Trao đổi với Đại Đoàn Kết, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Ngọc Sơn cho rằng: Kê khai tài sản là một chủ trương đúng và phải thực hiện. Bởi kê khai tài sản nằm trong nội dung về phòng, chống tham nhũng nên rất cần thiết. Tuy nhiên không nên làm tràn lan mà nên có trọng điểm, tập trung vào một số người. Kê khai thấy hiện tượng mập mờ phải xử lý ngay. Không chứng minh được thì phải coi đó là tài sản không minh bạch, và phải kiểm tra, kết luận chặt chẽ, thu hồi.
Ông Dương Ngọc Sơn.
PV: Thưa ông, từ sai phạm của bà Hồ Thị Kim Thoa- Thứ trưởng Bộ Công thương trong vấn đề kê khai tài sản, cũng như những khối tài sản lớn của nhiều quan chức địa phương đang đặt ra những bất cập trong vấn đề kê khai tài sản. Vậy đã đến lúc chúng ta cần xác minh lại các bản kê khai nhất là những cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý?
Ông Dương Ngọc Sơn: Kê khai tài sản là một chủ trương đúng và phải thực hiện. Bởi kê khai tài sản nằm trong nội dung về phòng, chống tham nhũng nên rất cần thiết. Dù kê khai tài sản đã triển khai từ lâu nhưng làm lại chưa được tốt. Một số người chỉ kê khai nhưng kiểm tra thế nào? Nguồn gốc tài sản ra sao? Liên quan đến một số vụ từ Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường ở Yên Bái, hay bà Hồ Thị Kim Thoa có khối tài sản kếch xù thì giờ phải làm rõ. Chúng ta không làm tràn lan mà nên có trọng điểm, chỉ tập trung ở một số người. Kê khai thấy hiện tượng mập mờ phải xử lý ngay chứ hiện rất nhiều trường hợp chuyển cho vợ, con, rồi kê khai không đúng.
Do đó Đảng, Chính phủ phải làm nghiêm, và làm có trọng điểm. Như trường hợp bà Thoa có tài sản lớn như vậy phải yêu cầu giải trình nguồn gốc tài sản có do đâu? Và còn cái gì nữa không chứ không phải chỉ những cái công khai. Kê khai và phải chứng minh, đồng thời phải kiểm tra chặt chẽ, nếu chứng minh nguồn gốc tài sản không rõ ràng (hoặc không chứng minh được), tự nhiên giàu nhanh chóng, thì coi đó là tài sản không minh bạch, và phải xử lý theo tài sản không minh bạch chứ không thể cho qua.
Trong trường hợp người kê khai không chứng minh được nguồn gốc tài sản vậy chúng ta cần xử lý thế nào, theo ông?
- Không chứng minh được nguồn gốc tài sản do đâu thì đó là tài sản bất minh. Mà bất minh phải kiểm tra, kết luận chặt chẽ và thu hồi. Như nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền đã từng bị thu hồi tài sản. Phải làm như vậy thì mới được.
Khi thấy cán bộ giàu một cách bất thường chúng ta có cần xem lại kê khai không?
- Bây giờ quan trọng là phải kiểm tra và kiểm tra có trọng điểm, nhất là người lãnh đạo, có chức có quyền, người đứng đầu cơ quan đơn vị tổ chức thì phải kiểm tra. Chứng minh nguồn gốc tài sản chỉ là một chuyện, nhưng phải kiểm tra xem chứng minh có đúng hay không? Nếu không chứng minh được thì đó là tài sản không minh bạch. Từ đó ra kết luận và xử lý theo quy định của pháp luật, không để kéo dài.
Ông nghĩ sao khi vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành quy định về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của 1.000 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Phải chăng cũng đã đến lúc chúng ta cần thu gọn lại đối tượng?
- Khoanh gọn lại thì mới kiểm soát được. Cho nên Trung ương, Bộ Chính trị cần khoanh lại và làm cho đúng, nghiêm 1.000 trường hợp là tốt chứ đừng làm tràn lan, mà có phải trọng tâm trọng điểm.
Thưa ông, hồi bao cấp chúng ta quản lý cán bộ rất chặt, ai giàu lên thì bị xem xét tài sản. Tức là ngay từ lúc khó khăn đã đặt ra vấn đề này còn giờ khi kinh tế thị trường phát triển thì lại thiếu kiểm tra?
- Đó là do bệnh hình thức, kê khai nhưng có ai kiểm tra đâu? Bây giờ cần thắt lại và tập trung vào 1.000 trường hợp. Nhưng phải có kiểm tra chặt chẽ, và kết luận cho đúng.
Bản kê khai được nộp cho tổ chức. Nếu sinh hoạt chi bộ tại cơ quan có thể yêu cầu đảng viên giải trình rõ thêm về bản kê khai. Ông có nghĩ rằng ngay trong chi bộ đã kiểm soát chặt chẽ thì không để phát sinh?
- Nếu chi bộ mà làm được như vậy thì tốt, nhưng tôi sợ chi bộ không chặt chẽ, khó làm. Bởi không phải chi bộ nào cũng tốt cả, một số chi bộ sinh hoạt chỉ mang tính hình thức. Đúng là quan trọng vẫn là đấu tranh từ cơ sở, cơ sở mà làm nghiêm thì kiểm soát được tốt, bây giờ làm thế nào để các chi bộ thực sự làm cho đúng. Trong kê khai tài sản theo tôi quan trọng là tập trung vào đất đai, bất động sản, cổ phần cổ phiếu nhưng quan trọng nhất vẫn là đất đai. Đó là sơ hở của ta để cho một số người lợi dụng biến không hợp pháp thành hợp pháp qua việc chuyển nhượng tài sản cho con cháu, họ hàng.
Thưa ông, trước khi cán bộ được bổ nhiệm thì đã phải kê khai tài sản nộp cho cơ quan tổ chức. Vậy chúng ta cần xác minh chặt chẽ nguồn gốc tài sản trước lúc bổ nhiệm?
- Đúng như vậy. Phải kiểm soát tài sản chặt chẽ trước lúc bổ nhiệm chứ không phải chờ đến lúc lên chức. Ngay lúc kê khai trước khi bổ nhiệm đã kê khai không đúng, không trung thực mà cho lên chức là tạo cơ hội cho tham nhũng.
Trân trọng cảm ơn ông!