Ngày 17/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) thông tin, bão số 3 và hoàn lưu bão đã khiến gần 42.000 bộ sách giáo khoa (SGK) của học sinh bị hỏng do ngập nước.
Bộ GDĐT cho biết, theo tổng hợp từ số liệu báo cáo của 18/26 tỉnh, thành, tính đến ngày 16/9, tổng thiệt hại về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học ước tính là 1.260 tỷ đồng; hư hỏng 41.564 bộ SGK. Cụ thể, thiệt hại về cơ sở vật chất là hơn 514 tỷ đồng, trong đó, cấp mầm non hơn 117 tỷ đồng; cấp tiểu học hơn 139 tỷ đồng; cấp THCS hơn 142 tỷ đồng; cấp THPT hơn 115 tỷ đồng. Thiệt hại về trang thiết bị dạy học là 745.801 triệu đồng. Trong đó, giáo dục mầm non là 306.618 triệu đồng; giáo dục tiểu học là 169.514 triệu đồng; THCS là 156.028 triệu đồng; THPT là 113.642 triệu đồng.
Trước thực tế này, Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam cho biết, sẽ khẩn trương in ngay 10 triệu bản SGK bổ sung để cung cấp cho học sinh.
Thống kê từ 18/26 tỉnh, thành cho thấy, tổng thiệt hại về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học ước tính lên tới 1.260 tỷ đồng. Trong đó, việc hư hỏng gần 42.000 bộ SGK của học sinh các địa phương đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới việc dạy và học của giáo viên và học sinh.
Cụ thể, bậc tiểu học bị hư hỏng, ngâm nước nhiều nhất, lên tới gần 24.000 bộ SGK; bậc THCS gần 11.000 bộ SGK và bậc THPT lên tới hơn 7.000 bộ SGK. Trong đó, riêng tỉnh Yên Bái, có gần 20 nghìn học sinh bị hỏng, mất SGK; kinh phí cần để mua SGK cho các em ước tính trên 9 tỷ đồng.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết ngày 17/9, PGS.TS Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng biên tập NXB Giáo dục Việt Nam cho biết, nhờ chủ động phòng tránh bão số 3 nên kho sách tại khu vực Hà Nội của đơn vị không bị ảnh hưởng. Hiện NXB Giáo dục Việt Nam chưa nhận được thông tin chính xác từ các địa phương về số lượng SGK cần cung ứng bổ sung.
Thống kê sơ bộ có 25 tỉnh khu vực phía Bắc bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Có khoảng 190 tên sách học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 cần bổ sung tới các địa phương (không tính các chuyên đề tự chọn bậc THPT). Thực hiện chỉ đạo của Bộ GDĐT về việc cung ứng SGK cho học sinh vùng lũ, NXB Giáo dục Việt Nam sẽ dồn toàn lực để thực hiện nhiệm vụ này. Trước mắt, NXB sẽ tổ chức in ngay 10 triệu bản SGK bổ sung. Cộng với số lượng sách hiện còn trong kho, NXB Giáo dục Việt Nam sẽ cung ứng cho vùng lũ khoảng 18 triệu bản SGK.
Theo ông Tùng, trong 1-2 tuần tới, sau khi có số liệu chính xác nhu cầu của các địa phương, nếu còn thiếu, NXB Giáo dục Việt Nam sẽ tổ chức in thêm. Chi phí in gia công theo đơn giá bình quân cho 10 triệu bản sách ước khoảng dưới 30 tỷ đồng. Toàn bộ số SGK in bổ sung cung cấp cho học sinh bị ảnh hưởng bởi bão lũ sẽ được triển khai với tinh thần phục vụ.
Trước sự quan tâm của phụ huynh/nhà trường về chính sách giảm giá hay ưu đãi với SGK in bổ sung, ông Nguyễn Văn Tùng chia sẻ, đối với số lượng SGK NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức in bổ sung để cung ứng cho vùng lũ thì sẽ áp dụng giảm 10% giá bìa (tương đương khoảng 50% chi phí phát hành). Đồng thời đơn vị này sẽ dành một khoản kinh phí để tặng số lượng lớn SGK cho học sinh những vùng bị thiệt hại nặng. Tính đến thời điểm này, NXB Giáo dục Việt Nam đã trao tặng 1.900 bộ SGK tới các tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất là Yên Bái, Lào Cai, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên... trị giá gần 500 triệu đồng. Thông qua công đoàn ngành giáo dục, NXB Giáo dục Việt Nam cũng đã quyên góp ủng hộ 620 triệu đồng gửi tới đồng bào vùng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
Trước đó, Bộ GDĐT đã có văn bản chỉ đạo về việc cung ứng SGK cho các địa phương bị ảnh hưởng của cơn bão số 3. Theo đó, đối với các đơn vị tổ chức biên soạn, phát hành SGK, Bộ GDĐT lưu ý phối hợp với các địa phương rà soát, nắm bắt kịp thời tình hình SGK bị hư hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3 để khẩn trương in ấn bổ sung và cung ứng kịp thời cho giáo viên, học sinh tổ chức dạy học, ưu tiên cho học sinh các lớp đầu cấp và cuối cấp.
Đề nghị miễn giảm học phí cho sinh viên bị ảnh hưởng bão số 3
Bộ GDĐT vừa có văn bản gửi các cơ sở giáo dục đại học, các trường cao đẳng sư phạm về việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ đối với sinh viên bị thiệt hại sau cơn bão số 3. Bộ GDĐT đề nghị các cơ sở giáo dục đại học, các trường cao đẳng sư phạm quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện việc miễn, giảm học phí và có các chế độ hỗ trợ tài chính phù hợp với hoàn cảnh của từng sinh viên. Đồng thời, hướng dẫn sinh viên liên hệ với chính quyền địa phương đề nghị xác nhận trường hợp gia đình có khó khăn đột xuất về tài chính để xin vay vốn tín dụng, hỗ trợ việc học tập.