Xã hội

Huyện Cư M’gar (Đắk Lắk): Bước chuyển mình mạnh mẽ sau 40 năm thành lập

THANH NGA 21/06/2024 15:18

Từ một huyện nghèo, an ninh thiếu ổn định, nhưng nhờ nỗ lực củng cố hệ thống chính trị và phát huy lợi thế tiềm năng, huyện Cư M’gar (Ðắk Lắk) đã có bước chuyển mình mạnh mẽ.

Huyện Cư M’gar nằm ở vị trí cửa ngõ phía bắc của TP Buôn Ma Thuột. Được thành lập ngày 23/1/1984, tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) những năm đầu thành lập huyện vô cùng khó khăn; kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa phát triển; tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao; nạn đói, bệnh sốt rét thường xuyên xảy ra. Trình độ dân trí thấp; những hủ tục, mê tín dị đoan còn rất nặng nề.

1i28mffj8_408d9l.jpeg
Toàn cảnh trung tâm huyện Cư M’gar.

Củng cố hệ thống chính trị vững mạnh

Sau hơn 1 năm thành lập huyện, ngày 27/3/1985, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Cư M’gar lần thứ I đã được tổ chức. Đại hội đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển KTXH, hướng đến mục tiêu xây dựng huyện Cư M’gar thoát khỏi đói nghèo và trở thành huyện có kinh tế phát triển nằm ở top trên của tỉnh Đắk Lắk. Để đạt được mục tiêu trên, vấn đề then chốt là xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh để thúc đẩy các phong trào quần chúng. Vì vậy công tác xây dựng Đảng được chú trọng hàng đầu. Đến nay số tổ chức cơ sở Đảng đã tăng lên gấp 2,3 lần, số đảng viên tăng gấp 17,5 lần; 100% thôn, buôn, trường học đều có chi bộ và có đảng viên là người tại chỗ. Chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên không ngừng được nâng lên. Đến nay, dân số toàn huyện gần 200.000 người với 24 dân tộc sinh sống ở 17 xã, thị trấn. Đảng bộ có 44 tổ chức cơ sở Đảng với trên 5.700 đảng viên.

Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu. Nhiều việc làm thiết thực, cụ thể đã được triển khai, nổi bật có phong trào tiết kiệm 1.000 đồng/người/ngày, đến nay đã tiết kiệm hơn 18 tỷ đồng, xây dựng 450 căn nhà mới và sửa chữa 129 nhà ở cho gia đình chính sách, hộ nghèo. Phong trào này đã được Ban Tuyên giáo Trung ương tặng Bằng khen đồng thời được Trung ương tôn vinh tại Chương trình “Hồ Chí Minh – hành trình khát vọng năm 2023”.

Bộ máy chính quyền từ huyện đến cơ sở được củng cố và kiện toàn ngày càng tinh gọn và sắp xếp hợp lý, từng bước được cơ cấu lại theo tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm. Đội ngũ cán bộ, công chức được bổ sung, đào tạo và đào tạo lại để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị. Đến nay đã có 35 cán bộ, công chức có trình độ thạc sỹ; có 1.816 cán bộ, công chức, viên chức có trình độ đại học và tương đương (chiếm khoảng 68%) và trên 350 cán bộ, công chức, viên chức có trình độ trung cấp, cao đẳng…

1i28mfhsj_408d9l.jpeg
Lãnh đạo huyện Cư M’gar thăm tặng quà người cao tuổi.

Khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển, nâng cao đời sống nhân dân

Ông Vũ Hồng Nhật – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết, cùng với củng cố hệ thống chính trị, Huyện ủy, UBND huyện luôn quan tâm đến phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Được thiên nhiên ưu đãi, huyện Cư M’gar hội tụ nhiều yếu thuận lợi để phát triển với hơn 70% diện tích là đất đỏ ba zan, địa hình bằng phẳng, khí hậu mát mẻ quanh năm, hệ thống suối trải đều khắp địa bàn, rất thích hợp với việc phát triển cây công nghiệp dài ngày và các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.

Từ lợi thế đất đai, thổ nhưỡng, huyện đã tích cực phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước hình thành và phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung. Đến nay, huyện đã hình thành được những vùng sản xuất cà phê, cây ăn quả tập trung với tổng diện tích trên 40.000 ha. Giá trị sản phẩm bình quân đạt 300 triệu/ha, đặc biệt một số diện tích sầu riêng cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/1ha.

Về chăn nuôi, trước đây chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ theo hộ gia đình; tỷ trọng chăn nuôi chiếm khoảng 10% trong cơ cấu nông nghiệp. Đến nay, chăn nuôi đã phát triển theo hướng tập trung, công nghệ cao; toàn huyện hiện có 99 trang trại chăn nuôi với tổng đàn gia súc, gia cầm trên 2,3 triệu con; giá trị chăn nuôi chiếm 23% trong tổng giá trị của ngành nông nghiệp.

 Lãnh đạo huyện Cư M’gar thăm tặng quà người cao tuổi.
Cà phê huyện Cư M’gar.

Về công nghiệp – xây dựng, huyện đã phát triển mạnh mẽ, những ngành nghề như: chế biến nông sản, cơ khí, sản xuất các mặt hàng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và tiêu dùng của nhân dân. Tại xã Ea Đrơng đã qui hoạch 1 Khu công nghiệp của tỉnh với diện tích 313 ha và tại xã Ea Kpam quy hoạch 1 cụm công nghiệp của huyện với diện tích 75 ha. Thời gian gần đây, huyện đã thu hút được một số tổ chức, cá nhân đến đầu tư các nhà máy chế biến nông sản, trái cây, góp phần giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình. Đơn cử như Công ty Cổ phần tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu đã quyết định xây dựng nhà máy chế biến với quy mô hơn 99.000 m2. Năm 2023 giá trị của sản xuất công nghiệp và xây dựng đạt 3.298 tỷ đồng, tăng 38 lần so với năm 1984.

Thương mại - dịch vụ, toàn huyện có 1 chợ trung tâm huyện, 1 siêu thị Coop mart, 4 cơ sở Điện máy xanh, 8 chợ xã, giúp cho việc mua bán hàng hóa hết sức thuận lợi, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Tổng giá trị thương mại – dịch vụ đến năm 2023 đạt 6.327 tỷ đồng, tăng gần 72 lần so với năm 1984.

Quy mô nền kinh tế ngày càng được mở rộng, tổng giá trị sản xuất tăng trưởng bình quân trên 10%/năm. Đến năm 2023, giá trị sản xuất bình quân đầu người đạt 108 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, nếu năm 1984 nền kinh tế chủ yếu là thuần nông với tỷ trọng nông nghiệp chiếm trên 85%, thì đến cuối năm 2023, tỷ trọng nông nghiệp giảm còn 35%; thương mại – dịch vụ chiếm 42,7%; công nghiệp - xây dựng chiếm 22,3%. Tổng giá trị sản phẩm xã hội theo giá so sánh 2010 năm 2023 đạt trên 14.794 tỷ đồng. Cộng đồng doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh với 13 doanh nghiệp Nhà nước và trên 500 doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

1i28mfjn2_408d9l.jpeg
Nông dân huyện Cư M’gar vào mùa thu hoạch sầu riêng.

Kết cấu hạ tầng KTXH được quan tâm xây dựng và ngày càng hoàn thiện. Hệ thống đường nội thôn buôn, đường nội đồng từng bước được bê tông hóa, cứng hóa, đáp ứng được nhu cầu vận chuyển phục vụ sản xuất và đi lại của người dân. Hệ thống công sở, trường học, lưới điện.. từng bước được xây dựng, nâng cấp khang trang, sạch đẹp.

Đặc biệt, từ năm 2012, huyện Cư M’gar đã tập trung huy động các nguồn lực xã hội và vốn ngân sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Qua 12 năm xây dựng, toàn huyện đã có 13/15 xã đạt chuẩn NTM. Chương trình phát triển đô thị cũng được quan tâm; năm 2020, thị trấn Quảng Phú được công nhận đạt chuẩn đô thị loại 4, thị trấn Ea Pốc đạt chuẩn đô thị loại 5…

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có bước phát triển cả số lượng và chất lượng. Năm 1984, toàn huyện có 33 trường với 338 phòng học, trong đó có 4 phòng học bán kiên cố còn lại là phòng học tạm bợ; số lượng học sinh trên 12.000 em học sinh. Đến nay, toàn huyện có 52 trường đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ 66,6%. Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ. Đến nay, 100% xã, thị trấn trên địa bàn đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã; Trung tâm Y tế huyện với quy mô 220 giường bệnh được đầu tư cơ sở vật chất và hệ thống máy móc, trang thiết bị, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho Nhân dân; 100% xã, thị trấn có bác sĩ; 100% thôn, buôn, tổ dân phố có nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe cộng đồng; Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt 88,8%...

Chương trình giảm nghèo bền vững cũng đạt nhiều kết quả quan trọng. Khi mới thành lập, huyện có trên 40% hộ đói nghèo, nhưng với sự quyết tâm chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, người nghèo được tiếp cận đầy đủ các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng để phát triển kinh tế; một số nhu cầu xã hội thiết yếu của người nghèo cơ bản được đáp ứng, giúp người nghèo cải thiện điều kiện sống, từ đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo nhanh và ngày càng bền vững. Đến cuối năm 2023, toàn huyện chỉ còn 1.706 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,86%. Công tác thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng, chính sách an sinh xã hội, chính sách dân tộc được thực hiện tốt. Hầu hết các gia đình chính sách đều có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của các hộ trên địa bàn huyện.

Mục tiêu giai đoạn 2025-2030, huyện Cư M’gar phấn đấu duy trì mức tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm từ 6,5% - 7%. Tổng giá trị sản xuất đến năm 2030 tăng khoảng 1,7 lần so với năm 2023. Giá trị sản xuất bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 180 triệu đồng/người/năm (theo giá hiện hành). Duy trì 100% xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có từ 6 - 7 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Thị trấn Quảng Phú hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại 4 và phấn đấu đạt chuẩn đô thị loại 3. Thị trấn Ea Pốc đạt chuẩn đô thị loại 4; xã Cuôr Đăng trở thành đô thị loại 5. Huyện Cư M’gar trở thành khu vực trung tâm phát triển thương mại dịch vụ và phát triển nông nghiệp cao của tỉnh Đắk Lắk.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Huyện Cư M’gar (Đắk Lắk): Bước chuyển mình mạnh mẽ sau 40 năm thành lập