Việc mang những câu chuyện lịch sử vào các gameshow, MV ca nhạc… đang tạo nên các hiệu ứng tích cực mang đến làn gió mới cho nhạc trẻ Việt.
Lan tỏa tình yêu lịch sử
Thời gian qua, nhiều bạn trẻ đã thể hiện và lan tỏa tình yêu lịch sử bằng những MV, gameshow, trang phục cổ trang. Bằng ngôn ngữ nghệ thuật, những câu chuyện lịch sử đang trở nên “tươi mới”, gần gũi hơn với công chúng.
Mới đây nhất, trong chương trình truyền hình “Anh trai vượt ngàn chông gai” phát trên sóng VTV3, lấy chất liệu từ văn hóa dân gian, tiết mục “Trống cơm” với sự tham gia của NSND Tự Long, ca sĩ Soobin Hoàng Sơn và Cường Seven đã tạo nên một sân khấu tràn đầy màu sắc và tinh thần văn hóa dân tộc, mang đến cho khán giả một phần trình diễn mãn nhãn và giàu cảm xúc.
Nói về tiết mục này, NSND Tự Long chia sẻ, chúng tôi giữ những nét văn hóa truyền thống trong “Trống cơm” để không làm mất đi bản sắc. Đối tượng khán giả có thể là thế hệ 6x, 7x cũng có thể là 2000 hoặc trẻ hơn nữa… nhưng họ vẫn thích nghe “Trống cơm”. Thông qua tiết mục biểu diễn, các nghệ sĩ mong muốn những người trẻ hiểu, tiếp cận nhiều hơn và thêm yêu vốn văn hóa dân gian của cha ông mình.
Cũng trong chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai”, nhóm nghệ sĩ trẻ Xương Rồng (Thanh Duy, Thiên Minh, Duy Khánh và Bùi Công Nam) đã kết hợp ca khúc “Áo mùa đông” và “Trở về”. Đây không chỉ là một màn trình diễn âm nhạc mà được xem như một hành trình kết nối lịch sử với hiện tại, đưa khán giả trẻ trở lại thời kỳ hào hùng của đất nước trong những năm đầu độc lập.
Không chỉ gameshow truyền hình, các câu chuyện lịch sử cũng đang là cảm hứng cho các sản phẩm âm nhạc. Nhiều ca sĩ trẻ khá thành công khi kể chuyện lịch sử bằng âm nhạc. Có thể kể đến các nghệ sĩ Ngô Hồng Quang, Hoàng Thùy Linh, Hà Myo, Phương Mỹ Chi... Hay sự kết hợp giữa âm nhạc dân gian với pop, rap, world music trong các sản phẩm âm nhạc như: “Về nghe mẹ ru” của NSND Bạch Tuyết và ca sĩ Hoàng Dũng; NSƯT Thoại Mỹ cùng ca sĩ H-Kray kết hợp trong “Phấn hoa màu son”; Hà Myo hát xẩm kết hợp với rap, nhạc điện tử trong “Xẩm Hà Nội”; Quân AP kết hợp Quan họ Bắc Ninh và rap, nhạc EDM trong “Giao duyên - Ngồi tựa mạn thuyền”...
Mới đây, đạo diễn Phạm Hoàng Nam, nhạc sĩ Đức Trí, biên đạo múa Tấn Lộc và nhà thiết kế Nguyễn Việt Hùng cùng “bắt tay” tạo nên một câu chuyện lịch sử đặc sắc trong chương trình nghệ thuật đặc biệt khai mạc Lễ hội Sông nước TPHCM lần 2 năm 2024 với chủ đề “Chuyến tàu huyền thoại”.
Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức sự kiện ra mắt album “Tinh hoa Đạo Học” Vol.1 của nhạc sĩ Đinh Khánh Ly. Album là sản phẩm nghệ thuật thuộc Chương trình trải nghiệm đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Những người kể chuyện
Dù là những câu chuyện cách đây hàng trăm đến hàng nghìn năm, nhưng thông qua ngôn ngữ nghệ thuật những câu chuyện lịch sử chưa bao giờ cũ, thậm chí còn đang trở nên tươi mới trong mắt công chúng. Ở đó, chính các nghệ sĩ đang trở thành những người kể chuyện, trở thành người tuyên truyền về lòng yêu nước, ý thức dân tộc.
Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, đây là tín hiệu đáng mừng, thông qua các sản phẩm âm nhạc vừa là cách thể hiện tình yêu với quê hương, đất nước của nghệ sĩ, vừa dễ chạm tới trái tim khán giả, đồng thời góp phần lan tỏa những giá trị truyền thống đến với giới trẻ, bảo tồn và làm nổi bật nét đặc sắc của nghệ thuật dân tộc.
Cũng theo ông Long, việc đưa chất liệu dân gian vào âm nhạc đương đại là rất đáng quý, cần khuyến khích. Vẫn là không gian, văn hóa, âm nhạc, câu hát quen thuộc, nhưng đã được mang âm hưởng trẻ trung, tươi mới. Việc làm mới này đã mang đến giá trị của thời đại, từ đó góp phần quảng bá hiệu quả giá trị di sản, văn hóa các vùng miền.
Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cũng chia sẻ, sự sáng tạo, làm mới, kết hợp âm nhạc truyền thống với hiện đại là điều khiến khán giả luôn chờ đợi, giúp người trẻ tiếp nhận văn hóa một cách rất nhẹ nhàng nhưng sâu lắng.
Có thể nói, những câu chuyện lịch sử khi được thể hiện bằng một loại hình nghệ thuật sẽ trở nên hấp dẫn hơn, mang đến cho công chúng những cảm xúc rất đặc biệt. Hơn tất cả, đó là góp phần tích cực trong việc mang văn hóa lịch sử dân tộc đến gần hơn với giới trẻ, để người trẻ thêm hiểu về nguồn cội dân tộc mình.
Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, một số nghệ sĩ trẻ ngày nay đã lấy yếu tố dân tộc làm chất liệu chính cho con đường âm nhạc của mình. Đây là một tín hiệu đáng mừng. Bên cạnh những nghệ sĩ gạo cội, các bạn trẻ đã tham gia tìm kiếm những giá trị mới trong âm nhạc đại chúng nhưng có sự kết nối với truyền thống, góp phần lan tỏa giá trị truyền thống dân tộc.