Chia sẻ về mục tiêu phát triển Kinh tế - xã hội tại địa phương trong thời gian tới, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Hà Nội Đặng Văn Triều cho biết, từ nay đến năm 2025, huyện tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng dịch vụ, thương mại; đồng thời, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung công nghệ cao, quy mô lớn.
Phát triển nông thôn mới gắn với định hướng đô thị hóa
Bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) từ năm 2010 với nhiều khó khăn và xuất phát điểm rất thấp, nhưng sau hơn 10 năm, bằng tinh thần chủ động, sáng tạo, huyện đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia thực hiện. Kết quả được công nhận đạt chuẩn NTM và được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.
Có được thành quả này theo Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Triều, huyện đã đẩy mạnh triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, trên địa bàn huyện hiện có 3 mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị sản xuất như mô hình trồng nấm kim châm tại xã Đốc Tín; cà gai leo tại xã Phù Lưu Tế; rau, củ, quả tại xã Lê Thanh. Ngoài ra, huyện có một số mô hình sản xuất trồng rau an toàn, trồng rau, hoa... trong nhà màng, nhà lưới cho hiệu quả vượt trội. Nhờ đó đến nay, 21/21 xã trên địa bàn huyện đạt chuẩn NTM, trong đó có 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; thị trấn Đại Nghĩa đạt chuẩn văn minh đô thị. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tăng nhanh Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp - Dịch vụ du lịch.
“Năm 2023, huyện Mỹ Đức hoàn thành 18/18 chỉ tiêu phát triển KT-XH; thu ngân sách hơn 1.300 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay, đạt 446% dự toán Thành phố giao, trong đó thu từ đấu giá quyền sử dụng đất hơn 1.010 tỷ đồng, tạo nguồn lực quan trọng đầu tư xây dựng Nông thôn mới. Đời sống nhân dân được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 65,8 triệu đồng;…”, ông Đặng Văn Triều cho biết.
Thực tế cho thấy, sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới (năm 2022), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mỹ Đức tiếp tục dồn lực xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu với mục tiêu xuyên suốt là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân. Với những nỗ lực nay hiện nay đa số hộ gia đình trên địa bàn huyện có nhà ở kiên cố, khang trang; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,09%. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng, đạt kết quả toàn diện...
Mặc dù đạt được kết quả trên song theo Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Nguyễn Anh Dũng, với quan điểm xây dựng nông thôn mới là “hành trình” không có điểm dừng, Mỹ Đức tiếp tục triển khai xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Từ năm 2021 đến nay, huyện Mỹ Đức đã huy động gần 4.749 tỷ đồng để thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đến thời điểm hiện tại, Mỹ Đức đã đạt 5 tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, là: Quy hoạch; giao thông; thủy lợi và phòng chống thiên tai; điện; an ninh, trật tự, hành chính công. Còn 4 tiêu chí chưa đạt là y tế - văn hóa - giáo dục; kinh tế; môi trường và chất lượng môi trường sống.
Mới đây (ngày 1/4), Huyện ủy Mỹ Đức đã ban hành Nghị quyết về xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2024-2025 và những năm tiếp theo. Theo đó, huyện Mỹ Đức đặt ra mục tiêu trong năm 2024 có thêm 3 xã Thượng Lâm, Hợp Tiến, Hợp Thanh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 4 xã An Mỹ, Lê Thanh, Phù Lưu Tế, Đại Hưng đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đến hết năm 2025, trên địa bàn huyện sẽ có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Tận dụng cơ hội vàng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Chia sẻ về nhiệm vụ triển khai trong thời gian tới Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Triều chia sẻ thêm, từ nay đến năm 2025, huyện tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng dịch vụ, thương mại; đồng thời, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung công nghệ cao, quy mô lớn. Phát triển nông thôn mới gắn với định hướng đô thị hóa theo quy hoạch; đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng nông nghiệp là nền tảng, du lịch - dịch vụ là mũi nhọn. Theo đó, tận dụng cơ hội vàng để triển khai tổng thể quy hoạch vùng nhằm tạo ra động lực lớn, tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển KT-XH.
Theo dự thảo Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, định hướng trong tương lai, Hà Nội sẽ có 2 thành phố trực thuộc và 5 trục phát triển, trong đó, Mỹ Đức là một trong 5 huyện (Mỹ Đức, Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Thanh Oai) nằm trong quy hoạch trục không gian phát triển phía Nam kết nối không gian sinh thái với cụm du lịch tâm linh tại H Mỹ Đức và tỉnh Hà Nam sẽ hình thành trong tương lai gắn với trục văn hóa Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính; kết nối di sản văn hóa Thăng Long - Hoa Lư gắn với di tích Hương Sơn - Tam Chúc...
“Chúng tôi sẽ khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của huyện; thu hút nguồn lực đầu tư để xây dựng huyện có phong cảnh đẹp, môi trường trong lành, là điểm đến du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng; trong đó, quan tâm đến quần thể di tích quốc gia đặc biệt chùa Hương với tiềm năng có thể xây dựng thành một quần thể du lịch kết nối cụm di tích tầm cỡ khu vực là chùa Bái Đính (Ninh Bình) - chùa Tam Chúc (Hà Nam) - Hương Sơn (Mỹ Đức, Hà Nội)”, Chủ tịch Đặng Văn Triều nhấn mạnh.
Nhằm phát huy hơn nữa tiềm năng du lịch, huyện đã xây dựng Đề án đổi mới tổng thể công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn (chùa Hương)...
Với những giải pháp, mục tiêu cụ thể, Mỹ Đức đặt mục tiêu từ năm 2024-2025, khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quần thể Hương Sơn (chùa Hương) trở thành khu du lịch cấp thành phố; phấn đấu đến năm 2030, thành Khu du lịch quốc gia, là một trong những trung tâm du lịch của Thủ đô và cả nước, hướng tới đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Để hoàn thành chương trình xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội quán triệt sâu sắc tới đảng viên, đoàn viên và người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng, nội dung, phương pháp, cách làm và tự giác tham gia thực hiện xây dựng nông thôn mới. Nói cách khác, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải tăng cường tuyên truyền để mỗi cán bộ, đảng viên, người dân hiểu rõ: Xây dựng nông thôn mới không phải là thực hiện các dự án xây dựng cơ bản, mà là chương trình phát triển tổng hợp kinh tế, văn hóa, xã hội, lấy nội lực là cơ bản, Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Nguyễn Anh Dũng cho biết.