Khai thác 'mỏ vàng' du lịch miền núi

Phạm Sỹ 24/10/2023 08:28

Với nhiều lợi thế, các địa phương miền núi đang phát triển mạnh mô hình du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, để sự phát triển đó thực sự bền vững thì cần phải có sự định hướng, tránh tình trạng phát triển ồ ạt, mất kiểm soát để lại nhiều hệ lụy sau này.

Hồ Đăk Ke trong Khu Du lịch sinh thái Măng Đen (tỉnh Kon Tum). Ảnh: Thế Binh.

“Mỏ vàng” du lịch

Việt Nam có 54 dân tộc anh em, đã tạo nên nền văn hóa phong phú, đậm đà sắc màu các dân tộc. Đó cũng chính là nguồn tài nguyên nhân văn to lớn để Việt Nam khai thác và phát huy giá trị văn hóa trong phát triển du lịch. Hiện nay, ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nước ta, loại hình du lịch cộng đồng, homestay đã và đang được đầu tư để đáp ứng nhiều hơn nhu cầu của du khách.

Thời gian qua, chính quyền các địa phương đã xây dựng nhiều điểm, tuyến du lịch như tuyến vòng cung Tây Bắc nối liền 6 tỉnh Tây Bắc; tuyến du lịch tìm hiểu Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên... để khai thác và phát huy các giá trị văn hóa bản địa của đồng bào.

Theo thống kê của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, cả nước có khoảng 300 làng, bản, buôn, thôn, xóm có hoạt động du lịch cộng đồng với hơn 5.000 homestay hoạt động, sức chứa khoảng 100.000 khách. Tuy nhiên, mới chỉ có khoảng hơn 2.000 cơ sở trong số đó, được công nhận đạt chuẩn phục vụ du khách.

Khách du lịch khám phá hồ Pha Đay ở bản Bút (xã Nam Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa).

Sau nhiều năm phát triển, đến nay sức thu hút của du lịch ở vùng đồng bào DTTS đang từng bước tăng lên, giá trị của nhiều tài nguyên du lịch được khai thác mạnh mẽ. Có thể khẳng định, du lịch cộng đồng đã trở thành một trong những loại hình du lịch được yêu thích của du khách khi đến với các tỉnh vùng núi phía Bắc như Lào Cai, Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang, Yên Bái, Thái Nguyên…

Ông Phạm Hải Quỳnh - Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC) cho rằng, không chỉ đánh thức sức sống tiềm tàng của nhiều tài nguyên du lịch, du lịch cộng đồng còn tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thông qua những du lịch phục vụ du khách đến trải nghiệm như lưu trú, hướng dẫn viên, kinh doanh ẩm thực, sản xuất và kinh doanh đặc sản và quà lưu niệm của địa phương.

Bản Cát Cát (Sa Pa, Lào Cai) đổi thay từ phát triển du lịch. Ảnh: Quốc Hồng.

Cần có sự định hướng rõ ràng

Văn hóa vùng đồng bào DTTS có giá trị rất lớn, muốn phát triển du lịch dựa trên những giá trị đó thì ở mỗi một địa phương phải có hướng đi rõ ràng, xây dựng những sản phẩm văn hóa có tính đặc trưng riêng của từng địa phương. Cùng với đó là có giải pháp mang tính bền vững đảm bảo phát triển lâu dài, đảm bảo quyền lợi cho cộng đồng.

Anh Hà Mạnh Luân - chủ một homestay tại Tà Xùa (Sơn La) chia sẻ: Việc phát triển du lịch ở vùng núi, vùng đồng bào DTTS có nhiều ưu thế từ văn hóa bản địa cho đến thiên nhiên và ẩm thực đa dạng phong phú. Ở những vùng này, du lịch có thể được coi là mũi nhọn góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Chính quyền địa phương đã có những chính sách, định hướng để phát triển du lịch. Tuy nhiên, để du lịch những vùng này phát triển bền vững thì cần được sự hỗ trợ về nguồn vốn, sự tham gia của các chuyên gia đào tạo kỹ năng cho bà con về cách thức làm du lịch… Bên cạnh đó, các địa phương cần tạo kiện hơn nữa để mở cửa thu hút những nhà đầu tư đến để khai thác.

Mặc dù có nhiều lợi thế nhưng việc phát triển du lịch cộng đồng ở vùng đồng bào DTTS và miền núi còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều địa phương phát triển ồ ạt, không có chiến lược, sao chép của nhau, khiến văn hóa bị mất bản sắc... Hiện nay, nhiều người đang chưa hiểu định nghĩa của mô hình du lịch cộng đồng, dẫn đến làm sai, khó phát triển.

Theo giới chuyên gia, một số người dân không hiểu rằng trong du lịch, cộng đồng văn hóa địa phương là chìa khóa then chốt, vì thế đã làm hỏng cảnh quan, xây dựng những bungalow, bê tông hóa cả những ngôi nhà làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên...

Nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển du lịch cộng đồng bền vững các địa phương cần có kế hoạch phát triển từng sản phẩm cốt lõi. Đặc biệt, cần có sự song hành của các chuyên gia và hướng dẫn địa phương xây dựng mô hình mẫu. Cần giải quyết triệt để mâu thuẫn cộng đồng từ đó tạo quy chế, hành lang trong việc phát triển bản làng hay phát triển cộng đồng một cách bền vững. Bên cạnh đó, ngành Du lịch cần hoàn thiện quy chế, quy chuẩn, hướng dẫn chi tiết cho từng mô hình phát triển của địa phương, có đề xuất để có quy chế tài chính dành riêng cho phát triển du lịch cộng đồng, từ đó có thêm các nguồn ngân sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Đính (Hiệp hội Du lịch Việt Nam), cơ quan quản lý nhà nước về du lịch phải đứng ra tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho người dân về cách làm du lịch cộng đồng, về các kỹ năng nghiệp vụ phục vụ khách du lịch. Ngành du lịch và chính quyền địa phương cần có hướng dẫn và có các quy định đối với cộng đồng cư dân trong hoạt động du lịch để tránh tình trạng lai căng, du nhập văn hóa không lành mạnh, bảo vệ và giữ gìn môi trường xã hội - nhân văn, văn hóa bản địa, bảo vệ và giữ gìn môi trường thiên nhiên. Đồng thời có những quy định và hướng dẫn để khách du lịch hiểu và tôn trọng luật pháp Việt Nam, phong tục, tập quán địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khai thác 'mỏ vàng' du lịch miền núi