Với việc xét tuyển sau khi biết kết quả thi, các TS điểm cao hầu hết trúng tuyển vào các trường ĐH công. Số TS có điểm từ sàn trở lên chưa trúng tuyển vẫn còn đó nhưng nhiều người chờ thi lại năm sau thay vì nộp hồ sơ vào các trường ngoài công lập.
Các thí sinh tham gia xét tuyển ĐH, CĐ 2015.
Hôm qua (7/9) là ngày cuối cùng xét tuyển bổ sung đợt 1 (nguyện vọng 2). Tính đến hết đợt xét tuyển bổ sung đầu tiên, nhiều trường mới chỉ tuyển được 1 nửa hoặc 2/3 chỉ tiêu, mặc dù phần lớn các trường đều đưa ra điểm xét tuyển bằng ngưỡng đầu vào của Bộ GD&ĐT (CĐ 12 điểm, ĐH 15 điểm).
Trong đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, các thí sinh (TS) được nộp hồ sơ vào 3 trường khác nhau, mỗi trường 4 ngành. Ngoài ra, một số trường còn xét tuyển bằng điểm học bạ THPT. Đây cũng là lí do khiến nhiều nhà trường lo lắng về lượng TS ảo.
2 đợt xét tuyển vẫn chưa đủ chỉ tiêu
Ông Nguyễn Văn Bao - Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Bắc cho biết: ĐH Tây Bắc có chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng bổ sung là 2.400 chỉ tiêu nhưng đến ngày 7/9, Trường mới tuyển được 2/3 chỉ tiêu (1.700 hồ sơ). Do điểm nhận hồ sơ xét tuyển từ điểm sàn (15 điểm) trở lên nên các TS nộp hồ sơ xét tuyển vào trường cũng có đủ các thành phần điểm. Tuy nhiên không như dự đoán ban đầu, lượng TS đạt điểm cao nộp vào trường không nhiều.
Còn tại Trường ĐH Hồng Đức, ông Lê Văn Trưởng - Phó Hiệu trưởng cho biết: Trường có chỉ tiêu tuyển sinh nguyện vọng bổ sung ĐH và CĐ là 1.100 nhưng đến 7/9 mới nhận được gần 500 hồ sơ xét tuyển. Với lượng TS này, nhà trường cũng lo lắng sẽ có nhiều TS ảo bởi lần xét tuyển nguyện vọng bổ sung này, TS được phép nộp 3 nguyện vọng.
Trên trang web http://www.hdu.edu.vn của ĐH Hồng Đức cũng cập nhật danh sách trúng tuyển và TS nộp đăng kí xét tuyển nhưng chưa hợp lệ tính đến ngày 6/9. Theo ông Trưởng, số lượng TS đạt mức điểm cao từ 26 đến 27,75 nộp vào trường khá nhiều. Trường sẽ tiếp tục xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 2 cho đến khi nào đủ chỉ tiêu.
Tương tự tại ĐH Công nghiệp, ông Phạm Văn Bổng - Phó Hiệu trưởng cho biết: Đến nay cũng đã tuyển bổ sung thêm được 500 hồ sơ. Tính cả đợt 1 thì cũng gần đủ. Còn lượng chỉ tiêu thiếu nhà trường cũng sẽ tiếp tục bổ sung trong đợt tới…
Qua một số thống kê của các trường có tuyển nguyện vọng bổ sung, thấy lượng hồ sơ nộp vào cũng không được khả quan nhiều lắm. Lãnh đạo một số trường nhận định, TS điểm cao chỉ muốn vào được các trường ĐH công lập. Tại nhiều trường ĐH, TS vẫn thờ ơ với đợt cuối cùng đăng ký xét tuyển.
ĐH Hoa Sen công bố danh sách xét tuyển nguyện vọng bổ sung đến thời điểm 12h ngày 5/9. Theo thống kê, toàn trường đã nhận 635 hồ sơ, chiếm 77,5% so với chỉ tiêu. Tuy nhiên có những ngành như Thiết kế Thời trang (chỉ tiêu: 40) và Thiết kế Nội thất (chỉ tiêu: 60) chỉ có một TS nộp hồ sơ.
ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai), tính đến ngày 6/9, nhận được hơn 600 hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung, trong khi chỉ tiêu khoảng 900.
Tại ĐH Phương Đông, chiều 7/9 cũng công bố danh sách TS đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Theo danh sách, đã có 448 TS nộp hồ sơ vào trường. Mức điểm xét tuyển bằng mức điểm sàn...
Trong khi đó, nhiều trường ĐH công lập đã tuyển đủ chỉ tiêu ngay từ những ngày đầu xét tuyển bổ sung. Chẳng hạn, ĐHSP Hà Nội có 119 chỉ tiêu cho các ngành và đã tuyển đủ. ĐH Điện lực tuyển 900 chỉ tiêu cho cả hệ ĐH và CĐ, sau một nửa thời gian xét tuyển nguyện vọng bổ sung, đã nhận được hơn 1.000 hồ sơ.
Lượng hồ sơ ít, do đâu?
Qua thực tế nhiều trường ĐH, CĐ đến thời điểm hiện tại vẫn còn lượng lớn TS chưa tuyển đủ, nhiều người đặt ra câu hỏi: Lượng TS đạt điểm từ mức sàn trở lên đã đi đâu? Theo lãnh đạo một số trường ĐH ngoài công lập nhận định: Tỷ lệ TS đủ điểm sàn dôi dư so với chỉ tiêu các trường, nhưng có một thực tế là nhiều TS ở khu vực khó khăn không đủ điều kiện để đi học, đặc biệt ở trường ngoài công lập vì mức học phí cao.
Tại ĐH Tài chính - Ngân hàng Hà Nội, theo Phó GS, Tiến sĩ Phạm Ngọc Ánh (Hiệu trưởng) cho biết: Từ 26/8 đến 7/9, Trường nhận được khoảng 600 hồ sơ đăng ký xét tuyển. Trường có phương thức xét tuyển là dựa vào kết quả kỳ thi thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển học bạ. Trong đợt 1 bổ sung chủ yếu là hồ sơ của TS lấy kết quả thi THPT quốc gia. Trong đó, có nhiều TS đạt điểm cao trên 20 điểm. Đó là các TS không trúng tuyển trong đợt đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 đã nộp hồ sơ vào trường.
Ông cho biết thêm: Chỉ tiêu xét tuyển đợt 2 của Trường là 750 chỉ tiêu. Nguyện vọng đợt 1 nhà trường mới chỉ tuyển được 450 TS (được khoảng 60% chỉ tiêu). Đợt 2 các em có 3 giấy xét tuyển nộp nguyện vọng bổ sung vào 3 trường nên tính trong số 600 hồ sơ nộp nguyện vọng bổ sung đợt 2 chỉ có tầm khoảng 200 TS sẽ nhập học.
Trường sẽ xét tuyển vọng bổ sung đợt tiếp theo với khoảng 300 chỉ tiêu. Trường đang sử dụng các mạng xã hội như facebook đến các trường THPT vì các thầy cô làm trong Ban Tuyển sinh của các trường THPT nắm chắc được kết quả học tập, điểm thi của TS. Trên cơ sở đó, họ sẽ tư vấn cho các em.
Ngoài ra, Trường vẫn tiếp tục tư vấn trực tiếp theo quyết định của Bộ để giải đáp các thắc mắc cho TS. Sau khi các em đến nộp hồ sơ nhà trường đều ghi lại số điện thoại, địa chỉ để tư vấn cho các em cân nhắc, lựa chọn ngành học của trường.
Trường cũng đang có câu hỏi như tiêu đề một số bài báo đặt ra rằng “Thí sinh, em ở đâu?”.
"Tuy nhiên tôi nghĩ Bộ không tính đến phương án các năm, đặc biệt trong năm nay nhiều em có điểm cao nhưng theo cách xét tuyển nguyện vọng 1 vừa rồi cũng không vào được các trường mình mong muốn. Phần lớn các em chỉ cố chen chân để có một chỗ học mà thôi. Tôi cho rằng Bộ GD&ĐT không tính đến phần dôi ra có bao nhiêu em, ở bao nhiêu tỉnh không vào học trong năm nay mặc dù trên điểm sàn. Có thể những em này sang năm sau sẽ thi lại để vào được những trường mình mong muốn. Có thể Bộ không tính được số lượng những em này, và thống kê rằng còn khá nhiều chỉ tiêu, TS. Theo đó, các trường top dưới, tư thục trông chờ nhưng lại không thấy TS đến nộp hồ sơ xét tuyển, nhập học…".
Nhiều nhà trường cũng đồng tình quan điểm đó và nhận định: Với việc xét tuyển sau khi biết kết quả thi, các TS điểm cao hầu hết trúng tuyển vào các trường ĐH công. Số TS có điểm từ sàn trở lên chưa trúng tuyển vẫn còn đó nhưng nhiều người chờ thi lại năm sau thay vì nộp hồ sơ vào các trường ngoài công lập.
Đó là lí do vì sao ngoài trường ĐH công lập thì chỉ một số trường CĐ công lập, ĐH ngoài công lập lớn mới tuyển được TS. Hoặc cũng có ý kiến cho rằng, trong quá trình xét tuyển nguyện vọng 1, nhiều trường ĐH công lập đã “găm” hồ sơ của TS để tuyển thêm chỉ tiêu liên kết, dẫn đến nguồn tuyển còn lại dành cho các trường ĐH ngoài công lập và các trường CĐ không nhiều.