại, giúp thông tin đa dạng, hấp dẫn hơn, ứng dụng AI đo đếm tương tác của công chúng vào từng thời điểm với mỗi tác phẩm báo chí.