Sự cố sập cầu Phong Châu đã gây ảnh hưởng đáng kể đến mọi mặt của đời sống người dân khu 5, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Hiện tại, bà con trong khu vực chỉ biết chờ đợi đến ngày cầu Phong Châu hoàn thành thi công.
Cầu phao quân sự là phương án thay thế tạm thời để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong thời gian cầu Phong Châu được xây mới. Vào những ngày nước dâng cao không thể dùng cầu, bà con buộc phải đợi phà quân sự đưa đón, hoặc lựa chọn đi đường vòng gần 20km qua cầu Ngọc Tháp hay cầu Trung Hà để qua được bên kia sông. Nhằm đảm bảo sự an toàn cho người dân và phục vụ công tác bảo trì, trục vớt, cầu phao quân sự chỉ cho phép các phương tiện lưu thông trong khung giờ từ 5h30 tới 21h hàng ngày.
Những ảnh hưởng nặng nề từ sự cố
Cách cầu Phong Châu 300m, ngôi nhà của ông Cao Bộ Sơn kể từ ngày cầu sập đã liên tiếp gặp những dấu hiệu sạt lở, nứt vỡ. Cụ thể, phần đất xung quanh ngôi nhà đã bị sụt lún khoảng 7cm so với hiện trạng ban đầu. Chịu ảnh hưởng nghiêm trọng hơn là khu vực ngoài rìa căn nhà, đất đã hoàn toàn sụt lún, để lại căn nhà kho “chênh vênh”. Ngoài ra, là ngôi nhà ở phía ngoài cùng của khu 5, nhìn trực tiếp ra cầu Phong Châu, căn nhà của ông Cao Bộ Sơn phải hứng chịu lượng khói bụi dày đặc, gây khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.
Trong khoảng thời gian chờ cầu Phong Châu hoàn thiện, người dân nếu muốn đi từ huyện Tam Nông đến cầu phao nhanh nhất sẽ phải đi qua con đường làng nhỏ, hẹp tại khu 5 xã Hương Nộn, giáp ngôi nhà của ông Cao Bộ Sơn. Do phải chịu số lượng lớn phương tiện di chuyển qua lại với tần suất liên tục, một phần đất bê tông tại con đường này đã bị nứt vỡ. Được biết khu vực này có đường nước ngầm ở phía dưới, nếu tình trạng trên kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn nước sạch của bà con trong vùng.
Không chỉ có những người dân lao động, một số lượng lớn các em học sinh cũng phải di chuyển qua cầu phao hàng ngày để đến trường. Em Nguyễn Thị Minh Hiền, học sinh trường THPT Tam Nông chia sẻ, mỗi lần nước sông dâng lên, cầu phao bị tháo dỡ, các em buộc phải đợi phà quân sự để qua bờ bên kia, có hôm đợi phà mất 3 giờ đồng hồ do số lượng người đông, phà di chuyển khó khăn.
Cô Nguyễn Thị Hương, một người dân sinh sống tại huyện Tam Nông, hiện đang làm việc trong Khu công nghiệp tại thành phố Việt Trì chia sẻ, chỉ riêng công ty cô đã có tới gần 500 người ở Tam Nông, tất cả đều phải chịu sự khó khăn trong việc di chuyển kể từ sau sự cố sập cầu. Trước đây công nhân thường làm việc đến 20h, nhưng kể từ khi sập cầu và phải dùng cầu phao, công nhân buộc phải dừng công việc vào 18h để về kịp trước khi cầu cấm phương tiện lúc 21h. Giảm giờ làm, đồng nghĩa với việc mức lương cũng bị giảm đi đáng kể. Ngày 18/10, cô Hương cùng các đồng nghiệp đã viết đơn xin công ty hỗ trợ và đang đợi hồi âm.