Huyết áp thấp nguy hiểm như thế nào?

HÀ LINH 05/07/2023 13:36

Đối với nhiều người, huyết áp thấp có thể gây chóng mặt và ngất xỉu, thậm chí có thể đe dọa tính mạng, lâu ngày không điều trị sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và làm suy giảm chất lượng cuộc sống.

Huyết áp là một loại thước đo được sử dụng để đo lực máu tác động lên trên thành động mạch khi chảy qua khu vực này. Đơn vị đo lường chỉ số huyết áp là mm thuỷ ngân (viết tắt: mmHg). Huyết áp thấp là tình trạng huyết áp giảm đột ngột xuống dưới 90/60mmHg.

Người bị huyết áp thấp có các triệu chứng đau đầu, ù tai, mất ngủ...

Triệu chứng

Hoa mắt, chóng mặt: Đây là hậu quả của việc máu lên não không đủ do áp lực máu trong lòng mạch thấp. Hoa mắt, chóng mặt sẽ rõ ràng nhất khi thay đổi tư thế. Nếu đứng lên quá đột ngột, bạn sẽ cảm thấy chóng mặt, xây xẩm mặt mày, cảnh vật xung quanh như chao đảo trước mắt, nặng hơn có thể đứng không vững và ngất xỉu, mất ý thức ngay tại chỗ.

Đau đầu, ù tai, mất ngủ thường xuyên: Cơn đau đầu có thể xuất hiện khi các mạch máu bị co thắt do thiếu oxy và dinh dưỡng lên não. Chính vì vậy, người huyết áp thấp thường xuyên bị trằn trọc, khó ngủ về đêm, ngủ không sâu giấc, hay tỉnh dậy và có thể kèm theo ù tai.

Chân tay lạnh, người xanh xao: Huyết áp thấp làm giảm khả năng tưới máu tới mạch máu dưới da và các đầu chi. Mỗi khi cơ thể bị nhiễm lạnh do thời tiết, các mạch máu bị co lại, càng khiến quá trình lưu thông máu bị ứ trệ, người mệt mỏi, thiếu sức sống, chân tay lạnh, da khô và xanh tái.

Ngoài ra còn có các triệu chứng khác như: Buồn nôn, mệt mỏi, tầm nhìn trở nên mờ hơn.

Nguyên nhân

Theo nghiên cứu, có khá nhiều nguyên nhân khiến huyết áp giảm. Có thể kể đến những nguyên nhân điển hình như: Ăn uống, căng thẳng, mất nước, thai kỳ.

Bên cạnh đó, cũng có những nguyên nhân nghiêm trọng hoặc lâu dài hơn như:

- Thiếu hụt chất dinh dưỡng: Có thể liên quan đến vitamin B12 hoặc axit folic.

- Hạ huyết áp qua trung gian thần kinh: Rối loạn này gây ra tụt huyết áp sau khi người bệnh đứng lên trong một thời gian dài.

- Các vấn đề về nội tiết: Những vấn đề này ảnh hưởng đến việc điều chỉnh các hormone của cơ thể, ví dụ do suy giáp.

- Các vấn đề về tim mạch: Những vấn đề này có thể hạn chế khả năng bơm máu của tim.

Hậu quả của việc giảm huyết áp

Những người bị chứng huyết áp thấp mặc dù không quá ảnh hưởng đến đời sống hằng ngày. Tuy nhiên, khi người bệnh không quan tâm đến vấn đề này thì có thể làm ảnh hưởng đến tính mạng của mình.

Suy giảm trí nhớ, đột quỵ não, teo não, nhũn não: Não bộ không được nhận đủ máu nuôi dưỡng sẽ khiến các tế bào nơron thần kinh nhanh bị thoái hóa và chết đi không hồi phục; điều này có thể gây teo não, nhũn não, suy giảm trí nhớ và làm gia tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu não khi về già.

Suy tim, suy thận: Huyết áp thấp làm giảm lưu lượng máu đến mọi cơ quan, gây ảnh hưởng chung đến toàn bộ các chức năng của cơ thể, tim phải làm việc nhiều hơn, thận không thể thanh lọc và đào thải cặn bã ra khỏi cơ thể. Về lâu dài, suy tim, suy thận, nhồi máu cơ tim là điều khó tránh khỏi.

Tử vong do sốc khi tụt huyết áp đột ngột: Khi chỉ số huyết áp tụt giảm xuống mức quá thấp, hầu như các cơ quan trong cơ thể bị thiếu hụt một lượng máu nghiêm trọng, điều này sẽ gây ra tình trạng gọi là sốc với các biểu hiện: Da xanh, tím tái, vã mồi hôi lạnh, choáng váng, thở nông, nhịp tim nhanh, trống ngực, ngất… Người bệnh có thể tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời.

Bên cạnh đó, những vết thương chảy máu vì tổn thương không thể dừng được, cơ thể bị mất nước nhanh chóng vì tiêu chảy hoặc nôn mửa cũng là triệu chứng do huyết áp thấp để lại. Song song với đó, vết thương bị nhiễm trùng nặng hoặc có phản ứng với dị ứng cũng có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh.

Cách phòng ngừa

Tùy thuộc vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe, bạn có thể áp dụng theo những cách sau:

- Nên uống nhiều nước, các chất lỏng có thể làm tăng thể tích của máu đồng thời ngăn chặn tình trạng mất nước của cơ thể.

- Không nên bỏ bữa, nhất là buổi sáng và có thể chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Bổ sung đa dạng các loại thực phẩm khác nhau theo sự tư vấn của bác sĩ.

- Hạn chế các thực phẩm chứa carbohydrate cao như bánh mì, khoai tây, mì ống, thay vào đó là các ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau xanh và thịt nạc gà, cá…

- Ăn mặn hơn một chút so với bình thường (khoảng 10 - 15g muối/ngày), có thể tham khảo ý kiến của các bác sĩ để điều chỉnh lượng muối phù hợp với mình.

- Nếu huyết áp thấp do thiếu máu (hay gặp ở phụ nữ), nên tăng cường thức ăn chứa nhiều sắt như: Thịt nạc, gan động vật, mộc nhĩ, nấm hương khô, cần tây, rau đay, rau rền, quả lựu, táo…

- Trước khi ra khỏi giường vào buổi sáng, hãy hít thở sâu một vài phút và từ từ ngồi lên trước khi đứng dậy. Khi có dấu hiệu hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, cần nằm nghỉ ngơi ở tư thế đầu thấp để tăng lượng máu lên não. Nên tránh trèo cao, ra nắng gắt hoặc để bị lạnh đột ngột, nhất là lúc đêm khuya.

- Mỗi ngày nên dành 30 phút để tập thể dục nhẹ nhàng giúp khí huyết lưu thông như đi bộ, yoga…

- Nên loại bỏ hoàn toàn rượu bia vì những đồ uống kích thích này có thể làm cơ thể bị mất nước làm cho huyết áp bị suy giảm.

- Tránh thay đổi tư thế đột ngột, nên thay đổi một cách từ từ để cơ thể quen dần. Không nên ngồi với tư thế bắt chéo hai chân để tránh làm cản trở quá trình lưu thông máu trong cơ thể.

- Sử dụng thuốc nhằm nâng huyết áp tạm thời theo chỉ định và kê đơn của bác sĩ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Huyết áp thấp nguy hiểm như thế nào?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO