“Cán bộ chính quyền khi huy động sức dân vào xây dựng nông thôn mới không được làm quá sức dân. Người dân không phải trong một sớm một chiều được thụ hưởng những kết quả từ việc xây dựng nông thôn mới nên ngay từ đầu kêu gọi đóng góp quá sức sẽ tạo áp lực cho dân. Vì vậy, khi huy động cần làm từng bước, tránh nóng vội”. Ông Vũ Hùng, Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh.
Ông Vũ Hùng.
PV: Ông có thể cho biết, chuyển biến cơ bản của tỉnh Bắc Ninh trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới thời gian qua?
Ông Vũ Hùng: Trong giai đoạn 2011 - 2017, Bắc Ninh đã đạt được nhiều kết quả trên các lĩnh vực: Hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là giao thông, trường học, trạm y tế, nước sạch được đầu tư, nâng cấp đồng bộ, hiện đại. Văn hóa, y tế đạt kết quả tốt. Giáo dục luôn đứng trong tốp 10 tỉnh dẫn đầu cả nước về phong trào giáo dục và kết quả thi đại học. An ninh trật tự xã hội được giữ vững… qua đó đã tạo cho nông thôn trong tỉnh một diện mạo văn minh, sản xuất phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao. Đáng chú ý, hiện 100% số xã có đường ô tô đến UBND xã, trên 85% chiều dài đường giao thông liên thôn, đường làng, ngõ xóm đã được nhựa hóa, bê tông hóa. Hệ thống lưới điện nông thôn được đầu tư nâng cấp, đảm bảo 100% số hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia, tất cả các trụ sở UBND xã đều được xây dựng kiên cố, được trang bị máy tính và kết nối với mạng internet.
Bên cạnh đó, Bắc Ninh là tỉnh đầu tiên của cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục ở các cấp học ở mức độ cao nhất, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 94,44%, cao nhất cả nước, 100% đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đạt chuẩn…Cùng với đó, mức độ hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới đều được nâng lên đáng kể: Từ bình quân 8,84 tiêu chí/xã năm 2010, đến nay, bình quân đạt 18,14 tiêu chí/xã. Có 73/97 xã đạt chuẩn nông thôn mới bằng 75,3% tổng số xã.
Xây dựng nông thôn mới xác định chủ thể chính là người dân và cộng đồng dân cư, Bắc Ninh đã có những giải pháp gì để tiếp tục tạo điều kiện cho người dân phát huy vai trò trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, thưa ông?
- Tôi cho rằng, cán bộ chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở địa phương phải gương mẫu đi đầu trong việc đóng góp tiền của, ngày công để nhân dân nhìn vào đó thực hiện. Hơn nữa, họ đang sinh sống và công tác tại địa phương nên cũng cần có trách nhiệm góp công, góp của vào chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương như những người dân bình thường khác.
Để phát huy tốt vai trò chủ thể của nhân dân, các cấp chính quyền phải tạo điều kiện để nhân dân tự quản, tự bàn bạc quyết định chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Chỉ khi nào cán bộ chính quyền lấy công khai, minh bạch làm đầu, phát huy tính dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện cho người dân có quyền quyết định việc sử dụng nguồn vốn do mình đóng góp, giám sát việc sử dụng nguồn vốn đó thì người dân mới tích cực, hăng hái đóng góp tiền của để xây dựng nông thôn mới.
Cán bộ chính quyền khi huy động sức dân vào xây dựng nông thôn mới không được làm quá sức dân. Người dân không phải trong một sớm một chiều được thụ hưởng những kết quả từ việc xây dựng nông thôn mới nên ngay từ đầu kêu gọi họ đóng góp quá sức sẽ tạo cho người dân cảm giác chương trình nông thôn mới là một gánh nặng. Vì vậy, cán bộ chính quyền khi huy động sức dân phải vừa sức, từng bước, tránh nóng vội.
Trong quá trình thực hiện, MTTQ tỉnh Bắc Ninh đã triển khai tới MTTQ các cấp việc phát triển đời sống kinh tế hộ gia đình, kinh tế tập thể, xây dựng cơ sở hạ tầng ở mỗi địa phương ra sao để nâng cao đời sống người dân - cốt lõi của việc xây dựng nông thôn mới, thưa ông?
- Thực tiễn xây dựng NTM ở tỉnh Bắc Ninh thời gian qua đã khẳng định, sản xuất nông nghiệp theo hình thức cá thể của người nông dân, bên cạnh những hiệu quả thiết thực đem lại, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh cũng bộc lộ những nhược điểm trước nền kinh tế thị trường hiện nay, bởi hiệu quả kinh tế và tính cạnh tranh còn thấp.
Ngược lại, kinh tế tập thể (KTTT) nếu phát triển đúng hướng, sẽ tạo nền tảng để thúc đẩy quá trình xây dựng NTM. Xác định rõ tầm quan trọng của KTTT, thời gian qua, việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự phối kết hợp của các ngành trong khu vực. Hiện toàn tỉnh có 530 HTX, thu hút hơn 120.500 thành viên và hơn 4.000 lao động trực tiếp. Nhiều HTX đã tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, mạnh dạn đầu tư, mua sắm máy móc hiện đại, công nghệ tiên tiến đưa vào sản xuất, nên sản phẩm làm ra đạt chất lượng tốt, nhiều mặt hàng đã vươn ra thị trường ngoài tỉnh.
Trong giai đoạn đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM hiện nay, vị trí và vai trò của kinh tế HTX lại càng quan trọng hơn. Đồng thời, cũng cần từng bước tháo gỡ các khó khăn về cơ chế, chính sách liên quan đến HTX, như: Giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho HTX, khuyến khích và hỗ trợ các HTX phát triển dịch vụ tín dụng nội bộ, hỗ trợ HTX vay vốn, xem xét bổ sung hướng dẫn về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội cho cán bộ HTX...
Trong năm 2017, Mặt trận tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức lấy phiếu đánh giá về chỉ số hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới ra sao?
- Từ tháng 10/2017 – 11/2017, 16 xã trên địa bàn các huyện Quế Võ, Thuận Thành, Lương Tài, Gia Bình, Yên Phong và thành phố Bắc Ninh đều tổ chức lấy phiếu đánh giá sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới với tỷ lệ trung bình trên 70% hộ gia đình trong xã tham gia. Kết quả lấy ý kiến người dân mỗi xã đều đạt trên 90% số người được hỏi trả lời hài lòng (câu số 17), 16/16 câu hỏi còn lại đều đạt trên 80% người dân hài lòng với kết quả xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Được biết tỉnh Bắc Ninh làm tốt công tác huy động các nguồn lực để xây dựng NTM. Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác này?
- Khi thực hiện xây dựng nông thôn mới, Bắc Ninh xác định công tác tuyên truyền vận động để tạo sự đồng thuận trong nhân dân phải đi trước một bước. MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực vận động các thành viên, hội viên tham gia thực hiện. Ủy ban MTTQ tỉnh với cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, Ngày Vì người nghèo; Hội Cựu chiến binh tỉnh với phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”; Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh với phong trào Xây dựng gia đình “5 không - 3 sạch”; Hội Nông dân với “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”… Có thể thấy từ Bí thư chi bộ đến cán bộ MTTQ, các đoàn thể đều trở thành tuyên truyền viên tích cực, giúp người dân hiểu rõ vai trò của mình trong xây dựng nông thôn mới.
Trân trọng cảm ơn ông!