Dù TP HCM đã nới lỏng giãn cách để khôi phục kinh tế - xã hội, Sở Giáo dục - Đào tạo (GDĐT) TP HCM vẫn áp dụng dạy và học trực tuyến do lo ngại dịch Covid-19 tái bùng phát.
Hiện nay, ngoài xã đảo Thạnh An đang được thí điểm cho học sinh đến trường học trực tiếp, còn lại hầu hết các quận, huyện và TP Thủ Đức vẫn áp dụng dạy và học trực tuyến.
Trên thực tế, tỷ lệ học sinh tham gia học trực tuyến toàn thành phố ở các bậc học tiểu học, THCS, THPT đang có tỷ lệ rất cao, lần lượt là 95,43%; 97,12%; 99,07%. Ngoài học trực tuyến với giáo viên, học sinh còn học thêm qua truyền hình, học trên internet.
Về thực trạng dạy và học trực tuyến thời gian qua, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GDĐT TP HCM cho biết, khó khăn lớn nhất là đối với học sinh bậc tiểu học, nhất là các em lớp 1, lớp 2. Lý do, lớp 1 học sinh phải chọn sách mới, lớp 2 chọn lại nên dạy hai lớp này rất vất vả. Để giải quyết khó khăn này, Sở GDĐT TP phối hợp ghi hình các tiết dạy với Đài truyền hình, ngoài ra thầy cô hướng dẫn sinh hoạt với phụ huynh để có thể theo sát quá trình học tập của từng em.
“Chúng tôi cũng xây dựng mạng lưới giáo viên tình nguyện để tổ chức các lớp học từ xa, cứ định kỳ thì 1 tuần, 2 tuần sẽ có trao đổi với phụ huynh để việc học hiệu quả”, lãnh đạo Sở GDĐT TP HCM chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Nguyệt, giáo viên tại hệ thống trường Thần Đồng -TP Thủ Đức cho biết, dạy và học trực tuyến rất khó vì phải thực hành mọi việc qua không gian mạng. Không chỉ là chi phí cho các em về thiết bị (máy tính, laptop, ipad), việc giám sát học hành không dễ.
Do đó, cô Nguyệt cho rằng, vẫn cần sự phối hợp rất chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, giáo viên. Trong đó, các phụ huynh phải được trang bị kiến thức để đồng hành cùng con trong quá trình học trực tuyến.
Ở thời điểm hiện tại, nhiều giáo viên vẫn nhìn nhận học online là cách tốt nhất để học sinh đảm bảo sức khỏe và quá trình không bị gián đoạn. Dù dịch Covid-19 đã ảnh hưởng khá nhiều cho cả giáo viên, phụ huynh và học sinh, thế nhưng điều quan trọng nhất vẫn là việc đảm bảo quá trình GDĐT bậc phổ thông không bị gián đoạn.
Theo ông Nguyễn Thanh Hải, chuyên gia về giáo dục tại Viện nghiên cứu giáo dục STEM, có sự khác nhau trong dạy học truyền thống và dạy học online. Đối với dạy trực tuyến muốn bài bản phải có phương pháp đánh giá rất nghiêm ngặt, chặt chẽ. Kèm theo đó là các điều kiện đi kèm bắt buộc như trang thiết bị, công nghệ và phương pháp sư phạm của giáo viên.
Cũng theo ông Hải, một thực tế khó có thể phủ định là các em học qua môi trường internet có thể bị phân tâm bởi rất nhiều yếu tố môi trường bên ngoài mà giáo viên không thể nào kiểm soát hết được. Từ kinh nghiệm giáo dục tại Mỹ, chuyên gia này cho rằng cần phải có tập huấn và hướng dẫn đối với đội ngũ giáo viên về phương pháp giáo dục trực tuyến, tạo điều kiện để thầy cô có thể chủ động và sáng tạo trong bài giảng, tránh đặt nặng vấn đề thành tích hay điểm số.
Trong khi đó, thầy Nguyễn Minh Thiên Hoàng, Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học thuộc Sở GDĐT TP HCM chia sẻ, để dạy và học trực tuyến đạt hiệu quả đề ra, người dạy phải tạo không khí học tập thoải mái cho lớp học qua không gian mạng. Từ đó, giúp các em yêu thích học tập, thông tin truyền tải vừa đủ kích thích học sinh yêu lớp học. Cũng theo thầy Hoàng, các thầy cô mạnh dạn đề xuất phương pháp đánh giá kết quả học tập của học sinh, không nên phụ thuộc hoàn toàn vào đánh giá qua bài kiểm tra cuối kỳ.
Ngoài kiến thức chính khóa, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GDĐT TP HCM cũng cho biết, trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, chương trình tiếng Anh tích hợp cũng sẽ được triển khai qua giải pháp học trực tuyến, trong đó tăng cường phối hợp với gia đình, nhà trường, địa phương để đảm bảo chất lượng. Đồng thời, Sở GDĐT TP HCM cũng đề nghị các trường có tổ chức chương trình tiếng Anh tích hợp thực hiện rà soát số học sinh khó khăn về kinh tế không thể tiếp tục tham gia chương trình để tạo mọi điều kiện chuyển lớp nhằm đảm bảo ổn định, không làm ảnh hưởng đến việc học của học sinh khác.