Liên quan đến lộ trình sửa thuế thu nhập cá nhân, ông Nguyễn Văn Được - Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, cho rằng khoảng cách giữa các bậc thuế hiện nay gây nhiều tranh cãi và cần thiết phải kéo giãn.
PV: Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng việc sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân càng chậm người lao động càng chịu thiệt thòi?
Ông NGUYỄN VĂN ĐƯỢC: Phải đến năm 2023 mới đưa nội dung sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) vào các chương trình làm việc của Quốc hội được. Rồi các nội dung sửa còn soạn thảo, may ra đến 2024 mới có hiệu lực. Bây giờ có thể ban hành Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh, ví dụ như mức giảm trừ gia cảnh, các bậc tính thuế. Còn các nội dung khác phải trình và chờ Quốc hội.
Bất cập được dư luận đề cập nhiều nhất chính là cách tính thuế TNCN, vấn đề giảm trừ cho người phụ thuộc. Ý kiến của ông?
- Thực ra Bộ Tài chính hay Tổng cục Thuế đang áp dụng cách tính dựa vào Luật. Về lý mà nói, cách tính này hiện nay đang làm đúng luật. Đúng luật nhưng lại chưa phù hợp, chưa sát với thực tế cuộc sống, muốn hợp lý chúng ta phải sửa đổi toàn bộ. Bởi luật quy định khi CPI tăng 20% so với thời điểm Luật Thuế TNCN có hiệu lực thi hành, hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh. Nên chờ lạm phát thay đổi đến mốc ấy thì thời gian quá dài. Chưa kể mỗi năm đời sống của người dân lại thay đổi nên áp dụng mức tính giảm trừ gia cảnh như hiện nay sẽ gây thiệt cho người lao động.
Khoảng cách giữa các bậc thuế hiện nay cũng quá dày?
- Quan trọng là phải giãn các bậc thuế để tạo sự đồng thuận của người nộp thuế, đặc biệt cần giãn khoảng cách ở bậc 1 và bậc 2 thật lớn để khoan sức dân đối với những đối tượng có thu nhập trung bình sẽ được hưởng lợi. Đồng thời thu hẹp khoảng cách bậc thuế ở các bậc thuế cao nhằm động viên thu ngân sách nhà nước đối với những đối tượng có thu nhập cao, từ đó thực hiện được chính sách phân phối thu nhập.
Chia làm 7 bậc là nhiều nên tính toán phức tạp và khó khăn. Do đó, nên rút ngắn xuống còn 4 - 5 bậc để thuận tiện cho người nộp thuế cũng như cơ quan thuế từ đó giảm chi phí xã hội. Theo tôi có thể cân nhắc mức thuế TNCN 35% nhằm tạo sự cạnh tranh giữa các nước trong khu vực để thu hút lao động có trình độ, tay nghề cao đồng thời có thể thu hút nguồn thu khi thuế suất của chúng ta thấp hơn các nước trong khu vực.
Ví dụ một chuyên gia nước ngoài đi làm với cùng điều kiện lao động và cùng mức thu nhập 10.000 USD tại Việt Nam và Singapore, nhưng tại Singapore thuế TNCN chỉ mức 22% thì họ sẽ lựa chọn Singapore thay vì Việt Nam với mức 35%. Mặc khác, hiện nay cũng có tình trạng chuyên gia nước ngoài được trả thu nhập hai nơi là Việt Nam và nước ngoài. Như vậy, nếu chúng ta giảm mức thuế suất TNCN xuống thấp hơn các nước trong khu vực thì người lao động sẽ có xu hướng chuyển thu nhập về Việt Nam. Vì thế cần sửa luật hợp tình, hợp lý hơn. Nếu với những người thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống vẫn phải nộp thuế TNCN thì tính hiệu quả của luật sẽ không cao.
Trân trọng cảm ơn ông!