Kinh tế

Huyện Nam Trực (Nam Định): Số lượng doanh nghiệp, doanh nhân tăng nhanh

Duy Hưng 10/10/2024 22:53

Ông Trần Ngọc Bút, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Nam Trực (Nam Định) cho biết thông tin trên tại buổi gặp mặt các doanh nhân, nhà sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện nhân kỷ niệm 20 năm Ngày doanh nhân Việt Nam (13/10/2024), do huyện tổ chức chiều 10/10.

z5916477618521_ee13dffa31375e7ace8b7cf0e04ff2a5.jpg
Buổi gặp mặt đại diện các doanh nghiệp, doanh nhân, nhà sản xuất, kinh doanh được huyện Nam Trực tổ chức chiều ngày 10/10.

Theo lãnh đạo UBND huyện Nam Trực, huyện hiện có 18 xã, 1 thị trấn; nằm ở cửa ngõ phía nam TP Nam Định, nối trung tâm tỉnh Nam Định với các huyện phía nam của tỉnh; được tái lập năm 1997 (tách ra từ huyện Nam Ninh).

Từ khi được tái lập, kinh tế-xã hội của huyện phát triển nhanh qua các năm. Ngoài hoạt động sản xuất nông nghiệp, huyện duy trì, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ.

Đến nay địa bàn huyện có tới 650 doanh nghiệp, hơn 2800 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; hơn 6000 cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể, với thế mạnh sản xuất các sản phẩm cơ khí từ nền tảng là các làng nghề cơ khí truyền thống, lâu đời.

Địa bàn huyện có 2 Cụm công nghiệp Đồng Côi, Vân Chàng (2 cụm công nghiệp đầu tiên được thành lập ở tỉnh Nam Định); Cụm công nghiệp Tân Thịnh (rộng 50 ha) đang được đầu tư xây dựng hạ tầng. Ngoài ra, Khu công nghiệp Nam Hồng (rộng 200 ha) đang được tỉnh Nam Định triển khai quy trình đầu tư trên địa bàn huyện.

“Hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn huyện đều tuân thủ pháp luật về sản xuất, kinh doanh, có trách nhiệm với thị trường, với người lao động, nộp ngân sách nhà nước, chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, tích cực tham gia các hoạt động góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn đã góp phần quan trọng thay đổi mạnh cơ cấu kinh tế của huyện, từ thuần nông sang phát triển mạnh công nghiệp”, ông Trần Ngọc Bút nhìn nhận và cho biết trong 9 tháng đầu năm 2024, thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt gần 500 tỷ đồng, trong đó có đóng góp lớn từ các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo địa phương, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn huyện mới chỉ có quy mô vừa và nhỏ; trình độ kỹ thuật, công nghệ còn hạn chế, chưa có định hướng phát triển rõ ràng; chưa nắm bắt được yêu cầu, xu thế chuyển đổi số, kinh tế số; chưa có chiến lược đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp cùng ngành nghề, lĩnh vực; không ít doanh nghiệp không vượt qua được khó khăn phải dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng…

Tại buổi gặp mặt, lãnh đạo huyện Nam Trực mong muốn các doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn huyện luôn nỗ lực, đổi mới, sáng tạo, vượt qua những khó khăn, thách thức, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, làm giàu chính đáng; thực hiện tốt các nghĩa vụ thuế với nhà nước, có thêm nhiều hoạt động góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời bày tỏ luôn mong muốn được tiếp nhận, lắng nghe các ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, doanh nhân để các chủ trương, chính sách của địa phương khi ban hành được phù hợp, tạo điều kiện, hỗ trợ tích cực cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

mil00209.jpg
Cụm công nghiệp Tân Thịnh trên địa bàn huyện Nam Trực được khởi công xây dựng hạ tầng vào ngày 28/9 mới đây, nhằm tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp.

Cũng tại buổi gặp mặt, đại diện cộng đồng doanh nghiệp ở địa phương bày tỏ niềm vui khi đã và đang được sản xuất, kinh doanh trong môi trường ngày càng thuận lợi, thông thoáng; mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành, hỗ trợ thiết thực hơn nữa của chính quyền địa phương, qua đó giúp các doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tranh thủ được các thời cơ, vượt qua các thách thức, phát triển, lớn mạnh, đóng góp hiệu quả hơn vào sự phát triển chung của địa phương và đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Huyện Nam Trực (Nam Định): Số lượng doanh nghiệp, doanh nhân tăng nhanh