Được UBND tỉnh cấp phép, các doanh nghiệp lợi dụng sự ưu ái khai thác ngoài khu vực cho phép, vượt khối lượng hàng ngàn m3 gây ô nhiễm môi trường, sạt lở nghiêm trọng đến diện tích canh tác, cây trồng và thủy sản của người dân.
Tuy nhiên, theo UBND TP Cam Ranh thì những điểm sạt lở này lại không phải do các doanh nghiệp này gây ra, trái ngược với những gì người dân phản ánh.
Lòng sông bị đục khoét và sạt lở do khai thác cát.
Đi tìm nguyên nhân
Trước đây, báo Đại Đoàn kết có đăng loạt bài phản ánh tình trạng khai thác cát để làm vật liệu xây dựng, gây ô nhiễm môi trường, sạt lở nghiêm trọng đến diện tích canh tác, cây trồng và thủy sản của người dân tại suối Sông Cạn thuộc địa phận xã Cam Thịnh Đông, TP Cam Ranh tỉnh Khánh Hòa.
Cụ thể, chỉ trên một đoạn suối nhỏ với diện tích khoảng 7ha, trong một thời gian ngắn, chính quyền địa phương đã cấp phép cho 3 doanh nghiệp (gồm: Cty cổ phần Đầu tư và PTTM-DV Trung Hậu, Cty THHH TMDV Đại Cát và Cty TNHH ĐT-DV Cát Khánh) cùng khai thác.
Mới đây, UBND TP Cam Ranh đã có công văn trả lời báo chí về tình trạng trên. Theo UBND TP Cam Ranh, tình trạng sạt lở hai bên suối Sông Cạn là có, nhưng do thiên tại và sạt lở trước khi các doanh nghiệp này được cấp phép chứ không phải do khai thác cát. Điều này trái ngược với những gì mà người dân phản ánh và phóng viên ghi nhận được tại thực tế.
Theo UBND TP Cam Ranh, qua kiểm tra của các đoàn thì tình trạng sạt lở trên không phải do khai thác cát. Cụ thể, khu vực Cty Đại Cát được cấp phép đã bị sạt lở với tổng chiều dài khoảng 287m nhưng UBND TP Cam Ranh cho rằng là do mưa lũ.
Khu vực Cty Trung Hậu được cấp phép khai thác có các đoạn sạt lở: vị trí bờ suối sông Cạn tiếp giáp vườn dừa sạt lở với chiều dài 300m; vị trí bờ suối sông Cạn đối diện với vườn dừa, chiều dài khoảng 700m” và cho rằng tình trạng sạt lở này là có trước khi được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp phép. Bên cạnh đó, UBND TP Cam Ranh cũng cho rằng khu vực Cty Cát Khánh được cấp phép không bị sạt lở.
Trái ngược với báo cáo này, ông Bạch Văn Sửu- Phó Chủ tịch UBND xã Cam Thịnh Đông lại cho rằng: Vị trí thi công nạo vét của Cty Cát Khánh đã gây sạt lở, làm ô nhiễm môi trường, gây thiệt hại đến diện tích đìa sản xuất, nuôi trồng thủy sản của 8 hộ dân.
Vị trí nạo vét của Cty TNHH TMDV và XD Đại Cát đã gây sạt lở nghiêm trọng đất của trại dừa do Cty Yến Sào quản lý và nhiều diện tích đất, hoa màu, cây trồng của người dân.
Bên cạnh đó, qua khảo sát thực tế của đoàn kiểm tra HĐND TP Cam Ranh cũng cho thấy, do không thực hiện đúng quy định, thời gian nạo vét, vị trí và độ sâu nên đã làm sạt lở dọc theo bờ sông, bờ suối Sông Cạn, ảnh hưởng đến đất lâm nghiệp, đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của các hộ dân…
Tiếp tục gia hạn?
Ông Đoàn Quan Đang, trú tại thôn Hiệp Thanh, xã Cam Thịnh Đông cho biết: “Họ hút cả ngày cả đêm, đất cát sạt lở hết. Lúc trước, khu vực đất này không dốc và sạt lở vậy đâu, đất bằng và thoải lắm, nhưng hai năm nay, hễ mưa xuống là bờ sạt lở…Họ hút từng đoạn, cứ hút đoạn trên thượng lưu xong là chuyển dần về phía dưới hạ lưu, khi mưa và nước chảy xuống là đất cát hai bên bờ sạt lở xuống, cát trên thượng nguồn đổ về thì khu vực hút cát lại bình thường. Cứ như thế chúng hút trên xong lại quay về hút dưới. Cát thì không biết đi đâu, nhưng hai bờ sông cứ thế mà sạt lở, cây cối của người dân cứ thế mà đổ theo”.
Còn theo ông Lê Văn Trung- Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Cam Thịnh Đông thì: “Chúng tôi chịu thua, giờ chỉ biết ngồi chờ cấp trên và báo chí can thiệp dùm cho địa phương”.
Gốc xoài rất to trồng từ năm 1982, rễ bám rất chặt, thế mà vẫn “ra đi” vì hút cát. “Hồi đó sông Cạn nhỏ lắm, không rộng như bây giờ, nhưng do hút cát quá dữ, 2 bên bờ sụt lún, mất đất. Mảnh đất của tôi trồng xoài đã bị sông nuốt cả 10m rồi, và không biết bao nhiêu cây nữa sẽ trôi xuống sông. Khơi thông dòng chảy gì mà thiệt hại cho dân như thế”- ông Trung bức xúc.
Theo ông Trung, từ năm 2016 đến nay, không biết bao lần, các đoàn chức năng về kiểm tra, lập biên bản nhưng... rồi cũng chịu vì các doanh nghiệp này do tỉnh cấp phép.
Điều ông Trung lo nhất, hiện nay đoạn sông gần cầu sông Cạn bắc qua QL1A (gần một doanh nghiệp thủy sản) đang bị đục khoét lấy cát.
“Nếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục hút cát, cây cầu này sẽ bị hỏng chân và không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra đối với các phương tiện hằng ngày lưu thông qua đây”- ông Trung nói.
Tuy người dân phản ánh là vậy, tình trạng sạt lở vẫn diễn ra hàng ngày nhưng UBND TP Cam Ranh cho rằng, tại thời điểm này, Cty Trung Hậu và Cty Cát Khánh đã thực hiện các thủ tục theo quy định trước khi tiến hành nạo vét, đo bình độ, tổ chức cắm mốc, thông báo kế hoạch khai thác trước khi thi công. Riêng Cty Đại Cát chưa thi công nạo vét nên chưa thực hiện các thủ tục trên.
UBND TP Cam Ranh cho biết: Hết tháng 8/2017 có 2 Cty sẽ hết giấy phép khai thác là Cty Trung Hậu và Cty Đại Cát nên UBND TP Cam Ranh đang xem xét có ý kiến gia hạn cho 2 công ty này tiếp tục nạo vét khi có văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa.
Xin nhắc lại câu nói của ông Bạch Văn Sửu- Phó Chủ tịch UBND xã Cam Thịnh Đông: “Tôi nói thật là xã không được lợi gì từ việc hút cát đó, có chăng là cung cấp cát xây dựng cho người dân địa phương, còn doanh nghiệp lấy cát đi bán thì họ được lợi thôi. Chúng tôi chỉ biết, họ càng hút, bờ sông, đất nông nghiệp của người dân càng sạt lở”.