Huy động vốn vùng Đông Nam Bộ vẫn ở mức thấp

Thanh Giang 11/05/2023 17:12

Đó là nhận định của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại hội nghị ngành ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Đông Nam Bộ, tổ chức tại TP HCM, chiều 11/5.

Theo lãnh đạo NHNN, huy động vốn của vùng Đông Nam Bộ tính đến hết quý I/2023 đạt 4,1 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 1/3 huy động toàn quốc, giảm 0,75% so với cuối năm 2022 (thấp hơn mức tăng chung của cả nước quý I là 1,24%). Tín dụng đạt gần 4,3 triệu tỷ đồng, chiếm gần 35% dư nợ toàn quốc, tăng 1,72% so với cuối năm 2022 (thấp hơn mức tăng chung của cả nước quý I là 2,61%).

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN phát biểu tại hội nghị.
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN phát biểu tại hội nghị.

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN cho biết, thời gian vừa qua, NHNN đã tích cực triển khai một số giải pháp nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

“Nhìn chung, các giải pháp điều hành chính sách nêu trên đều hướng tới tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, kịp thời cung ứng vốn tín dụng để góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Mặc dù NHNN đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp này, song tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm vẫn thấp” - ông Đào Minh Tú nói.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Nói về nguyên nhân dẫn đến cầu tín dụng thấp, ông Đào Minh Tú chỉ rõ, thứ nhất do cầu tín dụng của nền kinh tế giảm. Vị này cho rằng, nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, hoạt động của các doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào kinh tế quốc tế. Trong khi bối cảnh hiện nay kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, lạm phát cao, nhu cầu thương mại, đầu tư giảm ảnh hưởng tới hoạt động của các doanh nghiệp trong nước.

Nguyên nhân thứ 2 là một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý. Đối với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc tiếp cận tín dụng của nhóm này còn hạn chế vì quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính, quản trị điều hành còn hạn chế; thiếu phương án kinh doanh khả thi, chưa có kế hoạch ứng phó với biến động thị trường.

Đối với nhóm doanh nghiệp bất động sản, mọi năm, tín dụng bất động sản thường tăng cao, kéo theo tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tăng. Tuy nhiên, hiện nay thị trường bất động sản tiếp tục khó khăn. Bên cạnh đó, thời gian qua nhiều doanh nghiệp bất động sản có tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao, tình hình tài chính kém lành mạnh, dẫn tới việc các tổ chức tín dụng phải cân nhắc trong quá trình thẩm định, xem xét quyết định cho vay đối với các doanh nghiệp này.

Bất động sản trầm lắng, nhu cầu vay mua nhà rất thấp.
Bất động sản trầm lắng, nhu cầu vay mua nhà rất thấp.

Nguyên nhân thứ ba, sau thời gian dài nền kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn, nhất là khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả trong bối cảnh hiện nay (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu ở mức cao, trong khi thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm…); dẫn tới việc các tổ chức tín dụng rất khó khăn trong quyết định cho vay do không thể hạ chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống.

Mặt khác, sự kiện rút tiền hàng loạt của SCB và sự kiện đổ vỡ một số ngân hàng Mỹ và châu Âu đã khiến các tổ chức tín dụng cẩn trọng hơn trong việc quản trị hoạt động để đảm bảo an toàn thanh khoản, đáp ứng nhu cầu chi trả người dân nên việc cấp tín dụng được xem xét thận trọng hơn trong bối cảnh hiện nay.

NHNN nhận định, Đông Nam Bộ là vùng kinh tế đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách và giải quyết việc làm của cả nước. Năm 2022, tổng GRDP của khu vực chiếm 30,8% cả nước, vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 40,4%, thu ngân sách chiếm 45% tổng thu ngân sách cả nước.

Nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh không cao vì khó khăn về nhiều mặt.
Nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh không cao vì khó khăn về nhiều mặt.

Tuy nhiên, thời gian qua vùng Đông Nam Bộ còn gặp một số khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế khu vực đang có xu hướng chậm lại và thấp hơn cả nước. Một số tỉnh, thành phố có mức tăng GRDP quý 1/2023 ở mức thấp, như: TP HCM tăng 0,7%%, Bình Dương tăng 1,15%, Tây Ninh tăng 2,2%, Đồng Nai tăng 3,3%), hoặc tăng trưởng âm như Bà Rịa – Vũng Tàu giảm 4,75%.

Theo lãnh đạo NHNN, sản xuất, xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn do nhiều DN không có đơn đặt hàng mới, nhu cầu tiêu dùng giảm sút, giá nguyên vật liệu đầu vào duy trì ở mức cao. Thị trường bất động sản khu vực tiếp tục khó khăn – cung, cầu, giá đều giảm. Số vốn đăng ký DN thành lập mới giảm và số DN tạm ngưng hoạt động tăng so với cùng kỳ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Huy động vốn vùng Đông Nam Bộ vẫn ở mức thấp