Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719) đã đem lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân tỉnh Thanh Hóa.
Thực hiện Chương trình MTQG 1719, giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định về Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo của tỉnh. Theo đó, Đề án được thực hiện tại 6 huyện nghèo gồm: Lang Chánh, Thường Xuân, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát. Triển khai Quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa, qua rà soát, tại huyện miền núi Lang Chánh có 747 hộ được đề nghị hỗ trợ nhà ở, trong đó có 327 hộ xây mới, 420 hộ sửa chữa nhà. Tổng kinh phí hỗ trợ cho chương trình này là 21,48 tỷ đồng.
Cùng với triển khai hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo thuộc Chương trình MTQG 1719, thông qua MTTQ huyện, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã chung tay, đồng hành hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Qua đó, góp phần giúp đồng bào nghèo vùng cao sớm ổn định nơi ở, tích cực lao động, sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Tại huyện Lang Chánh, trong năm 2023, thông qua Ủy ban MTTQ huyện đã kêu gọi từ nguồn lực xã hội hóa, xây dựng được 67 nhà ở, trong đó có 65 nhà làm mới. Còn tại huyện Quan Hóa, qua sự vận động của MTTQ, huyện đã hỗ trợ nhà cho 60 gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Thời gian tới, MTTQ huyện sẽ tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp, cán bộ công chức, viên chức chung tay đóng góp để có thêm nguồn lực hỗ trợ các gia đình khó khăn về nhà ở.
Theo thống kê, năm 2022, khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa có dân số trên 1 triệu người, trong đó đồng bào DTTS chiếm hơn 60%, chủ yếu là đồng bào các dân tộc Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao, Khơ Mú. Cũng trong năm 2022, tỉnh Thanh Hóa đã có 2.277 hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở.
Ông Đầu Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự chung tay, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương đã góp phần giúp hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Thanh Hóa có nhà ở, ổn định cuộc sống. Qua đó, góp phần giúp các huyện miền núi, vùng đồng bào DTTS đẩy nhanh quá trình giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Về những khó khăn đặc thù và những vướng mắc trong quá trình thực hiện Chương trình MTQG 1719, tỉnh sẽ tìm giải pháp để khắc phục, nhằm bảo đảm nguồn vốn, từ đó phát huy hiệu quả trong thực tiễn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào DTTS của tỉnh.
“Trong quá trình triển khai Chương trình MTQG 1719, tỉnh Thanh Hóa cũng kiến nghị việc tháo gỡ về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất. Tháo gỡ vướng mắc về thủ tục giải ngân, cơ chế hỗ trợ đối với một số dự án, tiểu dự án cụ thể thuộc Chương trình, như: Trồng dược liệu dưới tán rừng; tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các DTTS; hỗ trợ đất sản xuất; đầu tư cho nhóm đồng bào DTTS rất ít người...” - ông Tùng cho hay.
Để giúp địa phương khắc phục những khó khăn, vướng mắc, trong cuộc làm việc mới đây với tỉnh Thanh Hóa, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, là tỉnh rộng lớn, Chương trình MTQG 1719 triển khai trên nhiều lĩnh vực, vì vậy tỉnh cần có quyết tâm cao, phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương. Bên cạnh đó, phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín và sự tham gia của người dân, khơi dậy ý thức tự lực, tự cường của người dân; tăng cường phân cấp, giám sát, đôn đốc; huy động thêm các nguồn lực, tạo sức mạnh tổng hợp, thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719.