Một triết gia ẩn danh phương Tây đã có câu danh ngôn đáng để con người ngưỡng mộ, học hỏi và làm theo, đó là: “Làm việc trong im lặng và hãy để sự thành công của bạn lên tiếng”. Bài viết này ca ngợi sự im lặng qua các trích dẫn những lời hay ý đẹp của các danh ngôn nhân loại.
Theo “Từ điển tiếng Việt” thì: “Im lặng là: không phát ra tiếng động, tiếng nói dù đang có hoạt động. Thí dụ: Im lặng trong giờ làm việc. Hai người im lặng nhìn nhau”.
Theo gợi ý từ một cuốn sách “Học làm người” của Tây Ban Nha thì bài viết này chỉ chú trọng đến cái đáng quý, đáng rèn luyện, đáng theo đuổi là “sự im lặng”. Còn vế thứ hai của câu danh ngôn là việc “lên tiếng” của sự thành công thì còn tùy theo từng người, tùy theo từng kết quả mà mỗi cá nhân đạt được, nên không thể viết ra ở đây được.
Nhà triết học cận đại danh tiếng người Bỉ, ông Maurice Materlinck (1862 – 1949) đã có một định nghĩa xuất sắc mang đầy tính triết học của sự im lặng, đó là: “Sự im lặng là yếu tố mà nhờ nó, những việc lớn lao được cấu tạo nên để cuối cùng có thể xuất hiện một kết quả hoàn hảo”. Đáng quý thay định nghĩa của Materlinck, vì nó khẳng định được cái giá trị thật của im lặng.
Dân gian Việt Nam có một lời khuyên rất mộc mạc, chân thành và vô cùng hiệu quả cho tất cả mọi lứa tuổi trong xã hội, đó là: “Biết thì thưa thớt, không biết thì dựa cột mà nghe”. Các cụ ông, cụ bà ngoài 70, 80 tuổi ai cũng tấm tắc khen câu phương ngôn giản dị này khi gặp nhau lúc đi tập thể dục buổi sáng hoặc gặp nhau ở hội khóa, hội lớp, hội bạn cơ quan cũ. Có cụ phát biểu: “Trong chúng ta, thiếu gì giáo sư, tiến sĩ, giám đốc, trưởng phòng nhưng tôi thấy các vị cứ mỉm cười, im lặng, ít nói nhưng lại có những ý kiến sắc sảo và tinh đời nhất”. Hội bạn già đều vỗ tay tán thưởng câu nhận xét chân thành nhưng chất lượng đó.
Trong sách kinh của Thiên chúa giáo (Holy Bible) ở phần các bài giảng của Thánh Salomon có đoạn rất đáng nhớ như sau: “Ngay kẻ dại khờ nhất cũng có thể trở thành khôn ngoan nếu họ biết im lặng đúng lúc, thì ra thông minh nẩy sinh ra được từ lúc im lặng”. Ý kiến này của Thánh Salomon rất đáng ghi nhận, bởi vì ngạn ngữ cổ của Pháp cũng đã yêu cầu con người: “Phải uốn lưỡi 7 lần trước khi nói”. Nghĩa là ai biết im lặng để dành thời gian mà uốn lưỡi 7 lần thì sự suy nghĩ đã tăng lên, sự chín chắn đã tăng lên, sự dự báo được cái “vạ miệng” đã tăng lên thì làm gì mà chả giữ được an toàn cho bản thân trong cuộc sống không mấy dễ dàng gì mà ta gặp hàng ngày.
Nhà ngụ ngôn học danh tiếng của nước Phấp, ông Jean de la Fontaine (1621 – 1695) đã có một danh ngôn bất hủ như sau: “Nói là tốt nhưng im lặng còn tốt hơn nhiều. Nhưng cả hai đều trở thành tồi tệ nếu áp dụng thái quá”. Bài học này của La Fontaine đã được thử thách qua 400 năm và trở thành bài học triết lý mãi mãi đúng đắn.
Có mấy tình huống hay gọi là mấy kịch bản như sau:
Im lặng trong khi làm việc, hành động, tiến hành các công việc như học tập, đọc sách, nghiên cứu các dự án, đề tài ... chưa được công bố dưới bất cứ hình thức nào.
Im lặng trong quá trình làm việc, muốn phát triển hơn, muốn tìm thêm đối tác để thêm sự giúp đỡ, thêm sự hỗ trợ về kiến thức, về kỹ thuật, về nguồn tài chính thì bắt buộc phải có những thông tin vừa đủ, chính xác, vẫn giữ được cái bí mật riêng tư, nếu không hợp tác được cũng không có hại gì. Đó là sự lựa chọn khôn ngoan và cập nhật, bắt buộc phải có trong mọi quá trình trưởng thành của con người.
La Fontaine đã nói rất đúng, dù là im lặng để hành động, dù là phải nói ra, công bố ra, thông tin để tìm kiếm đối tác ... cũng tuyệt đối không được coi cái gì là hơn, là kém, là thái quá để tránh trở nên tồi tệ. Ngay từ “tồi tệ” cũng rất đắt giá, rất triết học và tùy theo trình độ nhận thức của từng người mới thấm hết được nghĩa của từ này. Thôi thì cứ chịu khó đọc sách, biết thêm ngoại ngữ càng tốt để hiểu rõ được ý nghĩa của “tồi tệ” mà bổ sung cho kiến thức của mình.
Trong tác phẩm văn học kinh điển “Cái chết của con sói”, đại văn hào Pháp, ông Alfred de Vigny (1797 – 1863) đã hết sức đề cao sự im lặng khi ông viết: “Chỉ có sự im lặng là vĩ đại, tất cả những cái khác đều không thể sánh được”. Cũng có nhiều ý kiến tranh luận trong suốt 200 năm qua về câu này của Vigny, nhưng tất cả các tác giả đều thống nhất là: Im lặng có những cái vĩ đại, có những cái giá trị riêng mà rất nhiều cái khác không thể có được.
Có tác giả lại so sánh “im lặng” và “lời nói” một cách dễ hiểu hơn, dễ cảm nhận hơn cho nhiều tầng lớp cư dân, cả người ít chữ và người nhiều chữ, cả người nghèo và người giàu đều cảm nhận được ngay, đó là: “Lời nói quý như bạc, nhưng có khi sự im lặng lại quý như vàng”. Câu này vì quá chặt chẽ về tư duy lý luận, quá chuẩn về tư duy phản biện, nên hình như ít người dám bàn luận và bình phẩm thêm. Có tác giả lại khẳng định; “Lời nói là bạc, nhưng sự im lặng là vàng” cho mạnh hơn, hay hơn. Lại cũng có người phản đối và đưa ra nhiều ý kiến tranh luận khác. Chúng ta là những người ủng hộ lẽ phải, sự thật và đạo lý nên tùy nhận thức của từng người mà tận dụng ý nghĩa các câu danh ngôn mà ta cho là hợp lý nhất.
Tiếp tục ca ngợi cái hay, cái đẹp, cái bí ẩn của sự im lặng, nhiều tác giả đã có những góc nhìn, những đánh giá rất khác nhau, có khi rất nhỏ, rất cá biệt, có khi rất rộng, rất phổ cập ở đám đông, ở diện rộng. Triết gia cổ đại Sophocle (năm 495 đến 405 trước Công nguyên) đã dạy chúng ta phải biết kính trọng một trạng thái, một vẻ đẹp của người phụ nữ qua câu danh ngôn bất hủ: “Sự im lặng đem lại cho người phụ nữ một sự kính nể”. Phân tích đức tính này, ai cũng nhận rõ sự im lặng của người phụ nữ ở đây được coi là một người thận trọng, biết cân nhắc, suy nghĩ là đã nên nói một điều gì đó hay chưa. Trái lại với câu cửa miệng của người Ba Tư cổ là: “Ba người phụ nữ và một con vịt thì họp thành cái chợ” thì rõ ràng sự im lặng của người phụ nữ bước đầu đã gây được cảm tình với người tiếp xúc. Tự nhiên sự im lặng ấy vô tình tạo nên một bí mật, một tò mò mà ai cũng cho rằng, phỏng đoán rằng sự im lặng này sẽ có một giá trị hơn là việc nhiều lời, nói dai, nói dại. Cũng một dòng suy nghĩ như thế, nhà triết học Ménandre (năm 340 đến năm 292 trước Công nguyên) cũng dặn dò kỹ lưỡng: “Nói vớ nói vẩn thì thà im lặng còn hơn”. Câu này có từ hàng ngàn năm trước mà tưởng như có ai vừa nhắc nhở ta mấy phút trước đây, thật là tài tình và thú vị.
Nhà hiền triết vĩ đại là Lão Tử (khoảng năm 570 trước Công nguyên) cũng đã có một tổng kết để đời, luôn luôn đúng là: “Trọng vi khinh cân, tĩnh vi táo cân” (tạm dịch: Cái nặng là gốc của cái nhẹ, cái im lặng là chủ của cái táo bạo).
Để đánh giá về sự im lặng khi hành động và chỉ lên tiếng khi thành công có thể đặt thêm câu hỏi: “Vậy thì ai sẽ lên tiếng? Có phải tự người hành động đã thành công lên tiếng không?”. Câu trả lời là: Đừng có dại, tự mình không bao giờ được phép đánh giá là mình thành công, càng không bao giờ được khoe khoang, công bố, lên tiếng về cái thành công ấy. Phải để cho cái kết quả, cái sản phẩm công bố có sức nặng của im lặng phấn đấu, im lặng gian khổ để đạt được trong biết bao nhiêu thời gian và được mọi người trong giới chuyên môn đánh giá cao, được các chuyên gia lên tiếng và mời hợp tác, mời đi hội thảo, được người tiêu dùng ủng hộ, bán được nhiều sản phẩm do mình làm ra, lúc bấy giờ mới xứng đáng được xem là “sự thành công của bạn đã lên tiếng”.
Có thể tạm sơ kết như sau:
Bản nhạc nào, lời bài hát nào được nhiều người biết, nhiều người thích từ thế hệ này sang thế hệ khác mới là thành công của người nhạc sĩ.
Bài thơ, bài văn xuôi nào mà ai cũng nhớ, ai cũng thuộc vì nó hợp với lòng người, nó gợi nhớ những kỷ niệm, nó động viên, cổ vũ một hy vọng, một tương lai gần gụi mà có thể đạt tới được, đó mới là thành công của các nhà văn, nhà thơ.
Rồi còn biết bao loại máy móc, các sản phẩm công nghệ, trang thiết bị mà ta vẫn dùng hàng ngày. Đó chính là những phát minh lặng lẽ của bao nhiêu nhà khoa học, của các kỹ thuật viên, các công nhân chế tạo máy. Có thể không ai nhớ tên họ, nhưng ai cũng biết ơn vì những tháng ngày im lặng phấn đấu hy sinh, tận tụy của họ.
Hãy để im lặng đợi thành công lên tiếng!