Có thể giải các bài tập nhanh chóng trong vài giây, sự thông minh vượt trội của ChatGPT đang thu hút nhiều học sinh, sinh viên thử nghiệm. Điều này cũng dấy lên lo ngại, ứng dụng này sẽ khiến người học lười tư duy, gian lận trong học tập.
Sau khoảng 2 tháng ra mắt, ChatGPT đã trở thành một trong những ứng dụng AI được sử dụng nhiều nhất trên toàn cầu với số lượng người dùng cán mốc 100 triệu người dùng, trong khi đó, TikTok mất 9 tháng, Intagram mất 2 năm.
Tính tiện ích của ChatGPT là trả lời các câu hỏi, thắc mắc của người dùng một cách nhanh chóng và chính xác trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Rất nhiều học sinh, sinh viên cho biết, họ thấy rất thú vị và hào hứng khi trải nghiệm ứng dụng này.
Vì tò mò nên em Nguyễn Nhã Khanh – học sinh Trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ, Hà Nội) đã dành thời gian tìm hiểu về ChatGPT. Điều khiến Khanh thích thú là ứng dụng này có thể nhanh chóng trong vài giây đưa ra các đáp án của các bài tập Toán, Vật lý hay Hoá học… với kết quả chính xác.
Dù có câu hỏi ChatGPT đưa ra kết quả không chính xác nhưng Khanh đánh giá: “Ứng dụng này rất thông minh, hỗ trợ cho người học trong quá trình học tập”.
“Cơn sốt” ChatGPT vẫn không ngừng nóng lên từng ngày. Hiện rất đông học sinh, sinh viên sử dụng ứng dụng ChatGPT và kinh ngạc trước khả năng biết tuốt của ứng dụng này. Điều này cũng dấy lên lo ngại, ChatGPT sẽ khiến người học lười suy nghĩ, gian lận trong học tập.
Cho rằng ChatGPT là công cụ cực kỳ hữu ích, em Trần Kiều Nga, sinh viên Trường Đại học Thủ đô Hà Nội thừa nhận, gần đây có sinh viên sử dụng ChatGPT để viết luận văn.
“ChatGPT chỉ là một công cụ hỗ trợ học tập cho học sinh, sinh viên. Người học không nên lạm dụng sẽ dẫn tới việc lười học và lười suy nghĩ”, Nga chia sẻ.
Đồng quan điểm, em Cung Việt Trường – sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Giao thông Vận tải cũng cho rằng, nhiều bạn lười học có thể sử dụng công cụ này để làm bài tập một cách nhanh chóng mà không cần quan tâm tới kết quả đúng sai, học cho xong, đối phó với thầy cô.
Theo Trường, người học chỉ nên sử dụng ChatGPT để tra cứu, giải đáp những thắc mắc mà bản thân chưa hiểu, chưa giải được, từ đó nâng cao tính tự học.
Đánh giá về ChatGPT, thầy Ngô Huy Tâm, chuyên gia giáo dục, Chủ nhiệm chương trình quốc tế Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa cho rằng, ứng dụng này có thể trở thành trợ thủ đắc lực cho cả giáo viên và học sinh nếu được tận dụng đúng cách, đúng mục đích.
Tuy nhiên, thầy Tâm đưa ra cảnh báo về nguy cơ gian lận, thiếu liêm chính trong học thuật. Theo thầy Tâm, đây là mối lo ngại lớn của nhiều nhà giáo dục và các tổ chức giáo dục.
Tại Mỹ, hệ thống trường bang New York, hệ thống giáo dục lớn nhất của quốc gia này, đã cấm học sinh sử dụng phần mềm ChatGPT vì lo ngại nguy cơ gian lận, làm hộ bài tập ở môn học. Khi đó, động lực học tập của học sinh cũng bị ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực.
Bên cạnh đó là sự ảnh hưởng tiêu cực đến các kỹ năng tư duy của học sinh, sinh viên. Bởi theo thầy Tâm, dù với khả năng ưu việt của mình, ChatGPT vẫn chỉ là một cỗ máy vô tri và không thể sao chép được các kỹ năng phân tích, phản biện của một người thực. Do đó, nó có thể đưa ra các gợi ý để cải thiện bài viết và câu trả lời, nhưng không thể thay thế được người học ở khả năng phân tích sâu sắc hay phản biện.