Bưởi đỏ Tân Lạc từ lâu đã được biết đến như một món quà đặc sản mỗi khi khách có dịp ghé thăm huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Nó không chỉ là món quà người ta tặng nhau, mà chất chứa trong đó bao nhiêu giá trị đối với thực khách và người dân nơi đây.
Bưởi đỏ Tân Lạc có nguồn gốc tại xã Khánh Thương, huyện Ba Vì, Hà Nội. Năm 2004, bưởi đỏ Tân Lạc đã được đưa vào trồng tại xóm Tân Hường 1, xã Thanh Hối, Huyện Tân Lạc.
Với điều kiện địa lý cũng như thời tiết ở nơi đây rất thích hợp với giống bưởi này, bởi vậy chúng nhanh chóng được nhân giống và trồng thay thế những đồi keo trước đó và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Giống bưởi đỏ Tân Lạc Hòa Bình có quả hình tròn, vỏ vàng khi chín múi bưởi có màu hồng đỏ, quả có khối lượng trung bình từ 1,2 kg - 1,4 kg/quả. Tép bưởi đỏ Tân Lạc bó chặt, dễ tách, ăn rất giòn ngọt và không bị he đắng.
Diện tích trồng bưởi tăng nhanh chóng, năm 2013 diện tích bưởi toàn huyện là 109,7 ha, đến năm 2020 diện tích trồng bưởi là 1.105 ha. Trong đó, diện tích cho thu hoạch 900 ha. Sản phẩm bưởi đỏ Tân Lạc là một trong những cây trồng chủ lực, hiệu quả kinh tế cao, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đón nhận. Năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công nhận nhãn hiệu tập thể “Bưởi đỏ Tân Lạc”.
Để nâng cao năng suất, đảm bảo chất lượng, hiệu quả để sản phẩm bưởi Tân Lạc là một trong những loại cây trồng chủ lực, là sản phẩm OCOP tiêu biểu của huyện, huyện đã chủ trương không mở rộng thêm diện tích, mà tận dụng những diện tích bưởi hiện có để đầu tư, thâm canh áp dụng biện pháp khoa học kỹ thuật trồng tiên tiến, thay thế diện tích bưởi thoái hóa, chất lượng kém.
Ưu tiên phát triển các mô hình vườn mẫu, công tác bảo quản, sơ chế sản phẩm, bảo vệ nhãn hiệu tập thể hàng hóa, xây dựng công nhận văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý sản phẩm bưởi Tân Lạc.
Hiện nay huyện Tân Lạc quy hoạch vùng sản xuất bưởi tập trung tại các xã Ngọc Mỹ, Đông Lai, Thanh Hối, Tử Nê, Phong Phú, Mỹ Hòa và thị trấn Mãn Đức với quy mô ổn định diện tích 1.250 ha.
Huy động các nguồn lực đầu tư thâm canh cho vùng sản xuất bưởi, phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 500 ha diện tích trồng bưởi được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP hoặc chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm kết hợp với xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, với sản lượng đạt trên 20.000 tấn và giá trị đạt khoảng 450 triệu đồng/ha.
Để phát huy tiềm năng, thế mạnh của huyện và giá trị kinh tế của sản phẩm bưởi trong những năm tới, huyện sẽ chủ trương nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm bưởi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững.
Xây dựng vùng sản xuất bưởi ổn định, tập trung gắn với xây dựng mô hình vườn mẫu, khu dân cư kiểu mẫu, cải thiện môi trường sinh thái, tạo cảnh quan phục vụ du lịch và từng bước hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao.