Theo Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, những hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp, lợi dụng nghề báo cao quý để trục lợi một cách bất lương cần phải được ngăn chặn với những biện pháp nghiêm khắc nhất. Khắc phục tối đa tình trạng bị kỷ luật ở cơ quan này chạy qua cơ quan khác, bị tước thẻ nhà báo thì vẫn mang bút danh khác…
Hội nghị tổng kết công tác báo chí năm 2018.
Nêu định hướng công tác báo chí năm 2019 tại Hội nghị tổng kết công tác báo chí, chiều 28/12, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, cần xác định rõ nguyên nhân khiến việc triển khai quy hoạch báo chí bị chậm trễ, trên cơ sở đó, gấp rút hoàn thiện quy hoạch để trình Chính phủ phê duyệt.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, việc triển khai quy hoạch báo chí ngoài quyết tâm của cơ quan quản lý thì cơ quan chủ quản, cấp ủy đảng của cơ quan báo chí cũng cần thể hiện vai trò là nhân tố quyết định.
Cơ quan quản lý cần theo dõi, hướng dẫn những cơ quan, địa phương đi đầu như tỉnh Quảng Ninh thực hiện mô hình Trung tâm truyền thông gắn với phân tích, đánh giá toàn diện, cụ thể những vấn đề liên quan, nêu bài học kinh nghiệm để nhân rộng nếu mô hình mới thực sự phát huy tác dụng tích cực.
Bên cạnh đó, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị, cần tiếp tục rà soát, chấn chỉnh tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích. Phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm khắc các sai phạm trong hoạt động báo chí. Bên cạnh đó, chấn chỉnh những sơ hở trong tổ chức, quản lý văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, sử dụng cộng tác viên. Đối với công việc này, phải có những biện pháp quyết liệt, hiệu lực hơn nữa, tránh chung chung. Trong đó, cần nêu cao trách nhiệm của cơ quan chủ quản và người đứng đầu cơ quan báo chí.
Trưởng ban Tuyên giáo trung ương chỉ đạo thêm, Bộ Thông tin và Truyền thông cần gấp rút xây dựng bộ công cụ định tính, định lượng cụ thể nhằm phân biệt rõ báo điện tử với tạp chí điện tử, phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam để trong khi chưa sửa đổi Luật Báo chí, có những văn bản chỉ đạo, định hướng kịp thời, nhằm chặn đứng, xử lý thật nghiêm khắc tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử- một vấn đề rất bức thiết trong công tác quản lý báo chí, truyền thông hiện nay.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng nói thêm: “Từ năm 2019, dù chưa có quy định chính thức nhưng cũng phải hướng tới thực hiện một cách nghiêm khắc theo các quy định sau đây: Thứ nhất, tạp chí phải theo định kỳ, một kỳ là 2 tuần và không đưa tin thời sự. Quy định nhà nước chưa có thì xử lý bằng quy tắc Đảng để cơ quan chủ quản, tổ chức Đảng của cơ quan đó chấp hành nghiêm, nếu không có thể xử lý theo quy định 75 về khen thưởng, kỷ luật, bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ của các cơ quan quản lý. Phải làm rất nghiêm, không thể để chậm trễ như vậy hiện nay”.
Bên cạnh đó, ông Võ Văn Thưởng cũng cho rằng, năm 2019, cơ quan quản lý Trung ương cũng như các địa phương cần thực hiện tốt hơn, kịp thời hơn việc biểu dương, khen thưởng các đơn vị báo chí và nhà báo có thành tích xuất sắc; phê phán mạnh mẽ, xử lý nghiêm khắc sai phạm, biểu hiện tiêu cực trong hoạt động báo chí, trong đó, công khai danh sách cơ quan báo chí nhiều sai phạm, bị xử lý, cùng chủ quản các cơ quan báo chí đó - như Hội nghị báo chí toàn quốc thực hiện lần này - phải trở thành một tiền lệ tích cực để góp phần khắc phục biểu hiện tiêu cực trên.
“Những hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp, lợi dụng nghề báo cao quý để trục lợi một cách bất lương cần phải được ngăn chặn với những biện pháp nghiêm khắc nhất. Cần có chế tài, quy định chặt chẽ để những cán bộ báo chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp nhiều lần nghiêm trọng phải bị tẩy chay, không còn cơ hội len lỏi vào các cơ quan báo chí. Khắc phục tối đa tình trạng bị kỷ luật ở cơ quan này chạy qua cơ quan khác, bị tước thẻ nhà báo thì vẫn mang bút danh khác. Rồi một số cơ quan kể cả phóng viên vi phạm pháp luật, bị khởi tố, có án tích vẫn sử dụng lại làm bộ phận biên tập….”
Theo ông Võ Văn Thưởng, Luật Báo chí 2016 đã triển khai được 2 năm, trong thời gian đó, với sự thay đổi nhanh chóng của đời sống báo chí truyền thông, nhiều vấn đề mới đang đặt ra. Đánh giá hai năm triển khai thực hiện Luật Báo chí 2016 là cần thiết. Bộ Thông tin và Truyền thông cần xúc tiến, chuẩn bị công việc này chu đáo, trên cơ sở sơ kết của các bộ, ngành, địa phương. Tinh thần chung là bảo đảm tính thực tiễn, khả thi; phù hợp với xu hướng phát triển của báo chí thế giới; đáp ứng yêu cầu hoạt động của nền báo chí cách mạng Việt Nam trong thời gian lâu dài.
* Chia sẻ tại Hội nghị báo chí toàn quốc, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng khẳng định: "Hội Nhà báo Việt Nam đã làm tốt vai trò tổ chức, nâng cao chất lượng Giải Báo chí Quốc gia. Bên cạnh đó, Hội báo toàn quốc được mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, có ý nghĩa như cuộc biểu dương lực lượng và tôn vinh những người làm báo, góp phần làm phong phú thêm hoạt động văn hóa đầu xuân. Tiếng nói của Hội Nhà báo trong năm qua kịp thời hơn, nhất là đối với những vấn đề liên quan quyền tác nghiệp đúng luật pháp của hội viên, nhà báo. Là tổ chức chủ động áp dụng kỹ thuật rà soát việc gỡ bài, từ kết quả tích cực ban đầu, năm qua, công việc này tiếp tục được duy trì với sự phân tích số liệu, thông tin cụ thể hơn, trở thành một trong những giải pháp quan trọng khắc phục căn bản tình trạng gỡ, sửa bài tùy tiện, tiêu cực. Nhưng những người làm báo chân chính, công chúng và dư luận cũng đang bức xúc trước tình trạng ngày càng xuất hiện nhiều hơn những “sai phạm về nghiệp vụ” tinh vi, có chủ ý, thậm chí có dấu hiệu “theo đặt hàng” của một số nhà báo và cơ quan báo chí. Phải chăng, đây cũng là những hành vi trục lợi, lợi ích nhóm, tham nhũng trong một bộ phận những người làm báo? Vì vậy, Hội Nhà báo Việt Nam phải đấu tranh chống các nhà báo "salon", ngồi phòng máy lạnh “cào bàn phím” "xào nấu" tin bài, áp đặt, suy diễn chủ quan vào các “nhân vật” hư cấu..." |