Từ năm 2002 đến nay, trên địa bàn huyện Hoài Đức (TP Hà Nội) đã xảy ra 157 trường hợp vi phạm về xây dựng công trình, nhà xưởng trái phép và không phép tại khu vực bãi sông, trong hành lang thoát lũ sông Đáy. Đến nay đã xử lý được… 16 trường hợp, còn tồn tại 141 trường hợp chưa được xử lý.
Liên quan tới bài viết “Kỳ lạ "Cụm công nghiệp’không phép tồn tại hàng chục năm”, trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Xuân Đại, Bí thư huyện ủy Hoài Đức (TP Hà Nội) cho hay “đã chỉ đạo UBND huyện Hoài Đức kiểm tra, báo cáo Huyện ủy, trả lời Báo Đại Đoàn Kết. Đồng thời cơ quan chức năng huyện Hoài Đức sẽ có hướng xử lý nghiêm vi phạm nếu có”.
Cũng liên quan tới vụ việc trên, ông Nguyễn Văn Quyến, Phó GĐ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, khẳng định, trước đó phía sở cũng đã nhiều lần gửi văn bản tới UBND huyện Hoài Đức về việc “tăng cường công tác quản lý đê điều, bãi sông đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về đê điều và phòng chống thiên tai trên địa bàn huyện Hoài Đức”.
Như trong Văn bản số 675/SNN-CCPCTT, ngày 18/3/2022, nội dung gửi UBND huyện Hoài Đức ghi rõ “Để đảm bảo an toàn đê điều, thoát lũ của tuyến sông Đáy, tăng cường công tác phối hợp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đất đai, trật tự xây dựng, đê điều tại khu vực bãi ven sông, ven đê; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đề nghị UBND huyện Hoài Đức quan tâm, chỉ đạo các phòng ban chuyên môn của huyện, UBND các xã ven đê và các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung thực hiện một số nội dung sau:
Tổ chức kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về trật tự xây dựng, đất đai, đê điều đối với các công trình xây dựng trong phạm vi bảo vệ đê, khu vực bãi sông Đáy; rà soát, phân loại, hoàn thiện hồ sơ, xử lý đối với các trường hợp thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng, đê điều ở khu bãi sông trong phạm vi bảo vệ đê như: xây dựng, lắp dựng công trình, nhà ở, nhà xưởng, đổ đất, phế thải xây dựng, lấn chiếm lòng sông, bãi sông, phạm vi bảo vệ đê…; kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo thẩm quyền, quy định của pháp luật.
Quản lý chặt chẽ phạm vi bảo vệ đê, khu vực bãi sông Đáy đảm bảo tuân thủ đúng quy định tại Luật Đê điều. Các phòng ban chuyên môn của huyện và UBND các xã ven đê phối hợp chặt chẽ với Hạt Quản lý đê Hoài Đức - Hà Đông thường xuyên tăng cường kiểm tra bám sát địa bàn quản lý, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm, dứt điểm các vụ việc vi phạm… Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đề nghị UBND huyện Hoài Đức quan tâm, chỉ đạo thực hiện.
11 năm xử lý được… 16 trường hợp, “ghi sổ” 141 trường hợp
Trong khi đó, trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết về việc kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật đê điều, trật tự xây dựng khu đất bãi sông Đáy thuộc địa bàn huyện Hoài Đức, ông Phạm Quang Đông, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng, Chống thiên tai (Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội) cho biết, ngoài địa bàn xã An Thượng với “cụm công nghiệp” Lại Dụ không phép, xây dựng trên đất nông nghiệp, thì huyện Hoài Đức còn có tới 7 xã khác. Được biết cả 7 xã này đều cùng có những vi phạm pháp luật đê điều, trật tự xây dựng, đất đai khu đất bãi sông Đáy.
Theo ông Đông, báo cáo của Hạt Quản lý đê Hoài Đức - Hà Đông, từ năm 2002 đến nay, trên địa bàn huyện Hoài Đức đã xảy ra 157 trường hợp vi phạm về xây dựng công trình, nhà xưởng trái phép và không phép tại khu vực bãi sông, trong hành lang thoát lũ sông Đáy. Đến nay đã xử lý được… 16 trường hợp, còn tồn tại 141 trường hợp chưa được xử lý.
Cụ thể, với 141 trường hợp chưa được xử lý gồm: xã Mai Khai với 11 trường hợp, xã Dương Liễu với 50 trường hợp, xã Cát Quế 4 trường hợp, xã Tiền Yên 2 trường hợp, xã Song Phương 2 trường hợp, xã Đông La 22 trường hợp, xã Vân Côn 11 trường hợp và xã An Thượng 39 trường hợp.
Đối với trường hợp vi phạm xảy ra tại “cụm công nghiệp” Lại Dụ không phép, ông Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng, Chống thiên tai (Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội) nhấn mạnh, cần kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm, dứt điểm đối với những hộ dân, doanh nghiệp tự ý xây dựng công trình trái phép, không phép, sai phép, các trường hợp đổ đất, phế thải tôn nền, lấn chiếm lòng sông… gây mất vệ sinh môi trường ở khu vực bãi sông, lòng sông, ảnh hưởng môi trường sống.
Còn theo ông Nguyễn Văn Quyến, Phó GĐ Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội: đề nghị UBND huyện Hoài Đức chỉ đạo các phòng, ban chức năng của huyện tiến hành rà soát, kiên quyết xử lý, thu hồi theo thẩm quyền hoặc báo cáo các cấp có thẩm quyền xử lý, thu hồi đối với các khu vực diện tích đất bãi sông Đáy, ven đê sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật. Và cần gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc để xảy ra tình trạng vi phạm kéo dài nhưng xử lý không kiên quyết, dứt điểm.