Tình trạng ô nhiễm không khí do đốt rừng để có đất trồng cọ ở Indonesia lại một lần nữa gây ảnh hưởng tới nhiều nước ở khu vực Đông Nam Á. Tình trạng này diễn ra hàng năm, và bị cáo buộc gây nên nhiều chứng bệnh đường hô hấp và cả cái chết cho nhiều người.
Singapore chìm trong khói bụi do tình trạng đốt rừng
ở Indonesia gây nên. (Nguồn: AP).
Indonesia, hiện đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở 6 tỉnh thành, đã liên tục nhắc lại cam kết sẽ loại bỏ các hoạt động đốt rừng lấy đất trồng cây công nghiệp ở nước này. Nhưng vấn đề này đến nay vẫn tái diễn và gây nên căng thẳng ngoại giao với các nước trong khu vực, khi Jakarta cáo buộc Singapore và Malaysia cũng chưa làm đủ để giải quyết vấn đề này.
Tình trạng khói bụi từ đốt rừng đã diễn ra suốt vài ngày qua, nhưng đến ngày 26/8, nó bắt đầu trở nên trầm trọng hơn.
Mức ô nhiễm không khí được Singapore đo lường - còn gọi là chỉ số PSI - chỉ ra rằng nếu mức độ ô nhiễm vượt quá con số 100 được coi là gây hại cho sức khỏe con người. Thế nhưng chỉ số PSI đo được trong sáng hôm 26/8 vừa qua đã vượt qua mức này và đến chiều cùng ngày đã ở mức 215 gây nên tình trạng cay mắt. Hồi năm ngoái, PSI đo được ở Singapore trong lúc khói bụi đốt rừng tràn vào có lúc lên tới mức kỷ lục là 300.
Hàng năm, tình trạng đốt rừng làm nông nghiệp vẫn diễn ra ở Sumatra, nhiều phần của Kalimantan trên đảo Borneo của Indonesia. Tình trạng diễn ra khi các công ty và hộ nông dân nhỏ đốt rừng để trồng cây cọ - lấy dầu và lấy bột làm giấy. Một khi đốt rừng, đám cháy thường lan rộng và vượt tầm kiểm soát của họ, thậm chí lan vào các khu vực rừng bảo hộ và các bãi than bùn, khiến khói bụi càng trở nên độc hại.
Trong đợt khói bụi lớn nhất từng xảy ra trong cùng thời điểm các năm trước, khói bụi đã bao phủ hàng trăm km vuông. Nó còn lan tới cả các nước lân cận như Malaysia, Singapore, miền Nam Thái Lan và Philippines; khiến bầu không khí ở các nước này bị ô nhiễm nặng.
Tính đến thời điểm hiện nay, chính quyền Indonesia đã bắt giữ tổng cộng 450 người có liên quan tới các vụ đốt rừng này, trong đó nhiều người thuộc các công ty lớn. Tổng thống Joko Widodo cũng chỉ thị thắt chặt kiểm soát các nguồn tài nguyên trong nước và đẩy mạnh nỗ lực cứu hỏa… tuy nhiên, giới chuyên gia cho hay phải mất ít nhất 3 năm để các biện pháp này có hiệu quả.