Sau khi gửi 350 triệu USD tiền mặt cho chính phủ Myanmar hồi tuần trước, dường như IMF không thể làm gì để lấy lại các khoản viện trợ khẩn cấp này.
Ngày 3/2, Reuters trích lời Người Phát ngôn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, tuần trước, IMF đã gửi 350 triệu USD tiền mặt cho chính phủ Myanmar như một phần của gói viện trợ khẩn cấp để giúp nước này đối phó với đại dịch Covid-19.
Số tiền này đã được gửi vài ngày trước khi Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi và các nhân vật cấp cao khác từ đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ bị bắt trong một cuộc đột kích vào sáng sớm hôm 1/2 tại thủ đô Naypyitaw.
Reuters trích dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết, “dường như IMF không thể làm gì đáng kể để lấy lại các khoản viện trợ khẩn cấp”.
IMF trước đó bày tỏ hy vọng rằng, số tiền này sẽ giúp Myanmar đáp ứng "nhu cầu cán cân thanh toán khẩn cấp phát sinh từ đại dịch Covid-19, đặc biệt là các biện pháp phục hồi của chính phủ nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và tài chính, đồng thời hỗ trợ các ngành bị ảnh hưởng và các nhóm dễ bị tổn thương".
Người phát ngôn của IMF chỉ ra rằng, Quỹ đang theo sát diễn biến đang diễn ra ở Myanmar và quan ngại sâu sắc về tác động của các sự kiện đối với nền kinh tế của đất nước và người dân của quốc gia này.
Bình luận trên được đưa ra khi quân đội Myanmar tuyên bố thành lập Hội đồng Hành chính Nhà nước do Thượng tướng Min Aung Hlaing làm Chủ tịch.
Hội đồng Hành chính Nhà nước Myanmar do quân đội thành lập gồm 11 thành viên theo quy định tại Mục 419 của Hiến pháp. Trong đó Tổng tư lệnh của Bộ Quốc phòng được chuyển giao quyền lực sẽ có quyền thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Hội đồng Hành chính Nhà nước công bố bổ nhiệm Tổng chưởng lý Liên minh, Tổng Kiểm toán Liên minh, Thống đốc Ngân hàng Trung ương, Bộ trưởng Liên minh Bảo tồn Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Chủ tịch Hội đồng Hành chính sáu khu vực tự quản, Chủ tịch Hội đồng hành chính thủ đô và 12 bang. Đồng thời thành lập Ủy ban Bầu cử Liên minh gồm sáu thành viên.
Các diễn biến diễn ra sau khi quân đội Myanmar ra thông báo đình chỉ tất cả các chuyến bay, bao gồm cả những chuyến bay nội địa, sau cuộc chính biến hôm 1/2, với việc giam giữ một số quan chức cấp cao của đất nước này.
Vụ bắt giữ diễn ra khi quân đội quốc gia Myanmar tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 năm sau nhiều tuần leo thang căng thẳng vì cáo buộc gian lận phiếu bầu trong cuộc bầu cử tháng 11, khi đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu.