Bộ Chính trị vừa ban hành quy định về luân chuyển cán bộ, nhằm nâng cao hiệu quả về công tác cán bộ; tạo điều kiện cho cán bộ trong quy hoạch có môi trường rèn luyện, am hiểu thực tiễn, phát triển toàn diện. Việc luân chuyển được kết hợp với tăng cường cho những nơi khó khăn, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu.
Quy định số 65 của Bộ Chính trị nêu rõ diện cán bộ được luân chuyển, nguyên tắc bố trí chức vụ khi luân chuyển. Đặc biệt Quy định nêu rõ cán bộ luân chuyển phải có đủ sức khỏe và còn đủ thời gian công tác ít nhất 10 năm; thời gian luân chuyển ít nhất là 36 tháng (3 năm). Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Quy trình luân chuyển cán bộ gồm 5 bước. Bước một, căn cứ nhu cầu luân chuyển cán bộ, cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ của địa phương, cơ quan, đơn vị để xây dựng kế hoạch trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho chủ trương.
Bước hai, căn cứ chủ trương của cấp có thẩm quyền, cơ quan tham mưu tổ chức - cán bộ trao đổi với các địa phương, cơ quan, đơn vị để đề xuất nhân sự luân chuyển.
Bước ba, cơ quan tham mưu tổ chức - cán bộ tổng hợp đề xuất của các địa phương, cơ quan, đơn vị và rà soát tiêu chuẩn, tiêu chí, dự kiến địa bàn, chức danh, nhân sự; lấy ý kiến nhận xét, đánh giá đối với nhân sự dự kiến luân chuyển.
Bước bốn, cơ quan tham mưu tổ chức - cán bộ gửi văn bản lấy ý kiến thẩm định của các cơ quan liên quan, trao đổi với cơ quan nơi đi, nơi đến; gặp gỡ cán bộ được luân chuyển để quán triệt mục đích, yêu cầu; đồng thời nắm tâm tư, nguyện vọng và xác định trách nhiệm đối với cán bộ.
Bước năm, cơ quan tham mưu tổ chức - cán bộ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Đảng ta xác định công tác cán bộ là đặc biệt quan trọng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Người luôn nhắc nhở, không phải làm cán bộ để “thăng quan phát tài”, để làm “quan cách mạng”, mà để làm người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Người quan niệm “đức” là gốc của cán bộ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhiều lần nhấn mạnh công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”.
Về công tác luân chuyển cán bộ, ngày 9/12/2021, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị cán bộ toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Công tác luân chuyển cán bộ phải phù hợp với chức danh quy hoạch; bảo đảm cân đối, hài hòa giữa luân chuyển cán bộ với phát triển nguồn cán bộ tại chỗ; luân chuyển ngang và dọc...Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương bố trí chức danh lãnh đạo chủ chốt không phải là người địa phương”.
Trên thực tế, công tác luân chuyển cán bộ cũng đã được triển khai từ lâu, đạt được nhiều kết quả. Nhiều cán bộ đã trưởng thành trong môi trường mới. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp lợi dụng chủ trương luân chuyển để “thăng quan phát tài”. Từ đó đã nảy sinh tiêu cực là “chạy luân chuyển”, nhằm có chức vụ cao hơn, vị trí lãnh đạo cao hơn sau luân chuyển. “Chạy luân chuyển” về bản chất cũng chính là chạy chức, chạy quyền. Trước đây, thời gian luân chuyển ngắn được một số cán bộ suy thoái phẩm chất cho là “hy sinh ngắn hạn” để đổi lấy chức quyền bổng lộc lâu dài. Điều đó đã gây bức xúc dư luận và tác động tiêu cực tới công tác cán bộ.
Mặt khác, cũng có trường hợp lợi dụng chủ trương luân chuyển để “đẩy” những người không hợp với mình, “không thuộc ê-kip” ra khỏi hệ thống. Đó là việc làm có động cơ không trong sáng, cũng làm hỏng công tác cán bộ.
Nay, với quy định rất rõ ràng của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ, chắc chắn rằng công tác này sẽ được triển khai tốt. Sẽ không còn việc “chạy” luân chuyển và cũng không còn việc “đẩy” cán bộ đi luân chuyển. Cũng chính vì thế, công tác này cần phải được tiến hành một cách công tâm, vô tư, trong sáng. Đồng thời, về phía người được luân chuyển cũng sẽ xác định rõ trách nhiệm của mình mà ra sức phấn đấu, không “mũ ni che tai” để đợi sau luân chuyển trở về sẽ có được “chiếc ghế” sáng giá hơn.