Kinh tế

Kết nối đặc sản địa phương về thị trường tiêu thụ lớn nhất nước

TRUNG HẬU 21/12/2023 21:54

Đây là nhấn mạnh của ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP HCM tại Hội nghị kết nối cung cầu giữa TP HCM và các tỉnh, thành năm 2023, đang diễn ra tại TP HCM từ ngày 21 đến ngày 24/12/2023.

W_z4996888386212_7e6892a625c3812dec875ad49c1e1983.jpg
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng phát biểu khai mạc Hội nghị.

Tại Lễ khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, năm 2023, TP HCM cùng 38 tỉnh, thành phố trên cả nước đã xây dựng kế hoạch triển khai "Chương trình hợp tác phát triển kinh tế xã - hội đến năm 2025" với mục tiêu phát huy thế mạnh của từng địa phương, đóng góp vào sự phát triển chung của kinh tế cả nước.

Ông Dũng cũng cho rằng, thông qua Hội nghị lần này là sự cụ thể hóa chương trình kết nối cung cầu liên vùng, đồng thời là một hoạt động nhằm cụ thể hóa cam kết của lãnh đạo TP HCM trước đó.

Ghi nhận tại ngày khai mạc hội nghị, nhiều sản phẩm địa phương đã được tổ chức giới thiệu tại thị trường tiêu thụ lớn nhất nước ngay vào thời điểm cận Tết Nguyên đán, với rất nhiều vật phẩm là những sản phẩm tiêu biểu của các tỉnh thành đã được giới thiệu tại sự kiện.

W_z4996888409534_a10b374f40694cb123a01c3b17d29012.jpg
Tại Hội nghị, các sản phẩm đặc sản địa phương từ miền Trung, miền Bắc được giới thiệu tại thị trường tiêu thụ TP HCM.

Ông Trương Văn Nghĩa, đại diện cơ sở trầm hương Nghĩa Trương, từ tỉnh Quảng Nam tham gia Hội nghị kỳ vọng: việc quảng bá các sản phẩm độc đáo mà những nghệ nhân xứ Quảng đã dày công chế tác là niềm tự hào rất lớn của mình. Trong khi đó, tại một gian hàng của tỉnh Quảng Trị, những chai nước mắm truyền thống Gia Đẳng cũng được anh Đoàn Văn Lương, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Hải Long tự hào giới thiệu, đã rất tụ hào là một thương hiệu nước mắm vốn đã khẳng định được thương hiệu từ địa phương, mang hương vị đậm đà tình quê của người Quảng Trị đến với TP HCM.

Thông qua sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương, người tiêu dùng ở TP HCM được tiếp cận, có cơ hội trải nghiệm hàng nghìn đặc sản của cả nước. Cùng với đó, nhiều hệ thống phân phối lớn tổ chức khu vực riêng để trưng bày và bán sản phẩm OCOP như Coopmart, BigC, Top Market, Satra, MM Mega Market… và nhiều sản phẩm OCOP được người tiêu dùng đón nhận một cách tích cực.

Cũng tại Hội nghị, bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, nhu cầu tiêu dùng giảm, dẫn tới hoạt động sản xuất của Việt Nam bị thu hẹp, hàng loạt doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Do đó, việc đẩy mạnh các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước được xác định là đòn bẩy kinh tế hữu hiệu, giúp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần tăng trưởng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.

“Hội nghị kết nối cung-cầu hàng hóa giữa TP HCM và các tỉnh, thành phố lần thứ 12 cùng chuỗi các sự kiện tại hội nghị có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với phát triển kinh tế TP HCM, mà còn là động lực tăng trưởng cho các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước. Đây là một giải pháp hữu hiệu để cung ứng hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán”, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kết nối đặc sản địa phương về thị trường tiêu thụ lớn nhất nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO