Một trong những vấn đề đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận hiện nay đó là theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, những thí sinh có chứng chỉ TOEFL ITP 450 điểm, TOEFL iBT 45 điểm trở lên do ETS cấp hoặc IELTS 4.0 điểm trở lên do IDP hoặc Hội đồng Anh cấp sẽ được miễn thi môn tiếng Anh kì thi tốt nghiệp THPT. Điểm môn này cũng được tự động quy đổi thành 10.
Khuyến khích học sinh học học ngoại ngữ
Việc miễn thi môn tiếng Anh khi thí sinh sở hữu một số chứng chỉ ngoại ngữ phổ biến đã được công nhận trên thế giới theo các chuyên gia là hợp lý và phù hợp nhằm nâng cao chất lượng, khuyến khích học sinh học ngoại ngữ nhiều hơn và đưa chuẩn tiếng Anh của Việt Nam đến gần hơn với các tiêu chuẩn của thế giới. Dẫu vậy, kết quả 4.0 của chứng chỉ IELTS được quy đổi thành điểm 10 bài thi tiếng Anh lại là vấn đề gây nhiều tranh cãi, vì nhiều ý kiến cho rằng mức điểm này có phần dễ dàng đạt được với nhiều thí sinh lớp 12 hiện nay.
Ông Nguyễn Thanh Tú - chuyên gia có gần 10 năm luyện thi IELTS ở Hà Nội và đang sở hữu kết quả IELTS 8.5 cho rằng, với chứng chỉ IELTS 4.0 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định quy đổi thành điểm 10 tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp THPT không quá khó với nhiều thí sinh ở Thủ đô có điều kiện tiếp xúc và được đầu tư học ngoại ngữ từ khi còn nhỏ. Thực tế, các thí sinh khi tìm đến với trung tâm của anh để luyện thi đa phần đặt mục tiêu từ 5.5 trở lên bởi để đi du học hay xét tuyển vào các trường đại học thì đây là mức điểm tối thiểu cần đạt được. Dẫu vậy, để có được nhiều cơ hội ưu tiên hơn và tăng khả năng trúng tuyển vào các trường thì mức điểm để phần nào yên tâm là từ 6.5 trở lên và càng đạt điểm cao thì càng có nhiều ưu thế trong cuộc cạnh tranh khốc liệt của việc xét tuyển hay đi du học.
Năm 2021 từng ghi nhận một lớp học của Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) có 29/50 học sinh trúng tuyển đại học trước khi biết kết quả thi tốt nghiệp THPT nhờ xét học bạ kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ IELTS 7.0 hay 8.0…
Ở góc nhìn khác, cô Mai Tuyết Nhung (giảng viên Khoa tiếng Anh, Trường Đại học Thương mại) cho rằng, để đánh giá sự phù hợp hay không của sự quy đổi này cần phải nhìn nhận lại mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi này nhằm mục đích đánh giá kết quả học tập của người học sau 12 năm. Ở chương trình hiện hành với học sinh đang học lớp 12, ngoại ngữ là môn học bắt buộc từ lớp 3 đến lớp 12 và một số trường giảng dạy môn học này từ lớp 1, lớp 2 theo hình thức tự chọn. Như vậy, sau khi tốt nghiệp THPT, yêu cầu đặt ra là học sinh cần đạt một năng lực tiếng Anh tối thiểu. Năng lực này tương đương với năng lực cần có của một thí sinh đạt IELTS 4.0. Do vậy, mức điểm IELTS 4.0 là tương đối phù hợp để cho học sinh được xét đủ điều kiện tốt nghiệp đối với môn tiếng Anh.
Là thí sinh lớp 12, Hà Ngọc Linh (quận Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, trong lớp em rất nhiều bạn đã thi và đang sở hữu chứng chỉ IELTS, phổ biến là 6.0, em cũng đạt được mức này ở lần đầu đi thi hồi tháng 2/2023. “Em không quá quan tâm với việc quy đổi điểm này vì thực tế, có được 10 điểm quy đổi thi tốt nghiệp cũng không dùng để xét tuyển vào đại học được. Mục tiêu của em vào Trường Đại học Ngoại thương thì mức 6.0 cũng chưa được nhà trường chấp nhận, nên em vẫn đang tiếp tục ôn thi và đã đăng ký thi thêm một lần nữa vào giữa tháng 5 này” – Linh khẳng định và cho biết vẫn sẽ thi tốt nghiệp để lấy điểm để dự phòng xét tuyển vào đại học.
Dẫu vậy, nhìn từ thực tế thi cử thời gian qua có thể thấy, tiếng Anh luôn là một trong những môn thi có điểm số trung bình “đội sổ” trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Những thí sinh đạt điểm 10 môn này hàng năm cũng không nhiều. Như năm 2022, cả nước chỉ có 425 bài thi ngoại ngữ đạt điểm 10 ở kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Mỗi nơi một kiểu
Với các trường đại học, cao đẳng, phương thức xét tuyển kết hợp với chứng chỉ IELTS hoặc các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và trong nước khác đã được áp dụng từ vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, việc quy đổi điểm lại phụ thuộc vào quy định của từng trường và không trường nào giống trường nào. Đơn cử, theo thông tin tuyển sinh của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, năm 2023, thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ IELTS đạt 5.5 sẽ được quy đổi thành 10 điểm môn tiếng Anh. Điểm IELTS 6.0 được quy đổi 11 điểm….
Trường Đại học Thương mại quy định, thí sinh đạt IELTS 5.5 được quy đổi thành 12 điểm môn tiếng Anh. IELTS 6.0 được quy đổi 13 điểm. IELTS 6.5 được quy đổi 14 điểm… Trong khi đó, với Trường Đại học Ngoại thương, điểm IELTS đạt ngưỡng nộp hồ sơ vào trường tối thiểu 6.5 với điểm quy đổi là 8,5. Theo lãnh đạo nhà trường, điểm IELTS đạt ngưỡng nộp hồ sơ tại trường được đưa ra căn cứ vào chương trình đào tạo, môi trường đào tạo, danh tiếng cũng như mặt bằng chung sinh viên đang theo học tại trường. Hiện trường có tới 20/35 ngành/chương trình giảng dạy bằng ngoại ngữ.
Việc mỗi cơ sở đại học có một loại thang đo quy đổi khác nhau là hoàn toàn bình thường, phù hợp với quyền tự chủ tuyển sinh đã được quy định theo Luật Giáo dục đại học. Tuy nhiên, với kỳ thi tốt nghiệp THPT là một kỳ thi chung đánh giá 12 năm học của mỗi học sinh, nhiều ý kiến cho rằng, cần có những quy định chi tiết hơn về quy định quy đổi điểm này để công bằng hơn cho thí sinh.
Theo cô Mai Tuyết Nhung (Trường Đại học Thương mại), với sinh viên đại học, chuẩn đầu ra của nhiều trường hiện nay cũng chỉ ở mức B1 (tương đương 4.0-5.0 IELTS). Nghĩa là chứng chỉ 4.0 IELTS đối với các em lớp 12 là hoàn toàn hợp lý để xét tốt nghiệp.