Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, chính quyền thành phố cam kết đồng hành với doanh nghiệp (DN), xem khó khăn của DN cũng chính là khó khăn của mình. Thành phố sẽ tập trung hỗ trợ sản xuất kinh doanh, ngăn chặn sự phá sản của DN, đặc biệt là đảm bảo tính thanh khoản của DN.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, thành phố có gần 40% DN phá sản, đóng cửa, tạm ngưng hoạt động. Cụ thể, có 2.015 DN hoàn tất thủ tục giải thể tại Sở, tăng 16,41% so với cùng kỳ. Ngoài ra còn có hơn 7.200 DN tạm ngưng hoạt động, tăng 33,9% so với cùng kỳ. Hiện nay tổng số DN lũy kế còn trên hệ thống là 423.676 DN.
Với những khó khăn nội tại, cộng đồng DN mong có chính sách hỗ trợ tín dụng kịp thời để xoay vòng sản xuất. Theo Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, quý 1 ngành này có tăng trưởng nhưng lợi nhuận giảm, do hoạt động xuất nhập khẩu giảm, giao thương trong nước bị ngưng trệ, mức tiêu thụ giảm dần. Giờ phút này DN rất cần hỗ trợ của ngân hàng. Trên thực tế, ngành chế biến lương thực, thực phẩm có tính vụ mùa. Đặc biệt trong thời gian vừa qua ngành này cùng với thành phố đảm bảo các mặt hàng thực phẩm thiết yếu phải cung ứng đủ, ổn định thị trường cho 13 triệu dân thành phố, thậm chí có DN chiếm thị phần lớn của cả nước.
Do đó, khi đại dịch Covid-19 được khống chế, ngành hàng này rất cần được hỗ trợ để có sức bật lên nhanh chóng và mạnh mẽ.
Băn khoăn nhiều về những thách thức mà DN đang gặp phải, ông Trần Việt Anh- Chủ tịch Hiệp hội Cao su nhựa TP HCM ví von: “Các ngành, các cấp phải xem việc cứu DN như cứu hỏa. Hiện nay DN đang rất yếu, phải thở bằng oxy. Nếu hỗ trợ không kịp thời thì nguy cơ tắt thở và chết lâm sàng”. Theo ông Trần Việt Anh, mong muốn các ngân hàng thương mại thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ DN nhanh hơn, chính xác và đúng đối tượng. Riêng những đối tượng không thuộc diện hỗ trợ cũng nên quan tâm, tạo điều kiện. Bởi vì, một số DN có thể vượt qua bão dịch bệnh tốt nhưng khi khởi động lại cũng bị ảnh hưởng từ thị trường tiêu thụ. Giới chuyên gia cũng như DN nhận định, đây là thời điểm tốt để thực hiện kết nối ngân hàng với DN. Trước đó TP HCM đã thực hiện rất tốt chương trình này. Giờ nên đẩy mạnh kết nối ngân hàng với DN nhằm giảm thiểu khó khăn về thanh khoản cho các nhà sản xuất.
Mong muốn DN sớm tiếp cận vốn vay Hiệp hội DN thành phố phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM thiết lập cơ chế thông tin nhanh danh sách các DN bị thiệt hại do dịch Covid-19 đang nợ ngân hàng hoặc chưa tiếp cận vay vốn được ngân hàng để hỗ trợ kịp thời. Ông Nguyễn Hoàng Minh- Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết: “Hiệp hội DN TP HCM đánh giá, nếu ngân hàng không quan tâm đến đối tượng DN này thì đến kỳ hạ trả nợ, lãi chắc chắn mức độ thiệt hại của DN sẽ lớn hơn nhiều. Lúc đó nguy cơ DN bị phá sản, không thể trả nợ cho ngân hàng”.
Chia sẻ và đồng hành
Đề cập đến vấn đề chia sẻ khó khăn cùng DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Ngân hàng Vietinbank cho hay, ngân hàng vừa phải hỗ trợ DN vượt khó, vừa giảm lợi nhuận. Dự kiến lợi nhuận của ngân hàng sẽ giảm từ 3.000 – 4.000 tỷ đồng thông qua các hoạt động hỗ trợ. Chia sẻ khó khăn, thách thức của khách hàng, đại diện Ngân hàng Agribank khẳng định: “Ngân hàng cũng là DN và là “rốn” hứng chịu những tác động sâu sắc hơn, song chúng tôi luôn đồng hành cùng DN. Bằng chứng, cho đến thời điểm này Agribank có đủ điều kiện, hành lang pháp lý hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn. Cụ thể, đơn vị cho ra đời gói tín dụng 100.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường”. Ngoài gói tín dụng lãi suất thấp, ngân hàng xác định có 154.000 tỷ đồng nợ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Trong đó, cơ cấu miễn giảm lãi khoảng 43.000 tỷ đồng cho 10.000 khách hàng. Riêng tại TP HCM, xác định có 25.200 tỷ đồng trên tổng 117.000 dư nợ gặp khó khăn, vì vậy ngân hàng cơ cấu miễn giảm 15.000 tỷ đồng cho 992 khách hàng.
Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM, việc hỗ trợ lãi suất, cơ cấu lại nợ cho DN và giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới với lãi suất thấp cho DN đến cuối tháng 4 đạt 290.577 tỷ đồng cho gần 224.000 khách hàng. Cụ thể, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 162.754 khách hàng với dư nợ đạt 51.083 tỷ đồng, miễn giảm lãi cho 17.758 khách hàng với dư nợ đạt 48.771 tỷ đồng... Đến ngày 25/5, thông qua phối hợp với các đơn vị, sở ngành Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM đã tiếp nhận 409 trường hợp DN khó khăn. Trong đó, đang xử lý 214 trường hợp, đã có kết quả xử lý 195 trường hợp. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM còn phối hợp với các quận/huyện, sở ngành tăng cường chương trình kết nối ngân hàng – DN tạo điều kiện cho DN, hộ kinh doanh tiếp cận vốn.
Trước khó khăn của DN, ông Nguyễn Thành Phong- Chủ tịch UBND TP HCM khẳng định, chính quyền TP HCM cam kết đồng hành với DN, xem khó khăn của DN cũng chính là khó khăn của mình. Thành phố sẽ tập trung hỗ trợ sản xuất kinh doanh, ngăn chặn sự phá sản của DN, đảm bảo tính thanh khoản của DN. Lãnh đạo thành phố cho rằng, một trong những nội dung quan trọng hiện nay là phải ban hành thật nhanh các gói hỗ trợ DN, kinh phí hỗ trợ phải đến tay DN càng sớm càng tốt. Nếu kéo dài hết tháng 6 sẽ có rất nhiều DN dừng hoạt động. DN rời bỏ thị trường, chính sách hỗ trợ giảm hiệu quả. Nhằm hỗ trợ DN phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch, UBND thành phố giao Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM làm việc với các ngân hàng thương mại, các tổ chức tính dụng trên địa bàn thành phối cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí,… đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM được giao xây dựng Bộ tiêu chí hướng dẫn ưu tiên tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng 285.000 tỷ đồng trong trường hợp Chính phủ cho phép TP HCM tham gia triển khai.