Yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành thực hiện quyết liệt những nhiệm vụ cụ thể và thời hạn hoàn thành nhằm tạo chuyển biến thực sự với từng lĩnh vực được chất vấn.
Ngày 12/7, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tổng kết kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, và cho ý kiến bước đầu về kỳ họp thứ 4. Báo cáo về tổng kết kỳ họp thứ 3, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết: Sau 19 ngày làm việc với tinh thần tích cực, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công tốt đẹp. Kỳ họp được tổ chức theo hình thức họp tập trung cả kỳ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 5 Luật, 17 Nghị quyết; cho ý kiến lần đầu về 6 dự án luật khác và xem xét nhiều báo cáo quan trọng khác. Các luật, nghị quyết được Quốc hội biểu quyết thông qua với tỷ lệ tán thành rất cao. Các nội dung cũng như các điều kiện đảm bảo tại kỳ họp đều được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng, đúng quy định của pháp luật.
Liên quan đến vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn, ông Cường cho rằng, phát huy kết quả đạt được tại kỳ họp trước, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục khẳng định Quốc hội luôn quyết tâm đổi mới, bám sát yêu cầu của thực tiễn, phản ánh nguyện vọng của cử tri và nhân dân.
“Những nội dung chất vấn thiết thực, vừa có tính thời sự, vừa mang tính chiến lược lâu dài, thể hiện sự quan tâm, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân đối với công tác quản lý, điều hành của Chính phủ, trong đó, có những vấn đề đã tồn tại trong thời gian dài nhưng chưa được giải quyết một cách căn cơ”-ông Cường cho hay.
Đáng chú ý, đánh giá của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng cho thấy, các vị đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, đúng và trúng vấn đề. Tranh luận thẳng thắn, mang tính xây dựng, làm rõ thực trạng nhằm góp phần tạo chuyển biến tích cực trong các ngành, lĩnh vực. Thành viên Chính phủ chuẩn bị nội dung chu đáo, kỹ lưỡng, nắm chắc vấn đề thuộc phạm vi quản lý. Trả lời, giải trình rõ ràng, cầu thị, không né tránh, thẳng thắn nhận trách nhiệm về những mặt tồn tại, hạn chế của ngành, lĩnh vực mình phụ trách, đồng thời đưa ra các cam kết khắc phục trong thời gian tới.
Tuy nhiên cũng có hạn chế như một số câu trả lời chất vấn còn dài dòng, chưa đúng trọng tâm, chưa thực sự đưa ra các giải pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề, tính thuyết phục chưa cao, chưa thỏa đáng. Như phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trên cơ sở kết quả phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 3, trong đó, yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành thực hiện quyết liệt những nhiệm vụ cụ thể và thời hạn hoàn thành nhằm tạo chuyển biến thực sự đối với từng lĩnh vực được chất vấn, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân cả nước. Đây cũng là căn cứ để Quốc hội giám sát lại và xem xét lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp cuối năm 2023.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, cần cải tiến thêm về vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn để đại biểu hỏi thẳng vào vấn đề, qua đó Bộ trưởng trả lời đi thẳng hơn vào trọng tâm trọng điểm của vấn đề. “Vì nhiều khi đại biểu dẫn giải phân tích mất vài phút, sau đó mới hỏi nên nhiều khi Bộ trưởng không nắm hết được trọng tâm câu hỏi. Từ đó khiến trả lời chưa sâu, đi thẳng vào vấn đề”-ông Hải góp ý.