Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thông tin, có thêm 2 trường hợp bệnh nhân mắc Parkinson nặng được phẫu thuật thành công nhờ phương pháp phẫu thuật kích thích não sâu.
Theo đó, các chuyên gia của hai khoa: Khoa Phẫu thuật thần kinh I và Khoa nội Hồi sức thần kinh - Trung tâm Phẫu thuật thần kinh (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) đã tiếp nhận và phối hợp phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu thành công cho 2 bệnh nhân N.T.M. và T.V.T. (cùng 66 tuổi) mắc Parkinson trên 5 năm, dù đã uống thuốc liều cao nhưng hiệu quả vận động vẫn kém.
BS Ngô Thị Huyền - Khoa Nội hồi sức thần kinh (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) cho biết, bệnh nhân đăng ký khám tại phòng khám nội Hồi sức thần kinh, sau quá trình test mức độ đáp ứng thuốc qua các động tác vận động, và các test chức năng nhận thức, tâm lý… bệnh nhân được phối hợp thực hiện chỉ định cận lâm sàng MRI 3.0.
Phẫu thuật kích thích não sâu là phương pháp phẫu thuật thần kinh chức năng, đặt điện cực tạo sóng kích thích điều trị các triệu chứng của bệnh Parkinson, bao gồm run, đơ cứng và cử động chậm chạp. Kích thích não sâu không phải là phương pháp có thể chữa trị khỏi bệnh Parkinson và sẽ không ngăn bệnh trở nên nặng hơn. Nhưng đây có thể là lựa chọn tốt cho các bệnh nhân đã mắc bệnh này ít nhất 5 năm và thời gian tác dụng của thuốc rút ngắn lại hoặc loạn động khi dùng thuốc.
“Thành công của phương pháp này mở ra cơ hội nâng cao chất lượng sống cho những bệnh nhân Parkinson nặng, giúp bệnh nhân có thể giảm liều thuốc. Bệnh Viện Hữu Nghị Việt Đức cũng là nơi thực hiện ca phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu đầu tiên tại khu vực phía Bắc, mở ra cơ hội cho những bệnh nhân Parkinson giai đoạn tiến triển và có điều kiện kinh tế phù hợp” - BS Huyền chia sẻ thêm.
Bệnh nhân N.T.M. chia sẻ, được biết, bà được chẩn đoán mắc Parkinson 10 năm về trước. Triệu chứng khởi đầu cứng nửa người trái, không nhấc nổi chân nên di chuyển khó, nói, viết khó, run rẩy chân tay, mất ngủ. Trước khi phẫu thuật, liều thuốc bà M. sử dụng là Madopar 5 viên/ngày/5 lần uống, phải nằm chờ khoảng 30 phút để thuốc phát huy tác dụng, nhưng thời gian tác dụng của thuốc ngày càng ngắn. Đồng thời, bà M. còn gặp một số vấn đề gây khó khăn trong sinh hoạt như: Khó nuốt, mệt nhiều, táo bón và hơn hết là vấn đề tâm lý không tự tin, trầm cảm, tách biệt với mọi người, mọi việc xung quanh.
Thông qua hội chẩn toàn Trung tâm Phẫu thuật thần kinh, các chuyên gia đã thống nhất sử dụng phương pháp phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu cho bệnh nhân.
TS.BS Trần Đình Văn - Khoa Phẫu thuật Thần kinh I (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật cho bệnh nhân N.T.M. cho biết: Suốt quá trình phẫu thuật, bệnh nhân không có chỉ định gây mê, luôn trong trạng thái tỉnh táo hoàn toàn để có thể kiểm tra các triệu chứng vận động và hiệu quả của điều trị trong mổ, bệnh nhân càng tỉnh táo thì sự hợp tác trong phẫu thuật càng cao. Các chuyên gia thuộc chuyên khoa Phẫu thuật thần kinh đã phối hợp với chuyên gia về Nội thần kinh cùng ekip gây mê, kỹ thuật viên điện sinh lý thần kinh… áp dụng phương pháp phẫu thuật đặt điện cực não sâu ít xâm lấn trong mổ điều trị bệnh lý Parkinson cho bệnh nhân. Bệnh nhân được sử dụng các trang thiết bị hiện đại nhất trong mổ như máy định vị thần kinh thế hệ mới để xây dựng tọa độ, máy điện sinh lý thần kinh phát hiện sóng của các nhân xám trung ương, khung định vị chính xác tọa độ,…
Sau 1 tuần được các chuyên gia Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu, tình trạng của bệnh nhân N.T.M. đã cải thiện rõ rệt. Được TS.BS Trần Đình Văn – khoa Phẫu thuật Thần kinh I (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) hướng dẫn thực hiện các động tác đơn giản sau phẫu thuật, bệnh nhân M. làm theo thuần thục, nhanh nhẹn và chính xác hơn rất nhiều so với tình trạng trước khi phẫu thuật.
Như vậy, hiện tại ở phía Bắc, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là đơn vị đầu tiên và có kinh nghiệm thực hiện thành công kỹ thuật “kích thích não sâu” để điều trị cho bệnh nhân Parkinson. Với những thiết bị Việt Nam hiện có thì giá thành sẽ giảm nhiều, chi phí khoảng hơn 35.000 USD (bằng 1/3 so với nước ngoài).