Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 diễn ra trong hai ngày 7-8/7 trong điều kiện dịch Covid-19 đang lây lan rộng ở TP Hồ Chí Minh, và nguy cơ bùng phát dịch trở lại ở nhiều địa phương trong cả nước. Đây là một kỳ thi đặc biệt, bởi các thí sinh đến địa điểm thi tốt nghiệp THPT vừa cố gắng làm bài tốt - vừa lo phòng dịch Covid-19. Đây cũng là một kỳ thi có sức mạnh của cả cộng đồng trách nhiệm.
Đề thi mang tính thời sự, có độ phân hóa cao
Kết thúc hai ngày thi, đánh giá tổng quan về đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021, nhiều giáo viên có chung nhận định: Đề năm nay phù hợp với mục tiêu của kỳ thi; có cấu trúc quen thuộc, vừa sức học sinh. Tuy nhiên, đề thi năm nay cũng được đánh giá cao ở tính bao quát và phân loại thí sinh để vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển ĐH- CĐ. Nhiều vấn đề thời sự như Covid-19, cá độ bóng đá vào trong đề thi.
Về đề thi Ngữ văn, thí sinh Ngọc Mai, dự thi tại Trường THPT Việt- Ba (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, cống hiến là lẽ sống của tuổi trẻ. Em và các bạn từng đọc nhiều bài báo, đoạn văn về vấn đề này và tin sẽ đạt điểm cao trong bài thi. Một số học sinh có ưu thế về khối C còn nhận xét đề thi khá hay về tình yêu đôi lứa nên các bạn cảm thụ tốt tác phẩm, làm bài không quá khó khăn. Cùng với đó, câu hỏi nghị luận xã hội cũng khá hay; phù hợp với ngữ liệu của phần đọc hiểu. Nhiều thí sinh chia sẻ, trong bài nghị luận xã hội, họ đã liên hệ đến những y, bác sĩ, lực lượng công an, bộ đội, thanh niên tình nguyện ở tuyến đầu chống dịch Covid-19.
Đề Toán độ bao phủ kiến thức tốt- là nhận định của cả giáo viên và học sinh. Nhìn chung, đề thi bám sát với đề minh họa, số lượng câu hỏi nhận biết, thông hiểu là không thay đổi. Kiến thức của đề nằm trong chương trình lớp 12. Chương trình lớp 11 có các câu liên quan đến cấp số cộng, xác suất, phép đếm, góc và khoảng cách. Đặc biệt, đề thi không có sự xuất hiện các câu hỏi về lượng giác, bài toán vận tốc, bài toán lãi suất, phương trình tiếp tuyến và khoảng cách giữa hai đường chéo nhau - đều là những câu hỏi thường gây khó khăn cho các thí sinh.
Về các Bài thi tổ hợp sáng 8/7, theo nhận định của tổ giáo viên Tự nhiên - Hệ thống giáo dục Hocmai: Bài thi Khoa học tự nhiên (gồm Vật lí, Hóa học và Sinh học) vẫn bao gồm 40 câu hỏi với thời gian làm bài 50 phút và tuân thủ đúng cấu trúc nội dung như Bộ GDĐT đã công bố. Trong đó, các câu hỏi phần lớn thuộc chương trình lớp 12 (90%). Khoảng 60-70% số câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu, 30%-40% số câu hỏi còn lại ở mức độ vận dụng và vận dụng cao. Đề thi đảm bảo mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp THPT, có độ phân hóa phù hợp cho mục tiêu xét tuyển ĐH.
Riêng môn Sinh học, cũng có những yêu cầu rất thời sự. Đơn cử trong 10% số câu hỏi thuộc mức độ Vận dụng cao, xuất hiện 1 câu hỏi thuộc dạng bài mới (dạng bài Di truyền quần thể). Cùng đó, có một số câu hỏi vận dụng thực tế vào cuộc sống chẳng hạn như về vấn đề Covid.
Về tổ hợp Bài thi Khoa học xã hội, theo đánh giá của các giáo viên Hệ thống Giáo dục Hocmai, đề thi tổ hợp Khoa học xã hội sáng 8/7 đạt 2 yêu cầu: Phân loại thí sinh xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH- CĐ.
Do đó, có thể nhận định chung rằng, mức độ căn cứ vào tỉ lệ cấp độ nhận thức Bài thi Tổ hợp Khoa học xã hội tương đương đề tham khảo tốt nghiệp THPT 2021. Tuy nhiên về độ khó thì nhỉnh hơn đề tham khảo, xuất hiện nhiều câu hỏi mang tính thời sự như về dịch Covid-19, cá độ bóng đá... Câu hỏi thuộc phần lớp 11 có độ khó cao hơn. Phần kiến thức lớp 12 trải đều cả 9 chuyên đề, học sinh cần học đồng đều, tránh học tủ.
Môn thi cuối cùng trong buổi chiều ngày 8/7 là Ngoại ngữ cũng được đánh giá là có độ phân hóa rõ rệt. Theo nhận định của Tổ Tiếng Anh- Hệ thống Giáo dục Hocmai, có khoảng 80% câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu và phần còn lại là các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao. Đề thi môn Tiếng Anh năm 2021 bám sát cấu trúc của đề thi tham khảo và theo đúng tinh thần của một đề thi dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Một mùa thi nhiều nỗ lực
Chia sẻ với khó khăn của các địa phương, Bộ GDĐT luôn bám sát tình hình để có những chỉ đạo kịp thời. Các phương án, kịch bản tổ chức kỳ thi được Bộ xây dựng từ rất sớm, điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến của dịch bệnh. Quyết định tổ chức kỳ thi làm 2 đợt của Bộ ở thời điểm phù hợp nhất đã mở đường cho các địa phương giải quyết bài toán khó về mặt bảo đảm an toàn phòng dịch.
Đặc biệt, tùy theo tình hình dịch bệnh, căn cứ trên đề xuất của cơ sở, Bộ cũng đồng ý để thí sinh F1, F2 có thể dự thi tốt nghiệp THPT đợt 1 nếu Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh bảo đảm an toàn phòng dịch. Trước tình hình nhiều thí sinh ở tỉnh, thành này nhưng học ở tỉnh, thành khác gặp khó khăn khi đi thi trong mùa dịch, Bộ đã đề nghị các sở xem xét việc tiếp nhận để tổ chức thi cho các thí sinh chuyển đến từ hội đồng thi khác... Sự chỉ đạo linh động, kịp thời, trên hết vì quyền lợi của thí sinh của Bộ GDĐT đã được dư luận đánh giá cao.
Cùng với sự nỗ lực của Bộ GDĐT, các địa phương đã tập trung mọi ưu tiên cho công tác đảm bảo an toàn thi cử. Rất nhiều tỉnh, thành phố tổ chức xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ thí sinh, cán bộ, giáo viên làm thi; một số địa phương còn ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng này. Nhiều giải pháp về phân luồng, phân tuyến nhằm siết chặt an toàn trường thi cũng được chuẩn bị chu đáo. Các địa phương, tổ chức, đoàn thể còn có các hình thức hỗ trợ về đi lại, ăn ở cho học sinh ở xa, có hoàn cảnh khó khăn.
Bên lề các trường thi, điểm thi, những phụ huynh chúng tôi gặp cho hay họ tin tưởng vào công tác phòng dịch của các ban, ngành và cho rằng kỳ thi đặc biệt này là “vũ môn” quan trọng nhất của tuổi 18.
Có thể nói, cộng đồng trách nhiệm đã mang lại thành quả bước đầu. Trong những ngày diễn ra thi, hệ thống phòng dịch đã kịp thời kích hoạt ứng phó, mang lại sự yên tâm cho phụ huynh, thí sinh và những người tham gia thi tiếp tục nhiệm vụ.
Trước mắt ngành giáo dục sẽ còn nhiều việc như chấm thi tốt nghiệp THPT, tổ chức tuyển sinh ĐH. Nhưng với sự chuẩn bị tốt, quyết tâm cao của ngành và các địa phương, đặc biệt là cộng đồng trách nhiệm, toàn xã hội vì giáo dục, người dân hoàn toàn có thể kỳ vọng kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 – cả 2 đợt sẽ đạt được mục tiêu kép đề ra.
Quảng Bình: Xác minh, làm rõ thông tin lọt đề thi trên mạng xã hội
Ngày 8/7, trao đổi với báo chí, ông Phan Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, đã chỉ đạo Sở GDĐT vào cuộc xác minh, làm rõ ngay khi có thông tin lọt đề thi tốt nghiệp trên mạng xã hội và có báo cáo ban đầu về vụ việc cho Bộ GDĐT. Cũng như đề nghị cơ quan công an vào cuộc xác minh, làm rõ.
Thông tin ban đầu cho thấy nơi xảy ra vụ lọt đề thi ra ngoài là một điểm thi thuộc huyện Lệ Thủy. Cụ thể, vào khoảng 15h55 ngày 7/7, khi thí sinh vẫn đang trong giờ làm bài thi môn Toán, một tài khoản Facebook có tên H.G đã đăng tải bình luận chứa ảnh chụp được cho là mã đề 106 của môn Toán kèm lời “cầu cứu”: “Giải giúp bé nhà em, 36 - 38 - 40 - 42 - 45 với, gấp ạ”. Thời gian hiển thị ở bản chụp tin nhắn được gửi ra ngoài vào những phút cuối của thời gian làm bài thi môn Toán.
Quảng Nghĩa