Ngày 3/10, Thành ủy TP HCM đã khai mạc Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP HCM lần thứ 14, bàn giải pháp cấp bách cho hai tháng cuối năm 2017 và đánh giá quá trình thực hiện 7 chương trình đột phá của thành phố.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng các lãnh đạo thành phố dự và tham gia điều hành Hội nghị.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân băn khoăn về mục tiêu tăng trưởng 8,4 – 8,7% đến cuối năm của TP HCM. (Ảnh: Hồng Phúc).
Trong phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy TP HCM bày tỏ lo lắng khi trong 9 tháng đầu năm nay, kinh tế thành phố dù đã tăng 7,97% so với cùng kỳ năm trước song nếu so với mục tiêu đề ra cho cả năm 2017 với tốc độ tăng trưởng đạt 8,4 - 8,7% thì rất khó đạt được. “Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2017 là 8,4%, thì quý IV năm nay, chúng ta phải tăng 9,4-9,5%. Đây là điều rất khó thực hiện, do đó, chúng ta phải dồn sức quyết liệt để hoàn thành chỉ tiêu đề ra, đồng thời năm sau phải làm tốt hơn”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo các Sở ngành, quận huyện.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến trình bày về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội 9 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2017 cũng cho biết những khó khăn rất lớn của thành phố nhưng vẫn duy trì được mức tăng trưởng 7,97% là một trong những nỗ lực rất lớn của các ngành, các lĩnh vực.
Mức tăng trưởng này, tương đương với 775.874 tỷ đồng tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn, thậm chí còn vượt so với cùng kỳ 2016.
Trong đó, khu vực dịch vụ, khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 7,7%; nông nghiệp tăng 6,2%; xuất khẩu tăng 15,7%; huy động vốn tăng 9,2%.
Cũng theo ông Trần Vĩnh Tuyến, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố đã có xu hướng hướng gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trong đó khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 57,2%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 25,1%, khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng 0,7%.
Tình hình thu hút đầu tư của TP HCM đạt được các tín hiệu khả quan, khi tổng vốn đầu tư toàn xã hội tính đến nay chiếm 30,6% tổng giá trị sản phẩm (GRDP), trong đó ưu tiên bố trí vốn để thực hiện các dự án trọng điểm, giải quyết các điểm nóng, nhu cầu bức xúc của thành phố.
Quang cảnh Hội nghị BCH Đảng bộ TP HCM khai mạc 3/10. (Ảnh: Hồng Phúc).
Đối với 7 chương trình đột phá, đến nay thành phố đã triển khai thực hiện đạt 71,3% kế hoạch. Điểm đột phá là chỉ trong 9 tháng qua đã có 29.921 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới, với tổng vốn đăng ký là 396.493 tỷ đồng trên toàn địa bàn thành phố.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến, con số thu hút doanh nghiệp vào thành phố đã tăng 13% so với cùng kỳ và tăng 84,5% về vốn đăng ký, cho thấy sức hút mạnh mẽ về chính sách của thành phố. Trong đó, đáng chú ý là có 1.372 hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp, bước vào cuộc cạnh tranh chuyên nghiệp trên thương trường.
“Thành phố chúng ta hiện đã có 322.821 doanh nghiệp đăng ký trên hệ thống (đã trừ giải thể), trong đó có 593 dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đầu tư đạt 925,1 triệu USD. Với những tín hiệu tích cực kể trên cho thấy phong trào khởi nghiệp của thành phố có một số dấu ấn trong việc tăng số lượng doanh nghiệp mới được thành lập trên địa bàn”, ông Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh.
Tuy nhiên, dù đạt được những nỗ lực lớn, nhưng UBND TP HCM cũng nhìn nhận những khuyết điểm trong một số mặt, một số lĩnh vực.
Đó là khả năng hoàn thành 2 chỉ tiêu chủ yếu về tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa và thu ngân sách gặp nhiều khó khăn, nguồn vốn các dự án ODA được duyệt theo kế hoạch chậm được phân bổ; một số cơ chế chính sách, thủ tục chưa được xem xét giải quyết kịp thời; tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng còn phức tạp, trong đó xây dựng không phép tăng 35,6%, công trình sai phép tăng 15,1% so với cùng kỳ.
Các vấn đề về quản lý, vận hành nhà chung cư, đặc biệt là các chung cư được đầu tư xây dựng theo Luật Nhà ở chưa tốt, để xảy ra tình trạng tranh chấp, mâu thuẫn giữa chủ đầu tư, Ban quản trị và cư dân.
Về vấn đề này, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân lưu ý, xây nhà không phép tăng vượt 35% là một dấu hiệu đáng lo. Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, trong số 24 quận, huyện của thành phố thì có 8 quận có dưới 10 trường hợp xây dựng nhà không phép, còn lại hầu hết những quận có tình trạng nhà xây dựng không phép gia tăng đáng lo ngại.
Chẳng hạn, huyện Củ Chi có 281 trường hợp xây dựng nhà không phép, tăng 189 trường hợp so với 9 tháng đầu năm 2016. Tức là bình quân mỗi ngày có hơn 1,1 căn được xây dựng. Ngoài ra, huyện Bình Chánh có 263 trường hợp xây không phép trong 9 tháng đầu năm, dù giảm 240 trường hợp so với cùng kỳ nhưng bình quân mỗi ngày vẫn có hơn 1 căn được xây dựng không phép.
Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM Trần Trọng Tuấn lý giải về vấn đề này: số vụ xây nhà trái phép tăng lên có nguyên nhân từ việc sốt đất, nhiều gia đình cố tình xây nhà không phép để trục lợi tiền bồi thường.
Ông Tuấn kiến nghị UBND TP HCM cần có chỉ thị để tăng cường sự phối hợp giữa Thanh tra Xây dựng TP và UBND các quận, huyện trong việc quản lý nội bộ.
Vừa qua, Sở Xây dựng đang họp, xử lý kỷ luật 4 trường hợp và có thể ở mức cao nhất là buộc thôi việc do vi phạm chức trách, nhiệm vụ được giao trong lĩnh vực quản lý đô thị.
Để giải quyết các bất cập còn tồn tại, nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng 8,4 - 8,7% đến cuối năm 2017, UBND TP HCM đề ra nhóm 6 giải pháp, tập trung vào các nội dung về phát triển kinh tế, thương mại dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; quản lý đô thị; văn hóa - xã hội; cải cách hành chính và hoạt động bổ trợ tư pháp và đảm bảo quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội.