Hy Lạp: Dân đổ xô đi rút tiền, ngân hàng đóng cửa

Khánh Duy 30/06/2015 15:14

Trước tình trạng người dân trong nước đổ xô đi rút tiền ở các máy ATM và ngân hàng, Chính phủ Hy Lạp hôm đầu tuần đã phải lệnh đóng cửa toàn bộ các ngân hàng và áp đặt kiểm soát vốn, nhằm tránh việc các máy rút tiền bị cạn kiệt trong cuộc khủng hoảng nợ công nặng nề ở nước này.

Người dân Hy Lạp xếp hàng dài chờ rút tiền ở máy ATM (Nguồn: HuffPost)

Athens đóng cửa ngân hàng, kiểm soát vốn

Nhiều ngân hàng Hy Lạp sẽ bị đóng cửa cho đến ngày 6-7, tức sau khi nước này tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về các đề xuất mà các chủ nợ yêu cầu. Hiện nay mỗi người dân Hy Lạp chỉ được rút khoản tiền hạn chế 60 Euro (65 USD) tại các máy ATM, trong khi khách du lịch nước ngoài – nguồn thu chính của nền kinh tế Hy Lạp thời điểm hiện nay – không bị áp đặt hạn chế này.

Các biện pháp quyết liệt của Chính phủ Hy Lạp đề ra nhằm mục đích bảo vệ hệ thống ngân hàng trong nước khỏi sụp đổ vì cạn vốn. Làn sóng người dân đổ xô đi rút tiền gửi bắt đầu từ những ngày cuối tuần trước, sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tuyên bố sẽ không tăng mức hỗ trợ tài chính cho các ngân hàng Hy Lạp, và sau khi chính quyền Athens kêu gọi trưng cầu dân ý vào ngày 5-7 tới.

Động thái của Athens đã khiến các chủ nợ như Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) không bằng lòng và họ đã bác bỏ yêu cầu kéo dài thêm kỳ hạn trả nợ cuối cùng của nước này – tức vào ngày hôm nay 30-6. Sự việc này có thể khiến Hy Lạp vỡ nợ vì không trả kịp khoản nợ cho IMF và có khả năng phải dứt áo ra đi khỏi khu vực đồng tiền chung Euro (Eurozone).

Hàng loạt diễn biến đầy kịch tính và bất lợi cho Hy Lạp đã khiến người dân nước này kéo hàng dài bên ngoài những điểm đặt máy ATM trên khắp cả nước, khiến cho vô số máy bị cạn tiền. Thủ tướng Tsipras hôm đầu tuần đã phải ra mặt trấn an người dân rằng khoản tiền gửi của họ “tuyệt đối an toàn” và yêu cầu kiềm chế.

ATM cạn tiền

Hãng tin AFP hôm 29-6 dẫn một nguồn tin từ Ngân hàng trung ương Hy Lạp cho biết chỉ còn khoảng 40% máy ATM của nước này chưa bị cạn tiền. Trong khi đó nhiều chính phủ châu Âu, trong đó có cả London và Paris, đã khuyến cáo công dân nước mình nên mang nhiều tiền mặt đến Hy Lạp để đề phòng trường hợp không thể rút tiền từ ngân hàng.

Một giáo viên Hy Lạp, Yiannis Grivas, nói với AFP rằng ông đã rút toàn bộ khoản tiền lương 940 Euro từ cuối tuần trước nên giờ có thể sống được trong vài tuần tới. “Tôi không sợ kiểm soát vốn, vì chưa bao giờ rút hơn 50 Euro một ngày” - ông Grivas nói.

Một người dân khác tên Anna, thì cuống cuồng tìm một máy ATM còn tiền để rút. “Không còn chút tiền nào trong máy cả” - Anna nói với AFP và nói thêm rằng cô hy vọng cuộc trưng cầu dân ý sẽ được tổ chức để Hy Lạp có thể ở lại Eurozone và EU, và cơn ác mộng này sẽ kết thúc.

Chỉ tính riêng trong khoảng thời gian từ tối 26-6 đến nay, người dân đã rút khoảng 1,3 tỉ Euro (1,45 tỉ USD) khỏi hệ thống ngân hàng Hy Lạp. Thủ tướng Pháp Manuel Valls đã cảnh báo về “rủi ro thực sự” về việc Hy Lạp phải rời khỏi Eurozone nếu như người dân nước này bỏ phiếu phản đối đề xuất để nhận gói tín dụng cứu trợ của EU. Vấn đề ở chỗ, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras, người nhậm chức từ tháng Một với chủ trương phản đối biện pháp “thắt lưng buộc bụng” của các chủ nợ châu Âu, thời gian qua luôn khuyến khích người dân chống lại các đề xuất mà chủ nợ đề ra, trong đó gồm giảm lương hưu, tăng thuế…

Hiện nay ECB vẫn cam kết hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp cho các ngân hàng và cả Chính phủ Hy Lạp, tuy nhiên không cam kết rót thêm tiền cho các ngân hàng nước này. Ai cũng có thể nhận thấy việc Hy Lạp vỡ nợ không còn là viễn cảnh nữa, tuy nhiên Athens vẫn hy vọng có thể đạt được một thỏa thuận vào phút chót khi Bộ trưởng Tài chính nước này nói rằng vẫn còn thời gian để thương thảo và đề nghị các chủ nợ quốc tế có “thiện chí” để đạt một thỏa thuận.

Hàng loạt các sự kiện đầy kịch tính ở Hy Lạp thậm chí còn khiến giới ngoại giao châu Âu đứng ngồi không yên trong hôm đầu tuần. Một người phát ngôn của EU cho hay Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker sẽ tổ chức một cuộc hội thảo báo chí để bàn về các diễn biến ở Hy Lạp. Trong khi đó Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp với lãnh đạo các đảng và các nhóm Quốc hội. Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng sẽ tổ chức các cuộc đàm phán với các Bộ trưởng trong Nội các của mình ở Paris để ngăn chặn khủng hoảng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hy Lạp: Dân đổ xô đi rút tiền, ngân hàng đóng cửa