Theo đánh giá chung của nhiều đại biểu tham gia hội thảo “Công tác biên tập xuất bản trong tình hình mới” do Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT) tổ chức ngày 18/11: Hiện công tác biên tập xuất bản còn nhiều bất cập. Những khuyết điểm, yếu kém trong hoạt động xuất bản, đặc biệt là công tác biên tập vẫn là mối quan tâm và bức xúc của bạn đọc.
Công tác biên tập xuất bản lâu nay còn nhiều bất cập. (Ảnh minh họa).
Chưa coi trọng bạn đọc
Tính đến năm 2016, cả nước có 60 nhà xuất bản (NXB). Trong đó có 49 NXB trung ương, 11 NXB địa phương, với tổng số lao động là khoảng gần 6.000 người. Số lượng biên tập viên ở các NXB khoảng hơn 1.000 người và số lượng biên tập viên của các đối tác liên kết NXB là khoảng 100 người.
Theo TS. Đỗ Quang Dũng- Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật: Trong nhiều năm qua, ở hầu hết các nhà xuất bản, rất nhiều biên tập viên và cả đến lãnh đạo đều có quan niệm rằng, chỉ khi sách bị cơ quan chức năng “tuýt còi” do vi phạm những vấn đề nghiêm trọng về nội dung chính trị, tư tưởng… thì mới đáng lo ngại, còn những kém cỏi vụng về trong nội dung hay cách trình bày sách, những sai sót về ngôn ngữ, cả những va chạm rắc rối về bản quyền đều không đáng ngại, đều có thể biện minh do làm vội, do lỗi đánh máy.
Cũng theo TS Dũng, cùng với những khó khăn rất lớn của ngành xuất bản, nhiều NXB đang hoạt động cầm chừng và không ít NXB phải thường xuyên bán giấy phép xuất bản thì đương nhiên vai trò biên tập viên ở các NXB cũng không còn được xem trọng. Trên các ấn phẩm mang tên NXB vẫn có tên của biên tập viên chịu trách nhiệm biên tập, song thật ra vai trò “gác cửa” của biên tập viên NXB cho xuất bản phẩm đã hầu như không tồn tại, mà thực ra nó đã chuyển sang các đối tác liên kết các nhà sách.
Bên cạnh đó, một trong những bất cập thường xuyên xảy ra ảnh hưởng đến một số lượng lớn độc giả đó là thị trường sách văn học. Dưới góc nhìn của một tác giả, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều- Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá: Thực tế, xuất bản phẩm văn học ở Việt Nam trong khoảng 20 năm lại đây cho thấy công tác biên tập đã cho ra mắt những cuốn sách chất lượng nghệ thuật quá yếu kém, nội dung tư tưởng sai lệch hoặc chưa phù hợp, đi ngược lại thuần phong mỹ tục, xúc phạm nền văn hóa dân tộc, truyền bá lối sống ích kỷ, xa lạ và suy đồi, bôi nhọ cá nhân. Theo ông Thiều thì hầu hết những cuốn sách như vậy được ra đời bởi công tác biên tập hay nói cụ thể là bởi các biên tập viên của các NXB. Bởi biên tập viên là người đầu tiên có quyền thẩm định tác phẩm và đưa ra ý kiến có tính phán quyết đối với các tác phẩm mà biên tập viên đó biên tập.
Có rất nhiều yếu tố mà mỗi biên tập viên phải hội đủ để có thể nhận biết một tác phẩm hay và có khả năng để gợi mở cho tác giả nâng cao chất lượng bản thảo. Đặc biệt hiện nay, có một hiện trạng là người biên tập chỉ là người nhận bản thảo, đọc bản thảo với mục đích sửa chữa lỗi chính tả, câu cú rồi đề xuất cấp giấy phép mà chưa làm đúng, chưa làm đầy đủ các qui định, qui trình biên tập, chưa có nghệ thuật biên tập...
Trao quyền và trách nhiệm cho biên tập viên
Ông Chu Văn Hòa- Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành bức xúc cho rằng nhiều đơn vị xuất bản đang “đổ rác” cho các cơ quan quản lý. Đơn cử, trong quý III/2016, cơ quan quản lý nhà nước đã xử lý 53 xuất bản phẩm vi phạm, trong đó có 27 xuất bản phẩm vi phạm về nội dung với các hình thức xử lý như: yêu cầu NXB tái bản phải sửa chữa; đính chính lỗi sai; đình chỉ phát hành để sửa chữa; đình chỉ phát hành để thẩm định nội dung; yêu cầu các nhà xuất bản phê bình, nhắc nhở, rút kinh nghiệm trong khâu biên tập.
Ông Nguyễn Thành Nam- Phó Giám đốc NXB Trẻ kiến nghị: Trong thời đại ngày nay, khi mà biên tập viên một NXB không thể chỉ ngồi một chỗ chờ tác giả mang bản thảo tới cho mình biên tập, thì vai trò của biên tập viên trong tổ chức bản thảo và làm việc với các cộng tác viên, tác giả, dịch giả là vô cùng to lớn. Nếu một biên tập viên không có khả năng tổ chức bản thảo, không có ý tưởng hay tư duy về dàn trang, thiết kế bìa hay ý tưởng về kênh bán hàng, truyền thông thì khó lòng trở thành một biên tập viên giỏi.
Ông Nam cũng đề xuất các biên tập viên giỏi phải xem việc biên tập một cuốn sách từ đầu cho đến lúc đến tay bạn đọc như một nhà quản lý một dự án sách, và theo đuổi dự án sách đó đến cùng. Trong trường hợp này, biên tập viên vừa có cái đầu sáng tạo, vừa có cái đầu quản lý của một nhà quản lý dự án. Tóm lại, năng lực tổ chức bản thảo, xây dựng đội ngũ cộng tác viên là yêu cầu sống còn đối với một biên tập viên của NXB. Thực hiện một cách nghiêm túc nhiệm vụ biên tập cũng chính là một cách học hỏi, một cách tự nâng cao trình độ rất có hiệu quả. Quá trình biên tập thực chất là một quá trình sáng tạo, một dạng lao động mang tính khoa học.
Theo đóng góp chung của các đại biểu, với đòi hỏi ngày càng cao của độc giả, cũng như quản lý chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước; với sự phát triển của mạng, của dữ liệu số, đội ngũ biên tập viên phải không ngừng bồi dưỡng, nâng cao năng lực về chính trị lẫn chuyên môn, nhằm tăng cường vai trò và trách nhiệm của họ với các xuất bản phẩm.