Sáng 9/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 23, cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, phiên họp 23 Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn tại kỳ họp thứ 6, và HĐND các cấp tổ chức lấy phiếu tín nhiệm những chức danh do HĐND bầu phê chuẩn vào các kỳ họp cuối năm.
Nhận diện khó khăn
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng/2023 đạt nhiều kết quả. Theo đó, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Lạm phát được kiểm soát ở mức hợp lý. Các cân đối lớn cơ bản được đảm bảo.
Tuy nhiên ông Dũng cũng chỉ ra các khó khăn: Kinh tế quý I ước đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mục tiêu 5,6%. Khu vực công nghiệp - xây dựng giảm 0,4%, trong đó công nghiệp giảm 0,82%, làm giảm tốc độ tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư, thu hút FDI vẫn gặp khó khăn.
Đặc biệt, tăng trưởng tín dụng thấp cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp (DN), nền kinh tế tiếp tục khó khăn. Mặt bằng lãi suất cho vay dù đã giảm 0,41 điểm % so với cuối năm 2022 nhưng vẫn ở mức cao, bình quân là 9,56%/năm. Đầu tư tư nhân trong nước và thu hút FDI vẫn còn khó khăn. Số DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động 4 tháng giảm 2% so với cùng kỳ (gần 78,9 nghìn DN), trong khi DN rút lui khỏi thị trường tăng 25,1% (77 nghìn DN).
Thẩm tra vấn đề trên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn khi tăng trưởng GDP quý I/2023 rất thấp trong điều kiện nền kinh tế đã mở cửa sau khi kiểm soát dịch Covid-19 và trên nền thấp của cùng kỳ năm trước; các trung tâm sản xuất công nghiệp và xuất khẩu chính của cả nước sụt giảm hoặc tăng không đáng kể cho thấy việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm là vô cùng khó khăn.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, một số động lực chính của tăng trưởng như xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, sản xuất công nghiệp đều ghi nhận mức giảm. Khó khăn của nền kinh tế đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của DN khi tổng số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm; số DN giải thể, phá sản tăng.
Phân tích rõ nguyên nhân để có giải pháp thích hợp
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, trong thời gian qua công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã có bước tiến mới. Tuy nhiên tình trạng sai phạm liên quan đến tham nhũng tiêu cực vẫn xảy ra, gây bức xúc trong dư luận, như các lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu DN, hoạt động ngân hàng, đăng kiểm.
“Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức ở một số đơn vị, địa phương chưa nghiêm, còn nhiều trường hợp vi phạm thực hiện quy tắc ứng xử. Tình trạng lợi dung kẽ hở về cơ chế, chính sách, vị trí công tác gây nhũng nhiều, phiền hà cho người dân, DN còn diễn ra ở nhiều lĩnh vực. Hiện tượng người dân phải lót tay để giải quyết công việc là thực trạng diễn ra nhiều năm, chưa được ngăn chặn kịp thời” - bà Nga chỉ rõ và đề nghị kịp thời bổ sung, đánh giá cụ thể hơn, chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, ngành.
Trong khi đó, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhìn nhận, việc phục hồi phát triển kinh tế còn gặp nhiều khó khăn trong việc giải ngân, tiếp cận nguồn vốn, giải quyết vấn đề đất đai, thủ tục hành chính hiện nay còn rườm rà, công tác cải cách hành chính chưa hiệu quả. Theo bà Thanh, có tình trạng làm việc cầm chừng, sợ sai, sợ trách nhiệm. Do đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, khẩn trương ban hành văn bản quy phạm pháp luật để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Còn theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, cần đánh giá đúng thực chất biểu đồ tăng trưởng của đất nước, không phải tăng trưởng giảm đột ngột từ 8,2% xuống 3,3% mà từ cuối quý III, quý IV/2022 đã có xu hướng giảm. Vì vậy cần phân tích những tồn tại một cách khoa học, chặt chẽ và đầy đủ hơn.
Giải trình về những khó khăn nội tại, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, khó khăn lớn nhất là tình trạng cán bộ có biểu hiện e ngại, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm dẫn đến chậm trễ trong giải quyết công việc.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế có cả có những yếu kém nội tại của nền kinh tế. Tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức ở một số bộ, ngành, địa phương chưa cao. Đề nghị Chính phủ phân tích, đánh giá cụ thể nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, đâu là nguyên nhân chủ quan, đâu là nguyên nhân khách quan. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, cần phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, từ đó mới có giải pháp. Trong đó, tập trung bám sát vào những giải pháp đã có trong nghị quyết của Quốc hội, kết luận Trung ương, sát với những nguyên nhân hiện nay như: Phải tập trung vào vấn đề cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công chức và công vụ, trách nhiệm của người đứng đầu, khắc phục tình trạng một bộ phận né tránh trách nhiệm, sợ sai.
Tổng thu ngân sách nhà nước bằng 39% dự toán
Tại phiên họp, báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, tình hình triển khai thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, 4 tháng đầu năm 2023 tổng thu ngân sách nhà nước đạt 632,5 nghìn tỷ đồng, bằng 39% dự toán, giảm 6,9% so cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thu nội địa đạt 39,5% dự toán, giảm 4,2%; thu dầu thô đạt 47,5% dự toán, giảm 17,6%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 35,9% dự toán, giảm 18,9% so cùng kỳ 2022.