Huyện Thới Bình (Cà Mau): Đường về 'đích' huyện nông thôn mới không còn xa

THẾ TRÂN 25/08/2023 15:00

Huyện Thới Bình (Cà Mau) hiện có 100% đơn vị hành chính cấp xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), địa phương đang phấn đấu, nỗ lực từng ngày để “cán đích” huyện NTM vào cuối năm 2023.

Nỗ lực hoàn thành mục tiêu

Đến huyện Thới Bình những ngày cuối tháng 8, chúng tôi thật sự vui mừng về sự thay da, đổi thịt của vùng đất phèn mặn ngày nào, giờ đây, đã khoác lên mình bộ áo mới – bộ áo cho sự tiến bộ và phát triển. Để có được những kết quả đó, trước tiên phải kể đến sự sâu sát, kịp thời của cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp trong huyện Thới Bình và sự đồng lòng, nỗ lực của người dân trong xây dựng NTM.

Ông Lý Minh Vững, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình cho biết, theo Nghị quyết của huyện uỷ thì huyện Thới Bình phấn đấu đến cuối năm 2023 sẽ được công nhận huyện NTM. Theo ông Vững, để đạt được mục tiêu đề ra, thời gian qua, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước về xây dựng NTM; xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng NTM; an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, phát triển sản xuất, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang lễ và lễ hội... dưới nhiều hình thức.

Ông Lý Minh Vững, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình.
Ông Lý Minh Vững, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình.

Qua đó, đã nhận được sự đồng thuận hưởng ứng tích cực của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác xây dựng NTM. Ngoài ra, địa phương đã triển khai, thực hiện tốt kế hoạch phát động phong trào thi đua “Thới Bình chung sức xây dựng NTM”; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”.

Từ nền tảng xây dựng NTM, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Thới Bình đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao đời sống như mô hình “4 trong 1” (gồm lúa, tôm sú, tôm càng xanh, cua..., được nuôi, trồng trên cùng một diện tích canh tác); mô hình ủ men vi sinh tạo thức ăn cho thuỷ sản và làm sạch môi trường nuôi ở xã Trí Lực.

Ông Lê Văn Mưa, ngụ ấp 5, xã Trí Lực chia sẻ, gia đình ông canh tác hơn 8ha đất nuôi trồng thuỷ sản kết hợp trồng lúa hữu cơ “4 trong 1”, theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là mô hình phát triển tốt và bền vững. “Trong 6 tháng mùa mưa, trên cùng 1 diện tích, nông dân địa phương nuôi, trồng đến 4 loại gồm: cua, tôm sú, tôm càng, lúa. Tính riêng tôm càng và cây lúa, mỗi vụ mang lại lợi nhuận khoảng hơn 90 triệu đồng/ha. Từ khi con tôm của bà con nông dân địa phương được đạt chứng nhận ASC, đời sống của người dân rất tốt, giá tôm được bao tiêu đầu ra với mức giá ổn định, cao hơn so với giá thị trường từ 3.000 – 5.000 đồng/kg”, ông Mưa cho biết.

Mô hình lúa - tôm ‘4 trong 1’ giúp nông dân địa phương ‘đổi đời’
Mô hình lúa - tôm "4 trong 1" giúp nông dân địa phương "đổi đời".

Theo ông Mưa, lúa hữu cơ ở địa phương được trồng theo hướng nông sản sạch, nói không với phân bón hoá học, thuốc trừ sâu nên được bao tiêu sản phẩm và nông dân cũng không bận tâm về đầu ra và giá cả. Trung bình mỗi ha trồng lúa, sẽ cho năng suất từ 6 – 7 tấn. “Từ khi mô hình lúa – tôm được chứng nhận ASC, đời sống của người dân địa phương được cải thiện rõ rệt. Về kỹ thuật gieo sạ, thu hoạch mùa vụ, hầu hết nông dân địa phương thực hiện bằng kỹ thuật thủ công truyền thống”.

Với những nỗ lực, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đến nay, huyện Thới Bình có 11/11 xã đạt chuẩn NTM, các xã hiện đang phấn đấu xây dựng NTM nâng cao và hướng đến mục tiêu về đích huyện NTM vào cuối năm 2023 theo Nghị quyết đề ra.

Ông Lý Minh Vững, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình chia sẻ, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự giúp đỡ, hỗ trợ tích cực của các sở, ngành cấp tỉnh, cùng với sự phối hợp nhịp nhàng của các đơn vị cấp huyện, xã và sự đồng thuận của nhân dân đã tạo được phong trào thi đua sôi nổi.

Nhiều doanh nghiệp địa phương ứng dụng công nghệ số trong bán hàng.
Nhiều doanh nghiệp địa phương ứng dụng công nghệ số trong bán hàng.

“Các xã đã vận dụng khá linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành về xây dựng NTM. Cùng với đó, các cơ chế, chính sách trong công tác này luôn được Đảng và nhà nước ban hành, sửa đổi, bổ sung kịp thời, phù hợp với thực tế của địa phương, đã tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện. Đồng thời, huyện ủy Thới Bình đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và Nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM. Trên cơ sở đó, UBND huyện chủ động đề ra kế hoạch, giải pháp để chỉ đạo, triển khai thực hiện phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế ở địa phương”. Theo Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, phong trào thi đua xây dựng NTM ở địa phương từng bước đã được khơi dậy trong cộng đồng dân cư và đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về mọi mặt.

Còn đó những khó khăn

Với quyết tâm cao, cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân ở địa phương luôn nỗ lực trong xây dựng NTM, nhằm đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra. Song, con đường về đích huyện NTM của Thới Bình vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế nên không thể một sớm, một chiều có thể giải quyết được.

Diện mạo đường nông thôn ở xã NTM Trí Lực rợp bóng mát.
Diện mạo đường nông thôn ở xã NTM Trí Lực rợp bóng mát.

Ông Lý Minh Vững, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình tâm tình rằng, theo Nghị quyết của huyện uỷ đề ra thì cuối năm 2023 huyện sẽ về đích NTM. Tuy nhiên, việc này có thể hoàn thành trong khoảng nữa đầu năm 2024. “Do bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021 -2025 có nhiều nội dung mới, đặc biệt là bộ tiêu chí xã NTM nâng cao và bộ tiêu chí huyện đạt chuẩn NTM. Từ đó, công tác triển khai thực hiện của địa phương còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Đa số, các xã trên địa bàn huyện bị rớt chuẩn nhiều nhất về nhóm hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là tiêu chí về giao thông; cơ sở vật chất văn hóa, đặc biệt là nước tập trung của chỉ tiêu 17.1,... Nhu cầu về vốn xây dựng, đầu tư nâng cấp lớn, nhưng nguồn lực địa phương chưa đáp ứng được nên khi thực hiện phong trào thi đua các tiêu chí này rất khó đạt”, ông Vững trần tình.

Cùng với đó, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn của huyện Thới Bình tuy có giảm nhưng vẫn còn cao, dẫn đến hộ nghèo tăng cao đối với các xã trên địa bàn huyện; một số doanh nghiệp đóng trên địa bàn các xã ít nên việc huy động nguồn nội lực gặp rất nhiều khó khăn.

Đồng thời, công tác giảm nghèo đang gặp khó khăn vì các hộ này hầu hết là thiếu nguồn lực lao động, thiếu vốn để phát triển sản xuất, không đất sản xuất... đặc biệt hiện nay các dự án thuộc chương trình giảm nghèo bền vững triển khai còn chậm…

Ven đường người dân trồng nhiều hoa kiểng để tạo cảnh quan xanh – sạch – đẹp.
Ven đường người dân trồng nhiều hoa kiểng để tạo cảnh quan xanh – sạch – đẹp.

Từ những khó khăn đó, địa phương kiến nghị, tỉnh cần quan tâm, tiếp tục hỗ trợ các nguồn lực về vốn để các xã thực hiện tốt các tiêu chí nhóm hạ tầng kinh tế - xã hội nhằm phấn đấu đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, ban hành quy định về mức hỗ trợ ngân sách nhà nước thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất để địa phương xây dựng và thực hiện các dự án hỗ trợ hỗ trợ phát triển sản xuất theo dự án đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo

Kiến nghị với Trung ương, cụ thể là Bộ LĐTB&XH cần ban hành văn bản hướng dẫn, quy định tiêu chí xác định đối tượng “người lao động có thu nhập thấp” để làm căn cứ triển khai thực hiện đào tạo nghề cho nhóm đối tượng này. Đồng thời, thực hiện giải ngân nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trong năm 2023.

Diện mạo đường GTNT ở huyện Thới Bình.
Diện mạo đường GTNT ở huyện Thới Bình.

Giờ về Thới Bình đã không còn thấy cảnh những con đường bùn lầy, nhem nhuốc khó đi, thay vào đó là những con đường khang trang, thẳng tắp với xe cộ tấp nập. Người dân thuận tiện giao thương mua bán, ven đường bà con trồng nhiều cây xanh, hoa kiểng để tô thêm vẻ đẹp của xóm làng. Thới Bình đã khởi sắc từng ngày và con đường về đích huyện NTM của địa phương sẽ không còn xa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Huyện Thới Bình (Cà Mau): Đường về 'đích' huyện nông thôn mới không còn xa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO