Năng lượng thông minh (Smart Energy) là năng lượng sạch, vĩnh cửu, khai thác từ điện mặt trời, được TP HCM đặc biệt quan tâm trong quá trình phát triển đô thị thông minh, với lợi thế về cơ chế đặc thù…
Tại toạ đàm “Năng lượng thông minh: Hướng đi nào cho TP HCM?” vừa diễn ra tại TP HCM, ông Nguyễn Phương Duy- đại diện Sở Công Thương TP HCM cho biết, lĩnh vực năng lượng tái tạo tại TP HCM hiện phát triển còn chậm, chủ yếu là các sản phẩm máy nước nóng năng lượng mặt trời được người dân sử dụng đại trà. Trong khi, nguồn phát điện từ năng lượng mặt trời còn chưa đáng kể do giá thành đầu tư cao, mà giá bán điện chưa được Nhà nước hỗ trợ.
Riêng trong giai đoạn 2011 – 2017, thành phố đã tiết kiệm được 3.100 triệu kWh điện, góp phần giảm trên 2.039 triệu tấn CO2. Tuy nhiên, đối với nhu cầu ngày càng lớn hiện nay thì TP HCM đang hướng đến các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng mặt trời.
Năm 2018, thành phố triển khai các hạng mục quan trọng trong Đề án “Xây dựng TP HCM trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Đây là một đề án được triển khai trong xu hướng phát triển đô thị thông minh đang tăng tốc rất nhanh bởi những tác động từ sự bùng nổ mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0 trên toàn thế giới.
Tại tọa đàm, các chuyên gia chia sẻ kế hoạch và đề xuất mô hình trung tâm “Put Solar On It” (tạm dịch Nóc nhà Mặt Trời), với mục tiêu khuyến khích người dân, doanh nghiệp lắp pin năng lượng mặt trời trên nóc nhà.
Thời gian tới, Dự án sẽ tổ chức các hội thảo chuyên đề với các chuyên gia, các hoạt động dành cho cộng đồng tại các khu đô thị trong địa bàn TP HCM, vận động các công ty năng lượng tái tạo cũng như các ngân hàng hỗ trợ về giá đầu tư và các gói vay ưu đãi, cũng như vận động EVN và các cơ quan ban ngành hỗ trợ về chính sách cho các gia đình lắp đặt điện mặt trời nối lưới.