Kéo khách Tây về làng xem rối nước

Văn Cường 09/11/2016 13:10

Bây giờ, người dân thôn Bồ Dương, xã Hồng Phong, huyện Ninh Giang (Hải Dương) chẳng còn lạ gì “Tây” nữa. Bởi hàng tuần, hàng tháng, các đoàn khách du lịch đến từ các nước Pháp, Anh, Đức, Mỹ, Italia, Tây Ban Nha, Nhật Bản… về xem biểu diễn rối nước, khiến làng rộn ràng hẳn.

Kéo khách Tây về làng xem rối nước

Khách du lịch nước ngoài thích thú xem các nghệ nhân phường Rối nước Hồng Phong biểu diễn.

27 năm tìm cách “giải mã”

Đến bây giờ người dân Hồng Phong đã quá quen thuộc với hình ảnh khách Tây về làng xem múa rối nước rồi. Nhưng để có khách nước ngoài về xem rối nước là cả một quá trình đi tìm để “kéo” khách về xem - Phạm Văn Tòng, Trưởng phường Rối nước Hồng Phong nhớ lại.

Ông Tòng kể, hành trình “kéo” khách Tây về làng xem rối nước: “Sau khi được khôi phục, ban đầu phường chỉ biểu diễn mỗi khi trong làng, trong xã có lễ hội hoặc sự kiện trọng đại. Mỗi năm chỉ biểu diễn vài ba bận vậy thôi, khiến anh em không khỏi trăn trở Nếu khôi phục chỉ để một năm biểu diễn vài ba buổi, chẳng mấy lại tan rã. Lúc này, toàn thành viên trong phường cùng đặt ra câu hỏi tồn tại hay không tồn tại?

Câu trả lời đã được phường tìm cách “giải mã” trong suốt 27 năm qua. Một mặt, phường tích cực tham gia các hoạt động văn hóa trong huyện, trong tỉnh cho đến cả nước (trong điều kiện có thể) để anh em trong phường thường xuyên được luyện tay nghề múa rối, đồng thời quảng bá đến đông đảo người dân biết về rối nước Hồng Phong.

Cụ thể, năm 1994, phường tham gia Hội diễn múa rối nước toàn quốc, đoạt huy chương vàng. Tiếp đó, phường được Hiệp hội Múa rối nước Việt Nam công nhận là thành viên chính thức của Hiệp hội, được Hiệp hội tạo điều kiện thuận lợi về đào tạo diễn viên, chế tác con rối, giao lưu biểu diễn với các phường rối trong cả nước.

Hay những năm gần đây, phường thường xuyên đi lưu diễn ở nhiều nơi trong và ngoài nước như: biểu diễn ở lễ hội chùa ở Quỳnh Thọ (tỉnh Thái Bình), diễn ở Bảo tàng Dân tộc học (TP Hà Nội), đi diễn phục vụ tuần văn hóa tại thị trấn Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu) và đi giao lưu Tuần văn hóa Pháp tại thủ đô Paris, nước Pháp.

Sau bao nỗ lực, hiện nay rối nước Hồng Phong đã nổi tiếng trong và ngoài nước. Từ năm 2002, nhất là những năm gần đây phường đã “kéo” được đông đảo khách du lịch nước ngoài về xem múa rối nước. Theo báo cáo của phường rối nước Hồng Phong, từ năm 2012 đến nay, đã có 1.079 đoàn, với 12.586 lượt khách nước ngoài về xem biểu diễn.

Trong đó, năm ít nhất như năm 2012 cũng thu hút 151 đoàn với 2.217 khách; năm 2013 thu hút 257 đoàn với 3.392 khách; năm 2014 thu hút 304 đoàn, với 2.522 khách; năm 2015 thu hút 217 đoàn, với 2.455 khách. Còn từ đầu năm 2016 đến nay đã đón khoảng 150 đoàn với khoảng 2.000 khách. Khách nước ngoài chủ yếu là khách Pháp, Đức, Mỹ, Tây Ban Nha, Ý, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Kéo khách Tây về làng xem rối nước - 1

Nghệ nhân phường rối đang chuẩn bị đưa con rối ra biểu diễn.

Giữ khách bằng tích trò độc đáo

Ông Phạm Văn Tòng cho biết: “Ngoài xem biểu diễn múa rối nước, khách nước ngoài rất thích tìm hiểu lịch sử của phường rối nước hình thành thế nào. Mình giới thiệu lịch sử của phường có từ thế kỷ XVII, thời nhà Lê, đến nay khoảng hơn 300 năm tuổi. Biết được lịch sử của phường họ thích lắm. Ngoài ra, du khách còn thích sự độc đáo của các tích trò, cách điều khiển con rối nữa”.

Tìm hiểu thêm được biết, các thế hệ nghệ nhân của phường đã nhớ lại, phục dựng lại được nhiều tích trò cổ với khoảng 30 tích trò như: “Thần Kim Quy dâng lửa đốt đá quý”, “Múa Tễu giáo đầu”, “Vinh quy bái tổ”, “Múa rồng”, “Múa tiên”, “Đấu ngựa cửa sóc”, “Tiên đơn mừng hội”, “Chọi trâu”…

Ngoài ra Phường còn sáng tác nhiều tích trò mới như: “Lê Lợi hoàn kiếm”, “Chiến thắng Điện Biên Phủ” và những tích trò phù hợp hơn với cuộc sống hiện nay múa ca ngợi nông nghiệp, đánh bắt cá… Nhiều trò chỉ có ở phường rối nước Hồng Phong, chứ các phường rối khác không có.

Ông Nguyễn Văn Chương, Phó Trưởng phường cho biết: Nhiều tích trò cổ của phường rất hấp dẫn, trong đó đặc sắc hơn cả là múa rối cổ, rối dây mà điển hình là tích trò “Thần Kim quy dâng lửa đốt đá quý”, cầu phúc cầu an cho dân làng. Trong tích trò có pháo thăng thiên bay lên, đó là hiệu lệnh bật cờ cho sân khấu rối nước…

Điều độc đáo nữa là trong cách điều khiển con rối cũng khác biệt với các phường rối khác. Trong khi nhiều phường rối điều khiển con rối bằng hệ thống sào hoặc sào kết hợp với dây thì các nghệ nhân ở đây điều khiển con rối gọi là hệ chuyển động dưới nước chỉ gồm các cọc được đóng dưới đáy ao, dây và các ròng rọc. Bí quyết nằm ở cách bố trí hệ thống sao cho có thể điều khiển được con rối có những cử động rất phức tạp, sinh động và có thể chạy rất xa.

Nhiều hướng dẫn viên du lịch cho biết: “Chính vì sự độc đáo đó, nên các tích trò của phường rối nước Hồng Phong khi biểu diễn đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách quốc tế”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kéo khách Tây về làng xem rối nước