Mặt trận

Huy động sức mạnh toàn dân trong bảo vệ an ninh Tổ quốc

Quốc Định 10/07/2024 15:53

Công tác chuyển hóa địa bàn phức tạp về trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, không chỉ của lực lượng Công an mà còn là sự nghiệp của toàn dân.

z5619991806147_97da1ec1b9afff56073f5729e1361bd4.jpg
Toàn cảnh hội nghị.

Ngày 10/7, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức hội nghị chuyên đề “Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa MTTQ Việt Nam Thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện chuyển hóa địa bàn phức tạp về trật tự, an toàn xã hội theo Quyết định số 1945/QĐ-BCĐ ngày 23/2/2024 của Ban Chỉ đạo 138 Thành phố”.

Người dân cung cấp gần 6 nghìn tin giá trị

Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an TP HCM cho biết, thực hiện Nghị Quyết, thành phố đã tổ chức xây dựng, biên soạn hàng trăm đầu tài liệu, các đoạn phim ngắn, phóng sự đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các trang mạng xã hội.

Theo ông Long, qua tuyên truyền, vận động nhân dân cung cấp cho các cơ quan chức năng gần 16 nghìn tin liên quan về an ninh trật tự (ANTT), trong đó có gần 6 nghìn tin có giá trị. Nhờ vậy đã giúp lực lượng Công an xử lý gần 2 nghìn vụ việc với trên 2200 đối tượng vi phạm hành chính và có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Thống kê của Công an TPHCM, hiện thành phố có 41 mô hình tự phòng, tự quản về ANTT, trong đó có một số mô hình nổi bật mang lại hiệu quả cao về phòng, chống tội phạm như mô hình: Camera giám sát ANTT, Nhà trọ công nhân tự quản, Ứng dụng zalo tuyên truyền phòng, chống tội phạm, Tổ nhân dân tuần tra, Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy…. Công an thành phố cũng đã đề xuất Bộ Công an nhân rộng Mô hình “Kết nối zalo, vì quận Tân Phú bình yên” và mô hình “Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ”.

z5619983534053_673fc96e5e3de43ffd67d1002c082951.jpg
Ông Phạm Minh Tuấn - Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP HCM phát biểu tại hội nghị.

Cũng theo số liệu của Công an, thành phố hiện có 254 Ban, gần 1600 Tổ và gần 7 nghìn bảo vệ dân phố, gần 500 công an xã bán chuyên trách. Lực lượng ANTT ở cơ sở thường xuyên được củng cố và phát huy vai trò tự quản về ANTT.

Trong khi đó, bà Dương Thị Huyền Trâm - Trưởng Ban Phong trào, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cho hay, Mặt trận Thành phố xác định việc huy động sức mạnh của toàn dân tham gia phòng ngừa tội phạm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để triển khai.

Mặt trận cũng phối hợp thực hiện các hoạt động tuyên truyền gắn với việc đẩy mạnh triển khai Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào, cuộc vận động khác của hệ thống chính trị thành phố nhằm góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng mọi mặt trong đời sống nhân dân.

Ngoài ra, MTTQ các cấp phối hợp lực lượng Công an thành phố và cả hệ thống chính trị đã nỗ lực đề ra nhiều giải pháp đồng bộ bảo đảm tốt tình hình ANTT như: Tham mưu với cấp ủy, chính quyền tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý sai phạm, giải quyết triệt để các vụ việc phát sinh; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ANTT, nhất là quản lý cư trú, quản lý người nước ngoài, phòng cháy chữa cháy; xây dựng và duy trì các mô hình về phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại địa bàn dân cư...

Xây dựng "thế trận lòng dân"

Tại Hội nghị, nhiều tham luận của các quận, huyện được báo cáo xoay quanh việc triển khai, kết quả thực hiện mô hình, đội nhóm trong công tác chuyển hoá địa bàn phức tạp về tội phạm và tệ nạn xã hội…

z5619989483538_9b1e50b94a8543153038793be14cac1b.jpg
Đại diện Công an quận Bình Tân trao đổi kinh nghiệm về ANTT.

Phát biểu kết luận, ông Phạm Minh Tuấn - Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP HCM cho rằng, cần phải xác định việc huy động sức mạnh của toàn dân tham gia phòng ngừa tội phạm là đúng đắn nhất. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phát hiện, tố giác tội phạm; thực hiện tốt công tác cảm hóa, tạo việc làm cho đối tượng phạm tội.

“Tại những khu vực có địa bàn trọng điểm, các mô hình tự quản, hiệu quả do nhân dân triển khai phải được phát huy một cách triệt để, hiệu quả hơn, như mô hình phòng trọ tự quản, nhóm hộ tự quản, câu lạc bộ gia đình phòng, chống tội phạm… ”, ông Tuấn mong muốn.

Phó Chủ tịch Mặt trận thành phố nhận định, công tác chuyển hóa địa bàn phức tạp về trật tự, an toàn xã hội những tháng cuối năm 2024 đòi hỏi các đơn vị tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền và giám sát chặt địa bàn, nhằm xây dựng và phát huy mạnh mẽ "thế trận lòng dân", xây dựng, củng cố thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc.

Song song đó, xây dựng môi trường xã hội trong sạch, lành mạnh từ mỗi gia đình và khu phố, ấp. Đây là một trong những giải pháp trọng tâm trong hoạt động tuyên truyền của Mặt trận.

Ông Phạm Minh Tuấn đề nghị, các đơn vị tiếp tục xây dựng và nhân rộng những mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc theo hướng tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải về an ninh, trật tự từ cơ sở; cụ thể hóa phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".

“Nhiệm vụ cũng cần gắn phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với thực hiện các cuộc vận động, phong trào cách mạng khác do Đảng, chính quyền, MTTQ phát động…”, ông Tuấn gợi ý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Huy động sức mạnh toàn dân trong bảo vệ an ninh Tổ quốc