Cuối tuần qua, Phó Tổng thống Iran Eshaq Jahangiri đã lên tiếng cảnh báo các nước trong khu vực sẽ phải hứng chịu” hậu quả nghiêm trọng” nếu bị phát hiện rằng họ đã kích động làn sóng biểu tình bạo lực ở Iran.
Một cuộc biểu tình diễn ra tại thủ đô Tehran.
Cảnh báo sắc lạnh
“Một số quốc gia trong khu vực cần phải biết rằng họ sẽ không thể dễ dàng chối bỏ trách nhiệm của mình nếu chúng tôi phát hiện có dấu hiệu cho thấy họ đã can thiệp để gây căng thẳng ở Iran” - Hãng tin Fars của Iran dẫn lời ông Jahangiri.
Trước đó Iran đã quy trách nhiệm cho những “kẻ côn đồ” có liên quan đến những nhà hoạt động chính trị lưu vong và các nước như Mỹ, Israel và Arab Saudi vì đã xúi giục biểu tình sau khi giá xăng dầu tăng ở Iran.
Trong một diễn biến khác, các cơ quan hành pháp Iran đã bắt giữ khoảng 180 thủ lĩnh của các hoạt động biểu tình chống Chính phủ. Theo Hãng truyền hình IRIB của Iran, những người bị bắt bị buộc tội đốt cháy ngân hàng, phá hoại tài sản, tấn công các đơn vị an ninh và có những hành vi bất hợp pháp khác.
Các cuộc biểu tình đã bùng nổ tại nhiều thành phố Iran vào tuần trước sau khi chính phủ Iran quyết định tăng giá xăng dầu tới 200%. Tại một số nơi, biểu tình biến thành bạo động và gây ra hậu quả về người đối với người biểu tình và các lực lượng an ninh.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định cuộc biểu tình này là do Mỹ và Israel đứng đằng sau tổ chức để gây hại đến an ninh quốc gia Iran. Washington đã công khai ủng hộ những người biểu tình.
Giới chức Iran còn cho hay, các binh sĩ và thành viên lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo tinh nhuệ của nước này đã giúp lực lượng cảnh sát dập tắt tình trạng bất ổn bạo lực ở tỉnh Kermanshah trong tuần này, đồng thời cáo buộc “các đặc vụ Mỹ” trà trộn vào những người biểu tình có vũ trang.
Trong khi đó, chỉ huy lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran Bahman Reyhani cho hay: “Những phần tử nổi loạn thuộc các nhóm (đối lập lưu vong) phản cách mạng và các cơ quan tình báo của Mỹ”. Tuy nhiên, vị quan chức không nêu đích danh các nhóm này.
Mỹ tăng sức ép
Bộ Tài chính Mỹ trong hồi cuối tuần trước cũng tuyên bố đã áp đặt thêm các lệnh trừng phạt nhằm vào Bộ trưởng Truyền thông Iran - Mohammad Javad Azari Jahromi, sau khi chính quyền Tehran chặn đường truyền Internet giữa lúc làn sóng biểu tình bạo lực lan rộng để phản đối giá nhiên liệu tăng.
“Chúng tôi đang áp lệnh trừng phạt nhằm vào Bộ trưởng Công nghệ Thông tin và Truyền thông của Iran vì hạn chế quyền truy cập Internet, trong đó bao gồm nhiều ứng dụng nhắn tin phổ thông vốn giúp hàng chục triệu người dân Iran được kết nối với nhau và với thế giới bên ngoài” - Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói trong một tuyên bố.
“Giới lãnh đạo của Iran biết rằng Internet cởi mở và tự do đe dọa tới họ, bởi vậy họ tìm cách kiểm soát đường truyền Internet để dập tắt các cuộc biểu tình chống chính quyền” - ông Mnuchin nói thêm.
Bộ Tài chính Mỹ cho hay, ông Azari Jahomi là một cựu quan chức thuộc Bộ Tình báo của Iran, người đã luôn ủng hộ việc tăng cường kiểm soát Internet ở nước này kể từ khi nhậm chức Bộ trưởng Truyền thông cách đây 2 năm. Vị quan chức này “cũng tham gia vào một chương trình theo dõi chống lại các nhà hoạt động đối lập”- Bộ Tài chính Mỹ cho hay.
Lệnh trừng phạt mới sẽ đóng băng tài sản và tài chính của ông Azari Jahomi ở Mỹ, cấm công dân hay doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt là các ngân hàng, giao dịch với ông này.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn cáo buộc Iran ngăn chặn Internet để che đậy “sự chết chóc và bi kịch” của tình trạng biểu tình. “Iran đã trở nên bất ổn đến nỗi chính quyền phải cắt hoàn toàn Internet, để người dân Iran không thể nói chuyện về tình trạng biểu tình bạo lực đang diễn ra trong nước”- ông Trump nói.