Bỏ ra gần 15.000 tỷ đồng để nhập khẩu rau củ quả, trái cây trong 6 tháng đầu năm, trong khi đây lại là lĩnh vực chủ chốt của sản xuất nông nghiệp Việt Nam, đó thực sự là điều đáng phải suy nghĩ. Đứng trước thực tế này, hẳn các doanh nghiệp, nhà quản lý không thể không trăn trở.
Lô vải thiều Lục Ngạn đầu tiên nằm trên kệ siêu thị ở Thái Lan.
Chi gần 15.000 tỷ đồng nhập khẩu rau quả
Là một nước có thế mạnh về phát triển nông nghiệp với trên 70% dân số làm nông nghiệp, nhưng con số mà cơ quan quản lý vừa công bố mới đây đặt ra nhiều vấn đề rất đáng suy nghĩ.
Thống kê sơ bộ của Bộ NNPTNT, giá trị nhập khẩu rau quả 6 tháng đầu năm nay ước đạt 655 triệu USD (tương đương 14.890 tỷ đồng), tăng hơn 87% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, mặt hàng trái cây chiếm khoảng 507 triệu USD, tương đương 11.525 tỷ đồng.
Khoảng hai năm trở lại đây, Thái Lan vượt mặt Trung Quốc để vươn lên ngôi vị dẫn đầu về giá trị xuất khẩu trái cây vào Việt Nam. Cụ thể, Việt Nam đã chi hơn 376 triệu USD, tương đương khoảng 8.560 tỷ đồng để nhập khẩu trái cây từ Thái Lan trong nửa đầu năm nay. Như vậy, rõ ràng,… Việt Nam đang sử dụng một nguồn tài chính không nhỏ để nhập khẩu chính những sản phẩm mà ở trong nước sản xuất được, thậm chí là tồn ứ.
Trước thực trạng này, theo giới chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp (DN) Việt, chỉ còn một con đường duy nhất là đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu để làm sao mở rộng càng nhiều thị trường xuất khẩu càng tốt. Và trên thực tế, nhà quản lý cũng như các DN rất đang nỗ lực trong việc đẩy mạnh xuất khẩu, tìm thị trường để đưa các sản phẩm nông sản Việt Nam ra nước ngoài.
Bộ Công thưỡng đã có nhiều động thái nhằm đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm nông sản nước ngoài. Gần đây nhất, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã làm việc với bên Bộ Thương mại Úc với mục đích để thị trường này mở cửa nhập khẩu nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam. Cụ thể, sau khi mở cửa thị trường Australia cho vải thiều và xoài, Bộ Công Thương và Bộ NNPTNT đang tích cực trao đổi, làm việc với phía Australia để tiếp tục cho một số loại quả tươi như thanh long, chôm chôm, vú sữa, nhãn… của Việt Nam được nhập khẩu vào Australia, trước mắt là khẩn trương hoàn tất thủ tục nhập khẩu cho quả thanh long.
Nhiều giải pháp kéo giảm nhập siêu hoa quả
Thanh long là mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt 895,7 triệu USD, chiếm tỷ trọng 50,3% trong xuất khẩu trái cây tươi và 36,1% trong tổng xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Tại thị trường Australia, Bộ Công thương cũng đã có nhiều động thái nhằm đẩy mạnh xuất khẩu thanh long sang thị trường này. Kết quả là, trung tuần tháng 6 vừa qua, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam đã có công thư gửi Bộ trưởng Bộ Công thương cập nhật thông tin về tiến độ công tác mở cửa thị trường đối với quả thanh long tươi của Việt Nam và cũng đề xuất được hỗ trợ Việt Nam trong việc xin phép Cơ quan Quản lý An toàn thực phẩm Australia - New Zealand để sử dụng phương pháp chiếu xạ cho quả thanh long tươi khi xuất khẩu sang Australia.
Mới đây nhất, hôm 30/6 vừa qua, lô vải thiều Lục Ngạn đầu tiên đã đến chính là Thái Lan. Trước đó, trong dịp khai mạc Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) tại Hà Nội 2017 vừa diễn ra cách đây 3 tuần, BigC Việt Nam và Central Group Việt Nam cũng lần đầu tiên giới thiệu những trái vải thiều Lục Ngạn có thương hiệu riêng, đóng hộp với đủ thông tin: chứng nhận Viet GAP, mã vạch truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, in logo nhãn mác bắt mắt. Đây chính là loại vải thiều được đem xuất khẩu sang Thái Lan trong lần đầu tiên này.
Theo ông Đặng Hoàng Hải - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công thương), việc lần đầu tiên trái vải thiều Lục Ngạn được xuất khẩu thành công sang Thái Lan và được bày bán tại chuỗi phân phối của Tập đoàn Central Group là một thành công lớn đối với lĩnh vực xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Đây là bước tiến quan trọng để mặt hàng nông sản Việt Nam chiếm được sự tin tưởng về chất lượng của người tiêu dùng Thái Lan. Bộ Công Thương hy vọng trong tương lai, không chỉ trái vải mà còn nhiều các sản phẩm nông sản phong phú khác của Việt Nam cũng lấy được niềm tin của người tiêu dùng Thái Lan nói riêng và người tiêu dùng trên thế giới nói chung”- ông Hải nhận định.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, trong bối cảnh nhiều loại trái cây ngoại đang tràn vào Việt Nam có xu hướng gia tăng, việc DN Việt xuất khẩu thành công lô hàng vải thiều sang Thái Lan mới đây mở ra tín hiệu vui cho người nông dân trồng vải thiều, đồng thời đây cũng là cơ sở để các loại trái cây khác của Việt Nam xuất khẩu ngược trở lại sang Thái Lan, tận dụng cơ hội các dòng thuế xuất nhập khẩu đã được cắt giảm theo cam kết của Cộng đồng kinh tế chung ASEAN. Và đặc biệt, điều này cũng sẽ góp phần giúp Việt Nam giảm dần nhập siêu trái cây từ Thái Lan như hiện nay.
“Hàng Việt cất cánh” Đó là chủ đề của Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao - Bình Định lần thứ 11 năm 2017, đã khai mạc vào tối ngày 4/7, tại TP Quy Nhơn. Hội chợ thu hút khoảng 400 gian hàng tiêu chuẩn của 150 DN, trong đó tỉnh Bình Định có 16 DN tham gia, với nhiều loại sản phẩm nổi bật tại địa phương như bún, bánh, trà gừng, trầm hương, gốm sứ… Bên cạnh đó, Hội chợ còn có các mặt hàng như: Dệt, may, da, hóa mỹ phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ, vật liệu xây dựng, trang trí nội thất, văn phòng phẩm, hàng gia dụng, kim khí điện máy… Hội chợ sẽ diễn ra hết ngày 9/7. V.Nhất |