Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gồm TP HCM giữ vai trò là trung tâm vùng và 7 tỉnh, thành khác (4 địa phương thuộc Đông Nam Bộ và 3 địa phương thuộc Tây Nam Bộ).
Một nút giao thông đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Qua 10 năm hình thành cơ chế hợp tác chung, trọng tâm là lĩnh vực kinh tế đã tạo ra một động lực vô cùng lớn cho các địa phương phát triển. Tại Hội nghị Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhiệm kỳ 2015- 2016, do TP HCM chủ trì, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Vùng kinh tế, đại diện lãnh đạo 8 địa phương đã lần lượt đưa ra các chia sẻ.
Theo bà Trần Thị Bình Minh - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, trong 10 năm qua, nhờ kết nối tốt về hạ tầng giao thông, cũng như phát huy nội lực của toàn vùng mà mức tăng trưởng kinh tế chung của vùng đã đóng góp 40% GDP cả nước, chiếm 40% giá trị kim ngạch xuất khẩu, đóng góp 60% ngân sách quốc gia và là vùng thu hút hơn 50% tổng vốn đầu tư nước ngoài cả nước. Việc liên kết phát triển kinh tế vùng đã tạo ra một hệ thống hạ tầng cầu đường, trường học, trạm xá kết nối với nhau....
Tuy vậy, hầu hết các địa phương (ngoài TP.HCM) lại cho rằng, các lợi thế kết nối hạ tầng chưa được phát huy một cách tốt nhất, thậm chí còn không ít “điểm nghẽn”. Đại diện UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung kết nối tuyến đường sắt đô thị (METRO) từ TP HCM không chỉ đến Long Thành mà còn kéo dài đến Vũng Tàu để tạo liên kết giao thông vùng.
Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Văn Cần thì cho rằng cần xây dựng chương trình liên kết vùng cụ thể, chặt chẽ hơn nữa trong triển khai các quy hoạch xây dựng, đô thị, nông nghiệp, nhất là tập trung đầu tư kết nối hạ tầng về giao thông giữa các địa phương.
Với tư cách Chủ tịch Hội đồng Kinh tế vùng, Chủ tịch UBND TP HCM- ông Nguyễn Thành Phong cũng nhìn nhận việc kết nối hạ tầng giao thông vùng hiện nay chưa chặt chẽ, còn các “điểm nghẽn” nên sắp tới các địa phương cần phải ngồi lại để tiếp tục bàn giải pháp kết nối giao thông trong vùng.
Với thế mạnh của vùng, trong nhiệm kỳ tiếp theo Hội đồng Kinh tế vùng sẽ có giải pháp không để tình trạng “mạnh ai nấy làm”, dẫn đến giao thông chưa được đồng bộ, ách tắc ở các khu vực cửa ngõ như thời gian qua. Tương tự, ông Trần Văn Dĩnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng việc kết nối giữa các địa phương trong vùng vẫn loay hoay, không biết giải quyết điểm nghẽn ở đâu? Vì vậy phải kết hợp, tăng cường trao đổi thông tin để tránh tình trạng mạnh ai nấy làm.