Tinh hoa Việt

Khắc khoải Suối Tôn

NGUYỄN CHUNG 14/12/2024 07:16

Suối Tôn, bản người Mông duy nhất của huyện miền núi Quan Hóa (Thanh Hóa) nằm khuất lấp sau những ngọn núi xa xôi. Ở đó, chỉ có đói nghèo và những ước mơ nhỏ nhoi của đám trẻ quanh năm thiếu cơm ăn, áo mặc… Đôi khi, những giấc mơ ấy cũng chỉ mong manh, dễ tan biến như làn sương sớm đậu trên lưng chừng núi.

Suối tôn 3
Trưởng bản Suối Tôn Mùa A Du.

Những ước mơ mong manh

Mới hơn 4 giờ chiều mà mặt trời đã bắt đầu chiếu xuống bạt ngàn núi rừng và bản làng những tia nắng cuối ngày màu hổ phách. Trong căn nhà tuềnh toàng nằm chênh vênh trên lưng chừng đồi, Mùa Thị Bầu, trú bản Suối Tôn, xã Phú Sơn, huyện vùng cao Quan Hóa đang chuẩn bị bữa cơm chiều. Nắng xuyên qua khe liếp nhảy múa, nền nhà nứt nẻ, khô mốc… “Cháu vừa đi nương về!”- Bầu vừa đưa đôi bàn tay đen đúa vén mớ tóc mai khét nắng, đang dính đét vào hai bên má, vừa bẽn lẽn nói với tôi bằng chất giọng lơ lớ như thanh minh.

Năm nay Bầu học lớp 9 nhưng vẫn chưa nói sõi tiếng Kinh, thành ra câu chuyện giữa tôi và cháu cứ ngắc ngứ, ngượng ngùng. Nhiều đoạn, tôi phải nói thật chậm, thậm chí phải nhờ Trưởng bản Mùa A Du làm phiên dịch Bầu mới hiểu. Bầu cho tôi hay: Gia đình cháu có tất thảy 7 người. Chị lớn đã đi lấy chồng từ vài năm trước, người anh trai thì đi làm thuê ở đâu đó không rõ, mỗi năm chỉ về một lần vào dịp Tết. Nhà không có một khoảnh ruộng, vạt rừng làm căn cơ, sinh kế nên từ tinh mơ, cha mẹ Bầu đã phải tất tả vào rừng lấy củi, đem xuống chợ ở trung tâm xã bán, đến tối mịt mới trở về. Thành ra, trước khi vượt hơn 9km đến trường cho kịp giờ vào lớp học, nó phải thay mẹ, một tay lo cho 2 đứa em ăn sáng rồi đưa chúng xuống điểm trường của bản. Nửa ngày đi học, nửa ngày còn lại, Mùa Thị Bầu phải vào rừng tìm hái vài đọt măng, ít rau dại về thêm thắt cho bữa ăn của cả gia đình.

Bầu rủ rỉ rù rì kể: Ở đây sợ nhất là khi mùa đông đến, núi rừng phủ trắng sương giá. Đêm, hơi lạnh như những mũi dao bằng băng, theo gió luồn qua các khe liếp cứa vào da thịt, dù cho bếp lửa được đốt giữa nhà vẫn cháy âm ỉ suốt đêm. Vào những mùa như thế, 3 chị em nó phải mặc hết tất cả quần áo vào người, ôm rịt lấy nhau rồi kéo tấm chăn mỏng phủ kín đầu nhưng vẫn không tài nào chợp mắt được vì rét buốt. Sáng ra, môi đứa nào cũng hanh nẻ và đến lớp trên đôi chân trần… “Giá mà nhà cháu có tiền, bố sẽ mua ván, thưng lại các bức vách, mua thêm chăn, nệm để mùa đông cháu và các em không còn phải thức thâu đêm đốt lửa!”- Bầu ước ao.

“Bạn bè ở lớp cháu đã có ai bỏ học lấy chồng chưa?”- tôi cắt ngang câu chuyện của Bầu. “Có chứ, mấy đứa bị bắt vợ rồi đấy nhưng cháu thì không muốn lấy chồng sớm đâu, cháu muốn được đi học đại học để sau này làm cô giáo cắm bản. Nhưng khó quá! Nhà cháu nghèo, không đủ tiền cho chị em cháu đi học!”- Bầu bỏ lửng câu nói. Trong đôi mắt còn trẻ thơ của Bầu, dường như cũng có những đốm lửa nhỏ đang cháy nhưng sao mông lung và buồn quá!

Giữa khoảng không im lặng, tôi đưa mắt quan sát một vòng quanh căn nhà. Ở hai góc đối diện kê 2 chiếc sạp được dát bằng những cây luồng đập dập, rải lên làm giường ngủ. Bên trên là mớ chăn, gối nhàu nhĩ, cáu bẩn. Giữa nhà là bếp nấu được kê bằng 3 tảng đá nhỏ, trên vách treo 2 chiếc nồi đen xạm, méo mó, một cái chảo bằng nhôm, đáy sùi mốc do lâu ngày không được sử dụng để xào nấu. Ngồi trong nhà có thể nhìn thấy cả điệp trùng núi rừng qua các khe liếp thưa trống…, tất cả chỉ có vậy. Tài sản của gia đình Mùa Thị Bầu, không có gì đáng giá quá 100 nghìn đồng.

Suối Tôn 2
Liệu rồi Mùa Thị Bầu có thực hiện được mơ ước của mình?

Bao giờ cho đến ngày… mai?

Theo Trưởng bản Mùa A Du cho biết: Bản Suối Tôn có hơn 80 hộ dân là đồng bào dân tộc Mông cư ngụ, 100% đều thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Sinh kế của bà con chủ yếu dựa vào diện tích lúa nước khoảng hơn 2ha ít ỏi và 15ha rừng luồng bắt đầu cho thu hoạch. Đặc biệt, hiện Suối Tôn có hơn 10 gia đình không có đất để trồng lúa nước, cũng không có đất rừng, không thể tự túc lương thực. Với các hộ dân này, số ít thì đi làm thuê quanh năm, còn lại gần như phải dựa vào sự hỗ trợ, cưu mang của người dân cả bản. Hộ được xem có thu nhập tốt nhất từ cây luồng là gia đình ông Thào Chá Xìa thì một năm cũng mới chỉ bán được từ… 6 - 7 triệu đồng.

Khó khăn với người dân Suối Tôn càng thêm chồng chất sau khi sau nhà nước cắt bỏ chính sách hỗ trợ gạo cho đồng bào vùng cao. Để tìm sinh kế, hầu hết thanh niên trong bản đều phải “tha phương, cầu thực”, đi làm thuê mãi tận các tỉnh Nam Định, Hà Nội... Tuy nhiên, số tiền đem về sau những tháng ngày bươn bả không thấm tháp vào đâu so với nhu cầu thực tế. “Đói nghèo đeo bám bà con dân bản mình dai dẳng không phải vì lười lao động, trông chờ, ỉ lại đâu mà do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây khắc nghiệt lắm. Cây lúa nương, cây sắn trồng xuống cho năng suất rất thấp. Chính vì vậy mà bà con đã phải bỏ hết diện tích lúa nương và duy trì ít diện tích sắn, canh tác lúa nước để làm lương thực sinh nhai”- Mùa A Du không giấu được sự bế tắc tận trong sâu thẳm.

Cùng đi với tôi vào Suối Tôn, ông Lương Văn Ngự - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Sơn trăn trở: Mấu chốt của đói nghèo đã ăn sâu, bám rễ vào đời sống của bà con Suối Tôn vẫn là do dân trí thấp và những hủ tục vẫn còn tồn tại. Muốn thay đổi tư duy của người dân thì trước hết phải nâng cao dân trí. “Chỉ tính riêng bậc học THCS, bản Suối Tôn, hiện có hơn 20 cháu đang theo học tại trường THCS của xã. So với nhiều bản khó khăn khác, Suối Tôn vẫn được xem là bản có tinh thần vượt khó để học tập. Tuy nhiên, do đường xá đi lại và quy định của Nhà nước, các cháu không đủ tiêu chuẩn được ăn bán trú tại trường. Hầu hết học sinh ở lại buổi trưa đều phải ăn qua loa mì gói hoặc bánh trái... Nhiều cháu có lực học tốt, muốn tiếp tục được đi học, được đem tri thức đã học được, trở lại giúp bà con dân bản thoát nghèo nhưng cũng đành phải bỏ dở ước mơ của mình cũng vì nghèo! Cứ như vậy, thế hệ này đến thế hệ khác, người dân Suối Tôn luẩn quẩn trong vòng tròn không lối thoát!”- ông Ngự lý giải.

Vậy lối thoát nào cho bà con người Mông ở Suối Tôn? Tôi đã đặt câu hỏi này với ông Hà Văn Thủy - Phó Bí thư Huyện uỷ Quan Hóa. Ông Thủy chậm rãi: Mấu chốt vấn đề ở đây là phải thay đổi cách nghĩ, cách làm cho đồng bào nhưng thay đổi bằng cách nào cho phù hợp và hiệu quả nhất? Ở đây, chúng ta phải hỗ trợ đồng bào không chỉ bằng các chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước như lâu nay vẫn làm mà phải giúp bà con làm kinh tế thoát nghèo bằng cách cầm tay, chỉ việc. Việc nào dễ, đem lại hiệu quả cao thì làm trước, đảng viên ở cơ sở, người có uy tín trong cộng đồng phải là người tiên phong, làm một cách hiệu quả nhất có thể… Khi ấy người dân sẽ cởi bỏ được tâm lý tự ti, ỷ lại và làm theo.

“Với đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và bà con Suối Tôn nói riêng tại Quan Hóa, chúng tôi đang khuyến khích người dân phát triển kinh tế dưới tán rừng, bằng các mô hình chăn nuôi tập trung, trồng dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng khuyến khích người dân trồng, khoanh nuôi, bảo vệ rừng để bán tín chỉ các bon. Nếu làm tốt các yếu tố trên, thoát nghèo với bà con sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian!”- ông Thủy nói.

Tôi rời căn nhà của Bầu khi mặt trời đã khuất sau nhũng ngọn núi phía xa. Con dốc dài hơn 200m, dẫn từ nhà Bầu xuống đường trục chính của bản như thêm thẳng đứng, trơn chuội trong ráng chiều chạng vạng. Bầu vẫn đứng như chôn chân ở đỉnh dốc nhìn theo bóng những người khách lạ… Liệu rồi Mùa Thị Bầu cũng như bao đứa trẻ khác ở đây có thể thực hiện được ước mơ mong manh của mình không, khi con đường phía trước còn khó khăn gấp bội phần đường con dốc dẫn lên bản!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khắc khoải Suối Tôn