Kết nối việc làm cho lao động mất việc

THANH GIANG 11/09/2023 08:30

Ngày 10/9, Hội đồng Nhân dân TPHCM tổ chức chương trình Dân hỏi chính quyền trả lời tháng 9, chủ đề: “Công tác đào tào nghề và giải quyết việc làm”. Tại đây, nhiều ý kiến quan tâm đến chính sách hỗ trợ lao động mất việc trên địa bàn thành phố.

Kinh tế khó khăn, người lao động luôn lo lắng mất việc vì đơn hàng sụt giảm.

Lo ngại mất việc làm tiếp diễn

Bà Lê Hà Mỹ Hồng, công nhân Công ty TNHH Kyung Rhim Vina lo lắng, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh và tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, bản thân cũng rất lo lắng việc nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động. Trong khi đó, dự báo, tình hình kinh tế khó khăn, đơn hàng vẫn sụt giảm nên khả năng doanh nghiệp còn cắt giảm lao động.

Bàn về tình trạng cắt giảm lao động, bà Lê Thị Ngọc Dung - Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho hay, thời gian qua, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh và tình hình thế giới, trên địa bàn thành phố nhiều doanh nghiệp phải giảm lao động, trong đó cá biệt có doanh nghiệp trên địa bàn quận Bình Tân phải cắt giảm hơn 9.000 lao động. Cụ thể, sau 3 lần cắt giảm hơn 8.000 lao động không có đơn hàng, Công ty Pouyuen Việt Nam tiếp tục chấm dứt hợp đồng với 1.200 lao động trong tháng 8 với lý do tương tự. Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực gia công giày da xuất khẩu, là doanh nghiệp có số đông lao động nhất ở TPHCM, hiện đang sử dụng hơn 50.000 lao động.

Trước đó, đề cập đến tình trạng lao động mất việc, ông Lê Văn Thinh - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TPHCM cho biết, 6 tháng đầu năm thành phố ghi nhận gần 92.000 trường hợp nghỉ việc. Trong gần 92.000 lao động mất việc, lĩnh vực giảm nhiều lao động thuộc hoạt động thương mại dịch vụ, công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng, hoạt động tài chính - ngân hàng và bảo hiểm. Có 17.752 lao động mất việc trên 40 tuổi, chiếm 30%. Số lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật chiếm tỷ lệ cao 52,41% (30.923 người). Trong các doanh nghiệp có người lao động nghỉ việc, 29 doanh nghiệp có số lượng lao động trên 500 người, số lao động giảm là 38.462 người.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, mặc dù gần hết quý III nhưng chỉ có một số ngành có đơn hàng nhỏ lẻ trở lại. Nhìn chung, doanh nghiệp vẫn gặp khó về sức mua trên thị trường. Vì vậy, thành phố cần có chính sách hỗ trợ lao động mất việc nhằm đảm bảo an sinh xã hội.

Đa dạng phương án đảm bảo việc làm và an sinh xã hội

Quận Bình Tân có dân số gần 800.000 người, trong đó người trong độ tuổi lao động chiếm hơn 65,2% dân số. Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân Lê Thị Ngọc Dung cho biết, quận luôn quan tâm đến 2 vấn đề, đó là hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh để tạo việc làm mới, đồng thời đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho người lao động. Đối với người lao động tại các tỉnh bị mất việc trong các đợt doanh nghiệp cắt giảm lao động, quận phối hợp Trung tâm giới thiệu việc làm thành phố bố trí các bàn tư vấn, giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp có cắt giảm lao động. Dự kiến ngày 21/9, quận Bình Tân tổ chức sàn giao dịch việc làm, sẽ có từ 20 - 30 doanh nghiệp cùng 1.500 người lao động tham gia tuyển dụng. Không chỉ hỗ trợ người lao động, thành phố còn kịp thời giải quyết khó khăn của doanh nghiệp. Trong 7 tháng đầu năm có 4.025 doanh nghiệp được vay vốn với số tiền 12.758 tỉ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Theo Liên đoàn Lao động TPHCM, từ cuối năm 2022 đến năm 2023, do nhiều nguyên nhân ảnh hưởng nên đơn hàng bị sụt giảm đáng kể, công nhân bị mất việc làm, tạm ngừng hợp đồng, nghỉ chờ việc… Thành phố đã tiếp nhận hỗ trợ cho hơn 7.903 người lao động. Các cấp Công đoàn TPHCM cũng có nhiều hoạt động chăm lo như chương trình “Vì sức khoẻ người lao động” chăm sóc sức khoẻ cho hơn 36.000 người lao động với kinh phí hơn 15 tỷ đồng, Chương trình “Cám ơn người lao động” đã động viên 10.000 đoàn viên với kinh phí 5,5 tỷ đồng; phối hợp với sở, ngành, các doanh nghiệp xây dựng được 16 điểm “Phúc lợi đoàn viên” phục vụ thường xuyên hoặc định kỳ bán các hàng thiết yếu chất lượng, giá cả ưu đãi từ 5 - 35% so với thị trường. Bên cạnh đó Liên đoàn Lao động TPHCM cùng Tổ chức tài chính quy mô CEP triển khai đề án phòng chống “tín dụng đen” trong công nhân lao động với mục tiêu đến năm 2028 sẽ hỗ trợ cho hơn 1,4 triệu lượt công nhân vay với tổng doanh số đạt hơn 50.000 tỷ đồng. 8 tháng đầu năm có 158.001 lượt vay với dư nợ hơn 2.725 tỷ đồng.

Ở góc độ quản lý, bà Huỳnh Lê Như Trang - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH TPHCM khẳng định, thành phố luôn bám sát tình hình lao động việc làm trên địa bàn, sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn và lao động mất việc. Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố tiên tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ để kết nối cung - cầu lao động. Bên cạnh hỗ trợ việc làm, người lao động mất việc còn được hưởng các chính sách đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp, tư vấn và giới thiệu việc làm miễn phí.

Theo Bảo hiểm Xã hội TPHCM, thống kê tại thành phố giai đoạn 2020 - 2022 bình quân mỗi năm có hơn 110.000 người rút bảo hiểm xã hội 1 lần. Việc chọn rút bảo hiểm xã hội 1 lần đã là thiệt thòi cho người lao động và tình trạng người lao động “bán non sổ bảo hiểm xã hội” với mức bán chỉ bằng 50 - 60% số tiền được nhận càng khiến người lao động thiệt thòi hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kết nối việc làm cho lao động mất việc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO