Sau 20 năm cố gắng, nỗ lực, tỷ lệ nội địa hóa ô tô vẫn chỉ ở mức 10%. Con số này khiến giấc mơ trở thành một ngành công nghiệp mũi nhọn lĩnh vực sản xuất ô tô trong nước vẫn còn xa.
Người ta nói “vạn sự khởi đầu nan”, thế nhưng, từ đầu cho đến gần cái đích của đoạn đường hướng đến ngành mũi nhọn, ngành công nghiệp ô tô của chúng ta vẫn chưa khi nào hết gian nan. Những cố gắng, nỗ lực của gần hai thập kỷ trước, đến nay vãn chưa được như kỳ vọng.
Số liệu của cơ quan quản lý cho thấy, mục tiêu tỉ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi 60% vào năm 2010 đã không thành. Thực tế cho đến nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%, trong đó cao nhất là Toyota Việt Nam với riêng dòng Innova, đạt 37%. Trong khi đó hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa của các nước trong khu vực trung bình đã đạt được 65 - 70%, Thái Lan đạt tới 80%.
Chính lãnh đạo Bộ Công thương cũng cho rằng ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự, phần lớn mới ở mức độ lắp ráp đơn giản, dây chuyền sản xuất chủ yếu chỉ gồm 4 công đoạn chính là hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra...
Bộ Công thương cũng thẳng thắn nhìn nhận ngành công nghiệp ô tô Việt Nam mới chỉ sản xuất được một số ít chủng loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy, săm lốp, một số sản phẩm nhựa.
Trong số 400 doanh nghiệp, chỉ một số rất ít đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe. Vật liệu làm khuôn mẫu chủ yếu cũng phải nhập khẩu. Hàng năm, các doanh nghiệp phải nhập khẩu khoảng 2 - 3,5 tỷ USD các linh kiện, phụ tùng phục vụ cho sản xuất lắp ráp và sửa chữa xe...
Và, khi chưa làm được những khâu, chi tiết cao cấp với giá trị gia tăng cao thì việc hiện thực hóa giấc mơ của ngành sản xuất ô tô trong nước vẫn còn ở phía trước.