Giáo dục

Kéo giảm tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”

Thu Hương 12/01/2024 08:23

Giai đoạn 2016 - 2020 số lượng học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề là 980.620 học sinh, chiếm khoảng 66,83% so với tổng số học sinh vào học trung cấp, tương ứng mỗi năm có khoảng trên 196.124 học sinh tốt nghiệp THCS vào học trình độ trung cấp.

anhduoigiua.jpeg

Chính sách đã có, thực thi vẫn vướng

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay nhu cầu và số lượng người học vừa học văn hóa vừa học nghề ngày càng lớn. Đa phần các đối tượng này đều thuộc các gia đình không có điều kiện kinh tế. Vì vậy chính sách miễn học phí cho học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề bậc trung cấp là phù hợp, khuyến khích người học chủ động phân luồng sau THCS, lựa chọn lối đi phù hợp với năng lực và điều kiện gia đình, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao trình độ của học sinh.

Nghị định 81 ngày 27/8/2021 của Chính phủ thay thế cho Nghị định 86 trước đó quy định, đối với người tốt nghiệp trình độ THCS học tiếp lên trình độ trung cấp và theo học các nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được miễn, giảm học phí từ 70% đến 100%. Quy định đã có song người học vẫn gặp vướng mắc trong thủ tục, chậm trễ trong việc được nhận khoản cấp bù học phí khi về địa phương. Ghi nhận tại một số trường trung cấp, có những học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề đã ra trường nhưng vẫn chưa nhận được tiền học phí cấp bù theo quy định của Nghị định 81. Điều này vừa gây khó khăn cho người học, vừa khiến nhà trường thiếu kinh phí để hoạt động.

Nguyễn Mạnh Cường - học viên Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành cho biết, khi tuyển sinh, nhà trường thông tin học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề sẽ được nhà nước hỗ trợ học phí 4 học kỳ (trong giai đoạn học bậc trung cấp). Các em chỉ đóng một khoản học phí cho việc học môn văn hóa và không phải đóng bất kỳ một khoản nào khác. Tuy nhiên, khi vào học, dù nhà trường đã hoàn thiện hồ sơ và nộp về Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương nhưng sau nhiều lần đi lại, gia đình vẫn chưa nhận được tiền cấp bù học phí dù hồ sơ đã đầy đủ theo quy định.

Tương tự, nhiều học sinh của các trường trung cấp khác trên cả nước cũng chưa được giải quyết nhận khoản tiền này, trong khi có những em hoàn cảnh gia đình khó khăn phải đi vay tiền để đóng học phí. Nguyên nhân được lý giải là do nhiều địa phương chưa nhận văn bản chỉ đạo thực hiện Nghị định 81, cũng như chưa nhận kinh phí cấp bù học phí khiến cho việc triển khai chậm trễ.

anhbaitren(2).jpg
Trường nghề đã thu hút người học. Ảnh: Lam Nhi.

Cần vào cuộc quyết liệt

Tại Chỉ thị số 21 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, một trong những mục tiêu đặt ra là phấn đấu đến năm 2030 thu hút 50 - 55% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Giải pháp được nhấn mạnh là tăng cường công tác hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, thực hiện tốt việc phân luồng, tăng tỉ lệ học sinh sau THCS vào giáo dục nghề nghiệp; thực hiện vừa đào tạo nghề vừa dạy văn hoá tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, để học sinh tốt nghiệp vừa có bằng THPT vừa có bằng nghề bảo đảm chất lượng, có điều kiện tham gia thị trường lao động và cơ hội tiếp tục học tập, nâng cao trình độ; có chính sách khuyến khích học sinh khá, giỏi vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Dẫu vậy, để người học chủ động lựa chọn hướng đi học nghề thay vì nhà trường, giáo viên chủ nhiệm “ép” xuống như hiện tượng xảy ra ở một số trường mỗi mùa tuyển sinh vào lớp 10 cần nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, cấp bù học phí cho người học tốt nghiệp THCS tham gia học nghề là chính sách lớn của Chính phủ nhằm phân luồng học sinh sau cấp THCS, khuyến khích học sinh đi học nghề, giảm bớt tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”.

Tuy nhiên, làm sao để việc cấp bù này thuận lợi, nhanh chóng khi nhà trường đã hoàn thiện hồ sơ cho học sinh là câu chuyện phụ thuộc vào từng địa phương. Ngoài việc ban hành các thông tư hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan chức năng, còn cần sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt từ phía các địa phương bởi nếu hồ sơ đã có nhưng địa phương chậm trễ trong việc phê duyệt cũng khó cho người học. Theo đó, cần tăng cường giám sát chặt chẽ vấn đề này, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của học sinh học nghề.

Bên cạnh đó, một số trường nghề ngoài công lập đề xuất để thu hút học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề, cần tạo điều kiện để nhà trường được nhận kinh phí hỗ trợ như với trường công lập. Nhà trường sẽ tổ chức hoàn trả cho học sinh và gia đình theo đúng quy định pháp luật và chịu trách nhiệm về vấn đề này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kéo giảm tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO